Tiến tới chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030

02:12, 04/12/2020

Dịch HIV/AIDS từng bước được kiểm soát ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng dân cư dưới 0,26%. Dù có nhiều khó khăn trước mắt, song, Việt Nam có thể chấm dứt cơ bản đại dịch AIDS vào năm 2030. 

Dịch HIV/AIDS từng bước được kiểm soát ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng dân cư dưới 0,26%. Dù có nhiều khó khăn trước mắt, song, Việt Nam có thể chấm dứt cơ bản đại dịch AIDS vào năm 2030. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định như vậy tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 30 năm phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam và lễ mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS do Bộ Y tế vừa tổ chức.

Làm tốt công tác truyền thông để mọi người dân hiểu được và không kỳ thị người mắc, nhiễm HIV. Trong ảnh: Hơn 10 năm qua, Báo Vĩnh Long tổ chức chương trình tặng quà tết cho trẻ nhiễm HIV. Ảnh: Tư liệu
Làm tốt công tác truyền thông để mọi người dân hiểu được và không kỳ thị người mắc, nhiễm HIV. Trong ảnh: Hơn 10 năm qua, Báo Vĩnh Long tổ chức chương trình tặng quà tết cho trẻ nhiễm HIV. Ảnh: Tư liệu

Việt Nam có chất lượng điều trị HIV/AIDS hàng đầu thế giới

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, hiện Việt Nam có khoảng 230.000 người nhiễm HIV còn sống. Trong đó hơn 150.000 bệnh nhân được điều trị thuốc ARV.

Kể từ khi phát hiện người nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1990, đến nay Việt Nam đã có 30 năm ứng phó với dịch HIV/AIDS. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Dịch HIV/AIDS ở Việt Nam đã và đang từng bước được kiểm soát, tỷ lệ nhiễm trong cộng đồng dân cư dưới 0,26%.

Theo ước tính của các chuyên gia, trong 15 năm qua, chương trình phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam đã giúp cho khoảng 500.000 người không bị lây nhiễm HIV và hơn 200.000 người không bị tử vong do HIV/AIDS.

Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia có chất lượng điều trị HIV/AIDS đứng hàng đầu thế giới, cùng với Anh, Đức và Thụy Sĩ.

Với kinh nghiệm 30 năm phòng, chống HIV/AIDS cùng với những kết quả đã đạt được, Việt Nam đang tự tin tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.

Tại tỉnh Vĩnh Long, công tác phòng chống HIV/AIDS thời gian qua cũng đạt được nhiều thành tựu đáng kể.

Hàng năm, có 130 người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện và đưa vào điều trị, dự phòng lây nhiễm. Mạng lưới phòng chống HIV/AIDS từ tuyến xã- phường hay huyện, tỉnh đều đi vào hoạt động ổn định và từng bước được hoàn thiện, hoạt động có hiệu quả.

Công tác truyền thông đến người dân về công tác phòng chống HIV/AIDS được thực hiện với nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng chống, thực hiện xét nghiệm để phát hiện và điều trị, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, việc xét nghiệm sớm giúp tầm soát HIV/AIDS, tránh lây truyền từ mẹ sang con đã được đẩy mạnh với sự phối hợp từ các trung tâm y tế của 8 huyện- thị- thành trên địa bàn tỉnh.

Những phụ nữ mang thai khi xét nghiệm có kết quả nhiễm HIV, 100% được điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con ngay khi phát hiện.

Qua đó tạo động lực để quyết tâm, phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ sinh ra nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020.

Tiến tới mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030

Dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta thời gian tới còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức.

Người nhiễm HIV khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tam Bình.
Người nhiễm HIV khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tam Bình.

Mỗi năm nước ta vẫn có gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới; khoảng 2.000 người tử vong; khoảng 40.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm của mình. Ngoài ra, tình trạng kỳ thị, phân biệt, đối xử vẫn còn khá phổ biến, đó sẽ là rào cản cho những người nghi ngờ nhiễm HIV tiếp cận công bằng các dịch vụ y tế…

Việt Nam chọn chủ đề cho Tháng Hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam năm 2020 là “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, việc lựa chọn chủ đề này mang nhiều ý nghĩa, nhắc nhở mỗi người không quên rằng Việt Nam đã trải qua 30 năm phòng chống HIV, là thời điểm để nhìn nhận lại công cuộc ứng phó với đại dịch AIDS và có những điều chỉnh phù hợp trong chặng đường sắp tới.

Bên cạnh đó, dịch HIV/AIDS từng bước được kiểm soát ở Việt Nam nhưng cũng còn nhiều khó khăn trước mắt đang chờ đợi.

“Chúng ta đã đạt được nhiều kết quả trong chặng đường 30 năm nhưng chúng ta không được phép chủ quan, lơ là.

Dịch HIV/AIDS không thể tự mất đi nếu không được đầu tư và can thiệp. Đầu tư cho phòng chống HIV/AIDS không chỉ mang lại hiệu quả lớn về sức khỏe mà còn góp phần ổn định an ninh trật tự và phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương và của cả nước” - Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, công tác liên thông trong khám chữa bệnh phải được đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV; người có hành vi nguy cơ cao tiếp cận sớm dịch vụ xét nghiệm HIV; người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) sớm và tham gia BHYT.

“Dịch HIV/AIDS từng bước được kiểm soát, và chúng ta tin tưởng rằng Việt Nam sẽ chấm dứt cơ bản đại dịch AIDS vào năm 2030”- Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong giai đoạn tới, công tác phòng chống AIDS sẽ tiếp tục được triển khai một cách mạnh mẽ hơn với các giải pháp chuyên môn kỹ thuật và xã hội trong Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 10 Quốc hội XIV, là điều kiện thuận lợi quan trọng cho thắng lợi cuối cùng.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh