Thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 theo nhiều người nhận xét là khá yên ả, không có biến động giá cả, khan hiếm hàng hóa. Các loại hoa kiểng, dưa hấu tuy không được "giá tết" như mong đợi, nhưng cả người bán và người mua đều chấp nhận thuận mua vừa bán.
Nhiều chủ vườn hoa đưa mức giá vừa bán cho khách hàng thuận mua. |
Thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 theo nhiều người nhận xét là khá yên ả, không có biến động giá cả, khan hiếm hàng hóa. Các loại hoa kiểng, dưa hấu tuy không được “giá tết” như mong đợi, nhưng cả người bán và người mua đều chấp nhận thuận mua vừa bán.
Một chủ vườn trồng hoa vạn thọ, cúc tiger, mồng gà… ven QL53 thuộc huyện Long Hồ, cho biết năm nay “mừng hết lớn” vì hơn 10.000 chậu hoa các loại đã được bán hết.
Ngay từ đầu mùa mua bán tết, chủ vườn xác định nhu cầu, tình hình thực tế và đưa ra mức giá hợp lý: cúc 150.000 đ/cặp, vạn thọ 80.000- 100.000 đ/cặp, ngoài ra còn có các loại vạn thọ chậu lớn 300.000- 500.000 đ/chậu (chủ yếu trồng theo đơn đặt hàng), nhờ vậy người mua nhanh và không cần kỳ kèo bớt một thêm hai.
Có thể nhận thấy thị trường năm nay, người bán nhạy bén nắm bắt thông tin thời sự, nên nhiều điểm bán hoa đã niêm yết giá rất sớm, hoa vạn thọ 50.000– 70.000 đ/cặp, cúc mâm xôi 250.000 đ/cặp, mào gà 60.000- 70.000 đ/cặp, dưa hấu tết 6.000- 8.000 đ/kg, đến 29- 30 tết nhiều điểm bán chỉ 4.000- 6.000 đ/kg…
Nhiều gian hàng hoa treo bảng giá cho người mua tham khảo. |
Theo nhiều người, giá dưa năm nay chỉ ở mức “giá ngày thường”- không tăng giá. Trong khi đó, năm nay hoa giấy về khá nhiều ở chợ hoa xuân TP Vĩnh Long và các chợ huyện, mà theo người bán do tình hình dịch COVID-19 “hoa ít đi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh như mọi năm”, dồn về chợ nhiều nên “bán nhiều nhưng không được giá”.
Giá hoa giấy nở rực rỡ từ 150.000- 500.000 đ/cặp tùy lớn nhỏ, theo người bán giá hoa tết năm nay chỉ bằng khoảng 2/3 năm ngoái, thậm chí còn thấp hơn giá bán ngày bình thường.
Trong khi đó, hoa mai năm nay cũng có giá “khá mềm”. Nhiều chủ vườn treo bảng giá lên từng cây mai cho khách mua dễ dàng lựa chọn, nhưng vẫn có thể thương lượng bớt thêm “tiền xe, chuyên chở”.
“Bán chậm và giá thấp” là tâm trạng của nhiều chủ vườn, nhiều cây mai giá trị 3- 4 triệu đồng nhưng kêu giá chỉ 2 triệu và khách trả 1,2- 1,5 triệu đồng/cây vào chiều tối 29 tết “cũng bán tuốt, tụi tui chỉ cầm giá từ huề tới lỗ, bõ công chăm sóc cả năm trời”- bán được hàng nhưng người bán không vui.
Do tình hình dịch bệnh, lượng mai đã được thương lái “đánh dấu nhưng không lấy hàng đi thành phố”, người bán xác định tình hình thị trường nên đưa ra mức giá rất phải chăng cho khách.
Có thể thấy thị trường hoa kiểng, dưa hấu tết năm nay, theo nhiều người bán là “giá không cao”, nhưng sự nhạy bén của người trồng và bán hoa là một điểm cộng: đưa ra mức giá hợp lý, niêm yết giá bán ngay từ đầu… đã giúp người mua yên tâm và có nhiều lựa chọn từ sớm, bớt tâm lý “đợi đến 30 mua hàng giảm giá”.
Dù tết năm nay người mua tiết kiệm một chút và người bán ít lời, nhưng cũng đã xích lại gần nhau hơn trong mùa tết “mua từ khi hoa mới lên chợ”, “mua hàng ít trả giá”, “chia sẻ với nhau trong thời buổi khó khăn”… Cũng là cho nhau cùng đón tết an vui!
Bài, ảnh: LÝ AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin