Phát triển văn hóa đọc trong nhà trường

04:01, 20/01/2021

Hiện nay, nhiều trường học trong tỉnh đã có thư viện đạt chuẩn với nhiều đầu sách. Tuy nhiên, việc phát triển văn hóa đọc ở các trường còn chưa được như kỳ vọng và xứng tầm với sự đầu tư. 

Hiện nay, nhiều trường học trong tỉnh đã có thư viện đạt chuẩn với nhiều đầu sách. Tuy nhiên, việc phát triển văn hóa đọc ở các trường còn chưa được như kỳ vọng và xứng tầm với sự đầu tư.

Nhận lời mời của Sở GD- ĐT tỉnh Vĩnh Long, TS. Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP sách Thái Hà- đã tham gia buổi tọa đàm giao lưu, truyền cảm hứng đọc sách với lãnh đạo các trường phổ thông trong tỉnh.

Hệ thống thư viện trường học phát triển, hy vọng văn hóa đọc phát triển như mong đợi.
Hệ thống thư viện trường học phát triển, hy vọng văn hóa đọc phát triển như mong đợi.

Nhiều học sinh còn thờ ơ với sách

Sách luôn là “kho tàng tri thức” vô giá của nhân loại. Do đó, rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh và phát triển văn hóa đọc trong học đường là nhiệm vụ quan trọng của các trường học, giúp các em nâng cao sự hiểu biết, phát triển kỹ năng sống.

Tuy nhiên, thực tế nhiều học sinh vẫn còn thờ ơ với sách, chưa hiểu đúng giá trị của sách mang lại. Bà Trương Thanh Nhuận- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long- nói: “Nhiều trường phổ thông có thư viện đạt chuẩn nhưng chưa tận dụng được hết để phát triển văn hóa đọc trong các trường”.

Theo Cục Xuất bản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), bình quân mỗi người Việt Nam đọc được 2,8 cuốn sách và 7,07 tờ báo một năm, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trong một báo cáo khác của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, tỷ lệ người thỉnh thoảng mới cầm một cuốn sách lên để đọc chiếm tới 44%, đọc thường xuyên chỉ 30%. Bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8- 10% dân số.

Nhằm phát huy hiệu quả hệ thống thư viện trường học, thúc đẩy phong trào đọc, hình thành thói quen đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, Bộ GD-ĐT, đề nghị các sở GD- ĐT chỉ đạo thực hiện các nội dung: đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và toàn xã hội về tác dụng, ý nghĩa của việc đọc; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ thư viện đáp ứng yêu cầu đổi mới; mở các lớp giáo dục kỹ năng, phương pháp đọc, phương pháp thu thập và xử lý thông tin cho học sinh; giáo viên các trường mầm non dành thời gian đọc sách, kể chuyện cho trẻ;…

Người thầy phải tiên phong

Làm sao “bỏ ra 1 buổi sáng tất cả chúng ta đều có lãi”, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã giới thiệu về tầm quan trọng của sách: “Sách là để đổi đời, trở thành người lãnh đạo dẫn đường. Thế giới có hạnh phúc hay không là nhờ các thầy cô giáo, thầy cô không chỉ ở trường mà chính cha mẹ cũng là thầy cô giáo của con mình”.

Nói về việc phát triển văn hóa đọc, ông cho rằng “Chúng ta phải thay đổi trước khi muốn thay đổi một ai đó. Đặc biệt thầy cô giáo là những người rất quan trọng phải tiếp cận cái mới mỗi ngày để truyền thụ cho học trò mình”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ kinh nghiệm trong buổi giao lưu.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ kinh nghiệm trong buổi giao lưu.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng khuyên mọi người nên suy nghĩ xem tại sao “Chúng ta có người không tiếc tiền mua chai rượu 200.000đ nhưng không dám mua quyển sách 200.000đ?”

Một giáo viên đề nghị được chia sẻ kinh nghiệm đọc nhanh vì hiện nay giáo viên không có nhiều thời gian để đọc sách. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng hướng dẫn kỹ năng đọc sách siêu tốc và mong muốn có 1 lớp học cách đọc này tại Vĩnh Long.

Những từ khóa cần thiết để đọc nhanh mà vẫn hiểu được nội dung vấn đề là tập trung, chọn đúng từ khóa, vì từ khóa là từ quan trọng, thể hiện đầy đủ nhất ý của cả câu. Khi đọc sách cũng nên dùng thước viết để “note” những ý chính tùy theo thói quen, sở thích của từng người.

Ông Hùng chia sẻ: “Nếu muốn đọc sách phải biết cách đọc và muốn đọc sách hiệu quả thì phải đọc bằng não chứ không phải bằng mắt. Để đọc sách hiệu quả, mỗi người đều nên thực hiện đầy đủ 3 giai đoạn: chọn sách và chuẩn bị đọc, đọc sách và sau khi đọc.

Thầy Phó Hiệu trưởng Trần Hữu Phúc- Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Tam Bình)- cũng băn khoăn: “Hiện nay mỗi học sinh đều có điện thoại thông minh và các em không mặn mà với văn hóa đọc. Cách nào để học sinh thích đọc sách hơn? Sách điện tử hay sách truyền thống sẽ tốt hơn?”

Tết sách của học sinh Trường THPT Nguyễn Thông.
Tết sách của học sinh Trường THPT Nguyễn Thông.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng không có sự phân biệt giữa sách điện tử hay sách truyền thống. Vấn đề là ở nội dung tiếp thu được qua việc nghe hay đọc sách không. Quan trọng là chúng ta dùng phương tiện nào để tiếp cận nó. Việc phát triển văn hóa đọc trong trường phổ thông phải đi từ từ, ví dụ như “10 phút đọc sách mỗi ngày”.

Chỉ cần dành 10 phút sau giờ học để cho tất cả học sinh đọc sách chẳng hạn, mỗi ngày 10 phút sẽ tạo được thói quen và sau 1 tháng các em có thể đọc hết 1 quyển sách. Ngoài ra, có thể tổ chức các CLB, các hình thức sinh hoạt hấp dẫn thu hút học sinh.

Cố giáo viên Huỳnh Văn Thế là người đã làm “Tết sách” để tặng sách và khơi tình yêu sở thích đọc sách cho học trò. Và đến nay, sự nghiệp ấy được cô Trần Huỳnh Nhi- giáo viên Trường THPT Nguyễn Thông- đang tiếp bước.

Ngày 19/1/2021, Sở GD- ĐT Vĩnh Long tổ chức chương trình giao lưu chia sẻ về phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Tại đây, các đại biểu đã được chia sẻ kinh nghiệm và những băn khoăn về việc phát triển văn hóa đọc.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh