"Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ 2 con"

04:01, 22/01/2021

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương khóa XII "về công tác dân số trong tình hình mới" khuyến khích các gia đình sinh đủ 2 con, thay vì chỉ sinh 1 con như trước đây. 

 

 

Việc sinh đủ 2 con sẽ tránh được thực trạng dân số già đi, kéo theo nhiều hệ lụy. Ảnh minh họa: BÁCH THẢO
Việc sinh đủ 2 con sẽ tránh được thực trạng dân số già đi, kéo theo nhiều hệ lụy. Ảnh minh họa: BÁCH THẢO

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương khóa XII “về công tác dân số trong tình hình mới” khuyến khích các gia đình sinh đủ 2 con, thay vì chỉ sinh 1 con như trước đây. 

Theo Công ước Quốc tế CEDAW mà Việt Nam đã ký kết, trong đó có điều khoản các cặp vợ chồng được quyền quyết định số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Các chuyên gia dân số cho rằng, việc nới lỏng chính sách sinh con, chuyển trọng tâm từ chính sách dân số, thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang chính sách “dân số và phát triển” là phù hợp với pháp luật quốc tế.

Nghị quyết vừa ban hành khuyến khích các gia đình sinh đủ 2 con. Nhà nước sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các hệ lụy khi sinh chỉ 1 con và việc cần thiết sinh đủ 2 con. Các chuyên gia đề xuất, cần có chính sách phát triển hệ thống dịch vụ gia đình (nhà trẻ, người giúp việc…) và hỗ trợ cặp vợ chồng sinh con (tài chính, ngày nghỉ, giờ làm linh hoạt…).

Nghị quyết số 04-NQ/HNTW của Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương (khóa VII) về chính sách dân số KHHGĐ ngày 14/1/1993 cách đây 27 năm không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay. Nhiều vấn đề dân số còn tồn đọng như: mất cân bằng giới tính khi sinh; tầm vóc và thể lực chậm cải thiện; tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao; quản lý di cư và nhập cư bất cập…

Trọng tâm dân số KHHGĐ (mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1- 2 con) của Nghị quyết số 04 nay sẽ chuyển sang dân số phát triển trong Nghị quyết số 21. Ưu tiên hàng đầu là giải quyết toàn diện các thách thức: già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, khai thác lợi thế của cơ cấu dân số vàng, phân bổ lại dân cư, nâng cao tầm vóc và tuổi thọ con người…

Suốt mấy thập kỷ qua, với mỗi người dân Việt Nam, ai cũng thuộc lòng khẩu hiệu “Mỗi cặp vợ chồng chỉ có từ 1- 2 con”. Khẩu hiệu ấy được nhắc đi nhắc lại trên các phương tiện truyền thông đại chúng, được treo ở những nơi dễ thấy nhất. Tỷ lệ sinh trung bình trên cả nước là gần 2,1 con/phụ nữ tuổi sinh sản.

Riêng TP Hồ Chí Minh đang là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước. Các địa phương có tỷ lệ sinh cao tập trung ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, trung bình 2,5 con/phụ nữ trong tuổi sinh sản. Ở các tỉnh Đông Nam Bộ, tỷ lệ sinh khoảng 1,56 con và ở ĐBSCL vào khoảng 1,84 con/phụ nữ ở tuổi sinh sản.

Vì sao nhiều người dân lại chọn giải pháp sinh ít con? Trước hết, phải khẳng định đó là sự thành công của công tác dân số.

Những năm qua, chúng ta đã kiên trì truyền thông vận động, giáo dục thuyết phục người dân sinh từ 1- 2 con, nên phần lớn các cặp vợ chồng trẻ thấy được lợi ích của việc sinh ít con và thực hiện tốt. Một nguyên nhân khác cũng hết sức quan trọng, đó là sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Qua các nghiên cứu khảo sát cho thấy, địa phương nào kinh tế- xã hội phát triển cao thì số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sẽ thấp hơn.

Gia đình nào có điều kiện kinh tế tốt, phụ nữ có trình độ học vấn cao thì số con cũng ít hơn, đó là quy luật chung của thế giới. Để bắt kịp với xu thế mới, từ năm 2014, Tổng cục Dân số- KHHGĐ đã đưa ra thông điệp mới: “Mỗi gia đình hãy nên sinh đủ 2 con”. Đây là sự thay đổi rất cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội ngày nay.

Việc đưa ra khẩu hiệu “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ 2 con” theo các chuyên gia là sự thay đổi cần thiết. Đây là khuyến nghị trên cơ sở khoa học về kiểm soát quy mô dân số, cơ cấu dân số và quy luật phát triển nhân khẩu học của quốc gia.

Việc sinh đủ 2 con sẽ kéo dài thời kỳ “dân số vàng”, tránh được thực trạng dân số già đi kéo theo nhiều phúc lợi xã hội hơn, số trẻ em sẽ suy giảm. Cùng với đó sẽ giảm sự chênh lệch nam nhiều hơn nữ đang xảy ra ở một số vùng miền, góp phần bảo đảm được giống nòi. “Sinh đủ 2 con” nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện các hệ thống kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, chất lượng chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, bản chất của thông điệp là vận động để mỗi gia đình có 2 con, chứ không phải là khuyến khích sinh con. Còn mỗi người dân, mỗi người có một cách hiểu khác nhau về thông điệp mới nhưng bản chất của thông điệp thì chỉ có một.

Nhiều người quan niệm để tập trung điều kiện kinh tế lo cho con nên chỉ sinh 1 con, điều này sẽ dẫn tới tình trạng già hóa dân số trong tương lai không xa. “Nên sinh đủ 2 con” là không sinh 1 và cũng không sinh nhiều hơn 2 thì số lượng không tăng lên. Sinh 2 con là bảo đảm cơ cấu dân số tốt nhất trong tương lai. Ngoài ra, sinh 2 con đảm bảo sự hài hòa cân đối giữa các lứa tuổi.

Đó là cách hiểu đúng, đủ về khẩu hiệu mới. Thông điệp này nêu cao tinh thần tự giác của người dân. Thông điệp đưa ra để mọi người nhận thấy việc sinh đẻ như một quyền lợi và nghĩa vụ của gia đình, dòng họ và dân tộc, đảm bảo sự trường tồn của gia đình và xã hội thì phải sinh con đẻ cái. Bên cạnh đó, thông điệp mới khuyên các gia đình không sinh con thứ 3 nhưng những gia đình sinh 1 con hãy sinh thêm 1 con nữa.

Nếu hôm nay “mỗi gia đình chỉ sinh 1 con” (công thức “4- 2- 1” thì trong tương lai phải đối mặt với vấn đề mới (công thức 1- 2- 4), tức 1 đứa trẻ phải chăm sóc 2 bố mẹ và 4 ông bà nội ngoại. Điều này thực sự là một “thảm họa”.

Vì những đứa trẻ ngày hôm nay được “chăm sóc” rất kỹ lưỡng bởi 6 người lớn, mà thường được gọi là những “ông trời con”, thích gì được nấy đó sẽ thiếu khả năng, kỹ năng chăm sóc lại 6 người cao tuổi trong tương lai.

Việc sinh con không còn là chuyện riêng của mỗi gia đình mà là sự tồn vong của một quốc gia. Việc sinh đẻ phù hợp, đảm bảo mức sinh hợp lý sẽ kéo dài được thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm lại quá trình già hóa dân số khống chế được sự gia tăng tỷ số giới tính khi sinh trong thời gian tới.

THÁI SƠN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh