Với vai trò là cầu nối, điều phối những việc làm nhân đạo, từ thiện, các cấp Hội Chữ thập đỏ đã thực hiện các phong trào một cách sôi nổi, ý nghĩa, với nhiều hình thức hoạt động phù hợp, được sự ủng hộ của cả cộng đồng cùng sớt chia với những mảnh đời khó khăn trong xã hội.
(VLO) Với vai trò là cầu nối, điều phối những việc làm nhân đạo, từ thiện, các cấp Hội Chữ thập đỏ đã thực hiện các phong trào một cách sôi nổi, ý nghĩa, với nhiều hình thức hoạt động phù hợp, được sự ủng hộ của cả cộng đồng cùng sớt chia với những mảnh đời khó khăn trong xã hội.
Những con đường, những cây cầu mới cho người dân điều kiện đi lại tốt hơn. |
Kết nối những tấm lòng
Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2020 là năm mà đất nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức, từ tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, xâm nhập mặn cho đến ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19.
Trước tình hình đó, bên cạnh yêu cầu ổn định sản xuất, kinh doanh, khôi phục lại kinh tế và ổn định mọi mặt của đời sống xã hội thì việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do thiên tai, đại dịch cũng là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi rất nhiều nguồn lực, cả về nhân lực và vật chất.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long nói riêng và các tỉnh trong khu vực Tây Bắc sông Hậu nói chung đã nhanh chóng vào cuộc, thực hiện kịp thời việc vận động và hỗ trợ cho người dân.
Ông Võ Văn Láng- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tiền Giang, Trưởng Cụm thi đua các tỉnh Tây Bắc sông Hậu- cho biết: Cụm này gồm 6 tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang và Long An, với 62 đơn vị cấp huyện và 986 cơ sở hội.
Trong năm, tổng giá trị phúc lợi trong toàn cụm đạt trên 477 tỷ đồng, trợ giúp trên 3,1 triệu lượt người. Các hoạt động của hội như phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, cuộc vận động “Mỗi tổ chức cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Ngân hàng bò”, mô hình “Chợ nhân đạo”... mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng kịp thời những nhu cầu bức xúc của đối tượng khó khăn, tạo lòng tin và sự tín nhiệm của nhà tài trợ...
Riêng tỉnh Vĩnh Long đã vận động trợ giúp trên 273.000 lượt người, với tổng giá trị hơn 45,2 tỷ đồng, hỗ trợ đồng bào miền Trung 1,3 tỷ đồng.
TP Vĩnh Long là một trong những đơn vị thực hiện có hiệu quả trong việc vận động, phát huy nguồn lực; mở rộng mối quan hệ rộng rãi với các nhà tài trợ.
Hội đã xây dựng mối quan hệ với hơn 60 tổ chức, cá nhân trong và ngoài thành phố và cả ở nước ngoài bao gồm các tổ chức hội, đoàn thể, các tôn giáo, các doanh nghiệp… Đặc biệt là sự đóng góp của hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên ở các trường học.
Hoạt động nhân đạo ở các trường học cũng được đẩy mạnh, giáo dục lòng nhân ái cho thế hệ trẻ. |
Ông Nguyễn Thanh Tú- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Vĩnh Long- chia sẻ: “Để thực hiện có hiệu quả trong việc vận động, việc trước tiên là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, hội viên và quần chúng nhân dân về truyền thống và lòng nhân ái của con người Việt Nam.
Đồng thời, cán bộ làm công tác vận động phải nhạy bén, sáng tạo, nắm bắt cơ hội, không chỉ đơn thuần là đề ra kế hoạch mà phải thuyết phục nhà tài trợ hiểu, thấy được những việc làm thực tế để đồng hành tham gia cùng hội.
Trong 5 năm (2015- 2020), phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, hội đã vận động trên 56.000 phần quà, trị giá gần 15 tỷ đồng.
Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới”; “Xây dựng văn minh đô thị”, hội đã vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng mới 31 cây cầu bê tông, sửa chữa, xây mới hơn 130 căn nhà tình thương... Tổng phúc lợi trong 5 năm đạt trên 138,8 tỷ đồng”.
Luôn thay đổi để phù hợp thực tế
Bên cạnh những hoạt động, phong trào mang tính truyền thống như: “Tết Vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Ngân hàng bò”; nhiều hoạt động đã được Hội Chữ thập đỏ các tỉnh điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, yêu cầu hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân.
Các chương trình khám chữa bệnh nhân đạo, các hoạt động hướng về miền Trung, trợ giúp ngư dân nghèo vươn khơi bám biển, cứu trợ đồng bào bị thiên tai bão lũ; đẩy mạnh phong trào hiến máu tình nguyện trong cán bộ, hội viên, đoàn viên trong điều kiện phải giãn cách xã hội khi nguồn máu dự trữ khan hiếm; hỗ trợ khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn phòng chống dịch COVID-19; hỗ trợ máy lọc nước, bồn chứa nước, hỗ trợ nước ngọt cho người dân khu vực bị nhiễm mặn.
Bà Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng BCĐ Hiến máu tình nguyện tỉnh Vĩnh Long cho biết, so với năm 2019, số lượng máu tiếp nhận được 11.357 đơn vị, giảm 242 đơn vị.
Để đảm bảo nguồn máu dự trữ trên cả nước, Hội Chữ thập đỏ các tỉnh rất nỗ lực để bảo đảm an toàn, tạo sự an tâm cho người hiến máu. Mô hình “Chợ nhân đạo” được triển khai trên 63 tỉnh- thành của cả nước, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của những hoàn cảnh khó khăn.
Nhiều cá nhân được khen thưởng vì hiến máu và vận động hiến máu trong bối cảnh dịch bệnh. |
Với sự nhiệt tình, năng động của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ đã tạo được niềm tin với các nhà hảo tâm, vì thế nhiều tập thể, cá nhân đã kết nối và tiếp tục chia sẻ những dự án thiện nguyện, những phần quà ấm áp tình thương đến những mảnh đời nghèo khó.
Các hoạt động hỗ trợ mang tính bền vững, như dự án chăn nuôi bò, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, vận động tặng quà, hỗ trợ kinh phí sửa chữa và làm mới nhà ở… đã nhân lên niềm vui, niềm tin vào cuộc sống cho các gia đình còn gặp nhiều khó khăn.
Bà Trần Thu Hằng- Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Truyền thông và phát triển nguồn lực Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam- đề nghị, để phong trào chữ thập đỏ ngày càng có hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ các tỉnh cần nâng cao chất lượng hội viên, tình nguyện viên; tăng cường hoạt động truyền thông, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, các mô hình hay... Đặc biệt là cần tích cực triển khai mô hình nhân đạo đến trường học để giáo dục lòng nhân ái cho thế hệ trẻ…
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin