Ưu tiên phát triển KT-XH, bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số

10:01, 13/01/2021

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, trước hết, cần tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số...

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, trước hết, cần tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số...

 Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngày 13/1, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc Chính phủ và tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội thảo “Triển khai thực hiện Chương trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung."

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự và chỉ đạo Hội thảo.

Đây là hội thảo thứ 3 triển khai chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhưng là hội thảo có quy mô lớn nhất với sự tham dự của 260 đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và 15 địa phương.

Phát biểu định hướng tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Để thể chế Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách, pháp luật đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 8, khóa XIV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88 về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Tại kỳ họp thứ 9, ngày 19/5/2020, Quốc hội đã quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Việc thông qua Nghị quyết, phê duyệt Đề án còn tạo bước ngoặt lớn, rất tích cực cho công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong giai đoạn 2021-2030. Điều đó càng khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là niềm tự hào, là động lực to lớn đối với toàn thể đồng bào dân tộc thiểu số trong công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, hòa cùng với phát triển chung của cả nước.

Để đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên và Tây duyên hải miền Trung phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng yêu cầu các đại biểu tham dự hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, thống nhất giải pháp với quyết tâm chính trị cao nhất để triển khai thực hiện có hiệu quả hơn một số nhiệm vụ trọng yếu.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, trước hết, cần tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết tốt vấn đề về đất đai, việc làm nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập; phấn đấu đến năm 2025 giải quyết căn bản vấn đề đất đai; làm tốt công tác định canh, định cư và ổn định đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng biên giới và đồng bào lên xây dựng kinh tế mới, chú ý số đồng bào di cư không theo quy hoạch đang gặp khó khăn.

Đồng thời phát huy tinh thần tự lực của người dân; đẩy mạnh việc tổ chức liên kết sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động trong vùng dân tộc thiểu số; tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm tất cả các xã, buôn làng có đường giao thông đi lại, có điện, hệ thống cấp nước, trường học, trạm xá, bưu điện và các cơ sở dịch vụ sản xuất thiết yếu.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tập trung phát triển văn hóa, giáo dục, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và địa bàn biên giới; có chính sách đặc thù để nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số; khống chế có hiệu quả các dịch bệnh; bảo vệ sức khỏe đồng bào, bảo đảm đồng bào dân tộc thiểu số được khám, chữa bệnh miễn phí, chú ý sức khỏe sinh sản của một số cộng đồng dân tộc còn ít người, phòng chống suy dinh dưỡng để nâng cao thể lực, tầm vóc của các cháu, nâng dần chất lượng dân số trong thời kỳ mới. Đồng thời phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội; tập trung xây dựng, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, gần dân, sát dân, hoạt động ngày càng có chất lượng, hiệu quả, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh từ cơ sở.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu các tỉnh cần chủ động phối hợp với các cơ quan ở Trung ương, các bộ, ban, ngành trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, thiết thực chăm lo cho đời sống của đồng bào các tỉnh Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và Tây duyên hải miền Trung. Các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc tại các tỉnh trong khu vực này.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đặc biệt lưu ý các đại biểu dự hội thảo cần bàn kỹ về bảo tồn, phát huy bản sắc Tây Nguyên gắn với phát triển bền vững.

Tập trung bố trí nguồn lực cho những giải pháp cấp bách

Tại hội thảo, ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, nội dung mới, đột phá quan trọng nhất là Bộ Chính trị chỉ đạo, Chính phủ xây dựng, Quốc hội xem xét phê duyệt Đề án tổng thể và Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Tổng nguồn vốn giai đoạn 2021- 2021 là hơn 137 nghìn tỷ đồng (trong đó: ngân sách Trung ương gần 105 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 10 tỷ đồng, vốn tín dụng chính sách gần 20 nghìn tỷ đồng và vốn huy động từ các nguồn khác).

Việc đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, trong đó ngân sách nhà nước là quan trọng có ý nghĩa quyết định đã cơ bản khắc phục được tình trạng chính sách không đi liền với ngân sách. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để Đề án có thể triển khai có hiệu quả, thành công trong thực tế, góp phần nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đối với khu vực Tây Nguyên, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiến tới 75,3% (cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 58,1%), đặt ra những thách thức giảm nghèo đối với hộ dân tộc thiểu số. Vùng duyên hải miền Trung là khu vực thường xuyên bị thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu nên đặt ra những thách thức giảm nghèo đối với những hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong bối cảnh mới, các cơ quan chức năng phải thực hiện đồng các giải pháp; trong đó: lấy người nghèo, người dân tộc thiểu, người sinh sống trên địa bàn lõi nghèo làm trọng tâm; phòng ngừa, giảm thiểu, hạn chế người dân rơi vào tình trạng nghèo đói; hỗ trợ phát triển các mô hình “Giảm nghèo theo địa chỉ,” “Hộ gia đình sản xuất giỏi," “Tổ tự quản giảm nghèo”; tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; tạo công ăn việc làm, góp phần giảm rủi ro thiên tai...

Kết luận Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh: Hội thảo ghi nhận thành tích đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung trong thực hiện chính sách dân tộc, gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, góp phần vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong thời gian qua. Đồng thời, Hội thảo cũng chia sẻ với những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế-xã hội ở những vùng này. Khu vực còn tới 26 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ (riêng tỉnh Quảng Nam có tới 6 huyện nghèo), 451 xã và 2.370 thôn khu vực III (đặc biệt khó khăn). Vùng bãi ngang ven biển có tới 115 xã đặc biệt khó khăn, thuộc 33 huyện của 10 tỉnh vùng duyên hải.

Những khó khăn đó đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 15 tỉnh, đặc biệt là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của các địa phương trong việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia, giai đoạn 2021-2030.

Để tiếp tục phát huy các thành quả đã đạt, Hội thảo thống nhất các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ theo tinh thần Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị; nội dung Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội, được Chính phủ triển khai tại Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/2/2020; Quyết định số 1409/QĐ-TTg ngày 15/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ...

Ông Hà Ngọc Chiến nhấn mạnh, đặc biệt cần tập trung bố trí nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách như: giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở địa bàn đặc biệt khó khăn, nhất là vùng nguy cơ cao về thiên tai; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, bảo đảm sinh kế bền vững; đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu; chú trọng phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; chăm sóc sức khỏe người dân, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em...

Đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần quan tâm nghiên cứu, hoàn thiện quy định của pháp luật; tăng cường nghiên cứu toàn diện, tổng thể, nhận diện đầy đủ về thực trạng di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi./.

Theo Anh Dũng-Tuấn Anh (TTXVN/Vietnam+)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh