Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục ứng phó với biến đổi khí hậu

09:01, 22/01/2021

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị.

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị.

Bờ biển khu vực Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây (An Minh, Kiên Giang) sạt lở đặc biệt nguy hiểm.  Ảnh tư liệu: Huy Hải/TTXVN
Bờ biển khu vực Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây (An Minh, Kiên Giang) sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Ảnh tư liệu: Huy Hải/TTXVN

Chương trình xác định toàn diện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Chính phủ nhằm quán triệt và chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị, hướng tới phát triển bền vững đất nước.

Chương trình hành động của Chính phủ được thực hiện đến năm 2025, làm căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Kết luận số 56-KL/TW và Nghị quyết số 24-NQ/TW; tiếp tục thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được phê duyệt và xây dựng, triển khai thực hiện một số kế hoạch, chương trình, đề án, dự án mở mới giai đoạn đến năm 2025.

Nhiệm vụ, giải pháp chung của Chương trình là nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực và hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, tăng cường giám sát thực thi pháp luật trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đổi mới cơ chế tài chính, tăng chi ngân sách và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;...

Một số nhiệm vụ trọng tâm cấp bách mà Chương trình đưa ra gồm: Phổ biến, quán triệt quan điểm, nhận thức về đặt yêu cầu phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; coi môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, tập trung sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật về khí tượng thủy văn, tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đa dạng sinh học...; rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, nghiên cứu luận cứ khoa học cho việc xây dựng luật về biến đổi khí hậu.

Rà soát, điều chỉnh các quy định xử lý vi phạm theo hướng nâng mức xử phạt, bảo đảm đủ sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước; quản lý, sử dụng đất; hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát, sỏi; khai thác rừng trái phép trên phạm vi cả nước.

Theo TTXVN/Báo Tin tức

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh