Triển khai các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, chăm lo, hỗ trợ cho người có công với cách mạng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đối tượng bảo trợ xã hội... là góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng, căn bản, hướng đến đời sống và các mặt kinh tế- xã hội của địa phương bền vững và phát triển hơn.
Đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long (thứ 4 từ bên phải qua)- đến thăm mẹ Việt Nam anh hùng tại xã Tích Thiện (Trà Ôn) nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7). |
Triển khai các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, chăm lo, hỗ trợ cho người có công với cách mạng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đối tượng bảo trợ xã hội... là góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng, căn bản, hướng đến đời sống và các mặt kinh tế- xã hội của địa phương bền vững và phát triển hơn.
Chăm lo, hỗ trợ tốt các đối tượng chính sách
Trong năm 2020, tỉnh Vĩnh Long thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,16% (đạt 100% kế hoạch). Vận động quỹ Đền ơn đáp nghĩa đạt hơn 17,5 tỷ đồng (đạt hơn 265% kế hoạch). Thông qua quỹ Đền ơn đáp nghĩa, ngành chức năng và chính quyền các cấp đã phối hợp hỗ trợ xây dựng và sửa chữa trên 470 căn nhà với tổng kinh phí hơn 18 tỷ đồng; hỗ trợ khó khăn 230 người với 233 triệu đồng.
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp đơn vị tài trợ và chính quyền cơ sở trao nhà tình nghĩa cho hộ gia đình chính sách ở xã Mỹ Thạnh Trung (Tam Bình). |
Giai đoạn 2019- 2020, bằng nguồn vận động xã hội hóa từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân, quỹ Đền ơn đáp nghĩa, ngân sách cấp huyện, toàn tỉnh hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 1.057 căn nhà với tổng kinh phí hơn 40 tỷ đồng; gồm xây dựng mới 578 căn (gần 29 tỷ đồng), sửa chữa 479 căn (hơn 11 tỷ đồng).
Điển hình như 2 đơn vị là Công ty TNHH 1TV Xổ số kiến thiết Vĩnh Long, Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long đã hỗ trợ xây 400 căn nhà. Điểm nổi bật của chính sách là đã giúp người có công của tỉnh ổn định cuộc sống; vượt qua khó khăn, tin tưởng phấn khởi...
Đến dự hội nghị tổng kết công tác hỗ trợ nhà ở đối với người có công giai đoạn 2019- 2020, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- phát biểu: Chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng giai đoạn tới cần phát huy giải pháp kịp thời, đúng đối tượng. Qua đó sẽ tạo động lực tinh thần cho các gia đình, tạo ý thức vươn lên ổn định cuộc sống, phát triển bền vững.
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sáng là 1 trong 9 bà mẹ ở Vĩnh Long dự họp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc tại Hà Nội, nhân dịp 27/7/2020. |
Dịp tháng 7, chúng tôi được ngồi nghe Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Ngượt (86 tuổi, ở Mang Thít) và Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sáng (91 tuổi, ở Vũng Liêm) kể chuyện kháng chiến. Có chồng con hy sinh, các mẹ cũng đồng thời tham gia vào các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, đóng góp nhiều công lao cho cách mạng. Các mẹ cũng cho biết rất tự hào và vui khi năm 2020 được tỉnh nhà tổ chức đoàn, đưa đi họp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7). Cùng với cả nước, công tác chăm lo, hỗ trợ cho đối tượng chính sách, người có công ở địa phương được quan tâm chu đáo, tạo được niềm tin và sự lan tỏa, đóng góp vào phát triển đời sống vật chất lẫn tinh thần.
Giảm nghèo là chính sách mang đậm tình người nhất
Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết kết quả thực hiện lĩnh vực giảm nghèo trên địa bàn tỉnh: đạt mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết 5 năm (2016-2020) của Quốc hội, hạn chế tình trạng tái nghèo. Tỉnh Vĩnh Long ước đã giảm được 16.859 hộ nghèo (giảm từ 6,26% xuống còn 1,16%).
Các chỉ số cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở nước sạch và vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin... được các cấp ngành triển khai thực hiện hiệu quả. Từ đó tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ cơ bản ngày càng tốt hơn.
Được sự quan tâm của Tỉnh ủy- HĐND- UBND và các sở, ban ngành tỉnh, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 80 của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2020, Vĩnh Long đã đạt nhiều kết quả quan trọng, gồm: giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được cải thiện rõ nét.
Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long trao bằng khen cho các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công. |
Trong nhóm các mục tiêu tổng quát của năm 2021, với lĩnh vực giảm nghèo, người có công đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng. Đó là sẽ tiếp tục vận động nguồn lực để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. Đổi mới cách làm hiệu quả và hỗ trợ có điều kiện trong công tác giảm nghèo. Huy động các nguồn lực xã hội chăm lo các đối tượng khó khăn, người già cô đơn không nơi nương tựa, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đối tượng bảo trợ xã hội...
Dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo 2016- 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Giảm nghèo là một nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội bậc nhất và mang đậm tình người nhất. Nhấn mạnh tầm nhìn đến năm 2045 “vì một Việt Nam không còn đói nghèo”, Thủ tướng nêu rõ giảm nghèo trong giai đoạn tới “cần phải là công việc của trí tuệ và trái tim”, cùng hướng tới mục tiêu quan trọng “tuyệt đại bộ phận người dân phải có thu nhập, bảo đảm cuộc sống tốt, không còn đói nghèo”.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin