Ổ dịch ở thành phố Chí Linh, Hải Dương cơ bản đã được kiểm soát, chuyên gia đã phân tích gene, làm rõ hơn đặc tính virus của chủng mới, số ngày phát bệnh nhanh hơn từ 1-2 ngày, thay vì 5 hoặc 14 ngày.
Ổ dịch ở thành phố Chí Linh, Hải Dương cơ bản đã được kiểm soát, chuyên gia đã phân tích gene, làm rõ hơn đặc tính virus của chủng mới, số ngày phát bệnh nhanh hơn từ 1-2 ngày, thay vì 5 hoặc 14 ngày.
Lực lượng chức năng tuyên truyền nhắc nhở người dân đeo khẩu trang đúng cách tại bến xe khách Lai Châu để phòng chống dịch COVID - 19. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN) |
Chiều 5/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch tại các địa phương hiện nay.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến 11 giờ, ngày 5/2, thế giới ghi nhận hơn 105,4 triệu ca mắc COVID-19, gần 2,3 triệu ca tử vong tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ. Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với khoảng 27,3 triệu ca mắc, gần 467 nghìn ca tử vong; tiếp đó là Ấn Độ với hơn 10,8 triệu ca mắc, khoảng 155 nghìn ca tử vong; Brazil với gần 9,4 triệu ca mắc, gần 229 nghìn ca tử vong.
Từ ngày 25/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận 389 ca mắc COVID-19 ở 11 tỉnh, thành phố, gồm Hải Dương (287 ca), Quảng Ninh (46 ca), Hà Nội (23 ca), Gia Lai (18 ca), Điện Biên (2 ca), Bình Dương (5 ca), Bắc Ninh (3 ca), Hòa Bình (2 ca), Hải Phòng (1 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (1 ca), Bắc Giang (1 ca).
Từ 6 giờ đến 11 giờ ngày 5/2, Việt Nam ghi nhận tổng số 14 ca mắc mới tại 4 tỉnh, thành phố, gồm Hải Dương (9 ca), Điện Biên (2 ca), Quảng Ninh (2 ca), Hà Nội (1 ca). Các ca đều được cách ly tập trung, ít có khả năng lây ra cộng đồng.
Điện Biên ghi nhận 2 ca trở về từ Cẩm Giàng (Hải Dương) dương tính với virus SARS-CoV-2; 4 trường hợp nghi ngờ đang xét nghiệm lại, trong đó, 2 trường hợp về từ huyện Cẩm Giàng và huyện Thanh Hà (Hải Dương), 2 trường hợp là sinh viên trở về từ phường Dịch Vọng, Cầu Giấy (Hà Nội). Điện Biên nhanh chóng truy vết và cách ly 414 ca F1.
Cùng với việc lấy 147.748 mẫu xét nghiệm tại 11 tỉnh, thành phố có dịch COVID-19, Bộ Y tế đã khẩn trương, tích cực chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chi viện nguồn lực chống dịch cho các địa phương; cùng các lực lượng liên quan, địa phương truy vết thần tốc với mạng lưới từ Trung ương tới địa phương để xác định nhanh các trường hợp có liên quan đến các ca bệnh, nhằm xác định khoanh vùng kịp thời. Bộ Y tế liên tục thông báo cho người dân những địa điểm nguy cơ để người dân biết, khai báo cơ quan y tế để được sàng lọc, xét nghiệm kịp thời.
Liên quan đến băn khoăn của người dân trong việc “cách ly y tế khi về quê đón Tết,” Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tất cả những đối tượng trở về từ khu vực có ổ dịch (ca F1) phải đưa đi cách ly tập trung, đối tượng F2 phải cách ly theo dõi tại nhà.
Những đối tượng còn lại được sàng lọc, giám sát y tế, được ra khỏi khu phong tỏa, khoanh vùng nếu có sự cho phép của chính quyền địa phương. Nếu được về nơi cư trú, những đối tượng này bắt buộc phải khai báo và tự theo dõi, tự cách ly tại nhà, có sự giám sát chặt chẽ như các ca F2 tại nơi phong tỏa.
Đặc biệt, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, 11 tỉnh, thành phố đang có dịch COVID-19 nhưng không có nghĩa tất cả người dân đều thuộc diện cách ly, không được phép di chuyển, đặc biệt không có chuyện “ngăn sông cấm chợ.”
Bộ Y tế giao Cục Y tế dự phòng khẩn trương tham mưu, ban hành văn bản hướng dẫn liên quan đến vấn đề cách ly phù hợp.
Tại khu vực dành cho hành khách luôn được bến xe khách Lai Châu tuyên truyền tới người dân về việc phòng chống COVID-19. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN) |
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, những người được phép di chuyển trong kỳ nghỉ Tết tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt thực hiện nghiêm thông điệp 5K (Khẩu trang- Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế).
Tại cuộc họp, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương trong việc khai báo y tế; vận động người dân tự giác thông báo kịp thời cho chính quyền và y tế địa phương về những người từng đi qua các vùng có dịch bệnh.
Tại cuộc họp, Chuyên gia Trần Đắc Phu, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế cộng đồng Việt Nam cho biết, trước diễn biến phức tạp của biến chủng mới virus SARS-CoV-2, công tác phòng, chống dịch trong nước đã “thận trọng” nâng thời gian cách ly lên 21 ngày thay vì 14 ngày.
Đến nay, ổ dịch ở thành phố Chí Linh, Hải Dương cơ bản đã được kiểm soát, các chuyên gia đã phân tích gene, làm rõ hơn đặc tính virus của chủng mới như lây lan nhanh hơn, hệ số lây nhiễm cao gấp 2 lần với khả năng lây nhiễm 170%. Do đó, số ngày phát bệnh nhanh hơn từ 1-2 ngày, thay vì 5 hoặc 14 ngày như trước đây.
Trước nhận định trên, các chuyên gia, thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo đề xuất, Bộ Y tế xem xét, nghiên cứu cơ sở khoa học để có văn bản điều chỉnh thời gian cách ly, rút ngắn xuống còn 14 ngày.
Cùng với đó, Bộ Y tế theo dõi sát công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, thực hiện phong tỏa trên tinh thần “hẹp nhất, gọn nhất có thể.”
Bên cạnh đó, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo nhận định tình trạng đáng lo ngại, nguy cơ từ chuyến xe khách, chuyến xe đường dài di chuyển từ vùng dịch về các địa phương. Điển hình, Điện Biên đã phát hiện các ca dương tính với virus SARS-CoV-2.
Các thành viên Ban Chỉ đạo yêu cầu các địa phương tăng cường chỉ đạo, xử phạt nghiêm tất cả các phương tiện xe khách vi phạm, khuyến cáo, đề nghị tất cả người dân trên các chuyến xe khách đeo khẩu trang suốt hành trình di chuyển, để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Các thành viên Ban Chỉ đạo nhận định tình hình dịch bệnh trong nước cơ bản được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, các địa phương cần tập trung theo dõi việc điều tra dịch tễ của người dân, đặc biệt trên chuyến xe từ các vùng dịch trở về.
Chuyến xe từ Hải Dương lên Điện Biên, chính quyền địa phương lưu ý đến những người xuống xe ngang đường (nếu có); qua đó, khống chế rủi ro, hạn chế lây lan dịch bệnh.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện chỉ có 14 tỉnh cập nhật tương đối đầy đủ thông tin các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, phương tiện giao thông, bến bãi, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… thực hiện hướng dẫn chung sống an toàn trước đại dịch COVID-19. 38 tỉnh cập nhật nhưng còn thiếu thông tin, 24 tỉnh thiếu dữ liệu về nhà hàng, 11 tỉnh chưa cập nhật thông tin.
Do đó, các bộ đề nghị các địa phương yêu cầu các cơ sở tiếp tục cập nhật thông tin an toàn trước dịch bệnh để đảm bảo công tác truy vết, khoanh vùng khi phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất kinh doanh./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin