Hỗ trợ người bán dâm hoàn lương

03:12, 15/12/2020

Tỉnh Vĩnh Long đang duy trì mô hình "Hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, CLB người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và giảm hại, phòng chống bạo lực giới".

Ban chủ nhiệm nhóm đồng đẳng tham gia lớp tập huấn thực hiện mô hình.
Ban chủ nhiệm nhóm đồng đẳng tham gia lớp tập huấn thực hiện mô hình.

Tỉnh Vĩnh Long đang duy trì mô hình “Hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, CLB người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và giảm hại, phòng chống bạo lực giới”. Sau hơn 1 năm hoạt động, mô hình góp phần kết nối các dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người mại dâm, tư vấn tâm lý, tổ chức học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vốn giúp người bán dâm tự tin hòa nhập cộng đồng.

Mô hình được Sở Lao động- Thương binh và Xã hội triển khai thí điểm từ năm 2019 trên địa bàn TP Vĩnh Long. Theo ông Đào Thanh Quang- Trưởng Phòng Phòng chống tệ nạn (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội), chương trình này hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý, kết nối các dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm thông qua các hoạt động quản lý đối tượng, tư vấn hỗ trợ tâm lý, tổ chức học nghề, tạo việc làm, vay vốn, lao động sản xuất, duy trì sinh hoạt trong các câu lạc bộ, mô hình phòng chống mại dâm.

Không chỉ người đang hành nghề mại dâm mà cả những người đã hoàn lương, kể cả người bán dâm từ nơi khác đến địa bàn hoạt động cũng thuộc đối tượng thụ hưởng chương trình này. Các hoạt động chính của mô hình gồm: thiết lập, duy trì và phát triển thành viên nhóm đồng đẳng; kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ và huy động sự ủng hộ của các cơ quan pháp luật cho hoạt động của nhóm; tổ chức các hoạt động truyền thông về giảm tác hại và phòng chống bạo lực, thực hiện các can thiệp, giảm hại và kết nối dịch vụ xã hội ở cộng đồng.

Thời gian qua, mô hình đã thiết lập, duy trì phát triển các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực để tiếp cận, tư vấn hỗ trợ. Riêng ban chủ nhiệm nhóm đồng đẳng đã tiếp cận và truyền thông tư vấn pháp luật cho khoảng 100 lượt người bán dâm và người có nguy cơ cao đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, phổ biến kiến thức về sức khỏe sinh sản, các bệnh truyền nhiễm lây qua đường tình dục và chuyển gửi dịch vụ y tế khám sức khỏe cho 35 trường hợp, từ đó có hướng ngăn ngừa, điều trị kịp thời các bệnh truyền nhiễm.

Một thành viên của ban chủ nhiệm cho hay, để củng cố hoạt động và đổi mới nội dung sinh hoạt, ban chủ nhiệm tham gia thường xuyên các lớp tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng lập bản đồ và kỹ năng truyền thông, tư vấn cho người bán dâm đã bị xử lý vi phạm hành chính, người bán dâm hoàn lương, người bán dâm đang hoạt động trên địa bàn tỉnh và người có nguy cơ cao đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Định kỳ mỗi tháng 2 lần, các thành viên trong nhóm sẽ họp đánh giá rút kinh nghiệm hoạt động, định hướng mở rộng thành viên tham gia mô hình.

Ngoài ra, trong các buổi sinh hoạt, ban chủ nhiệm mô hình sẽ phát tờ rơi tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn và điều trị kịp thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Cụ thể, từ khi mô hình đi vào hoạt động đến nay, ban chủ nhiệm đã phát 5.000 tờ rơi, 500 cuốn sổ tay các thông tin liên quan đến các đơn vị cung cấp dịch vụ can thiệp giảm hại, thông tin hỗ trợ can thiệp giảm tác hại về phòng chống bạo lực giới trong công tác phòng chống mại dâm; phiếu tiếp cận, phiếu chuyển gửi cấp phát cho nhóm đồng đẳng để tư vấn chuyển gửi dịch vụ can thiệp giảm hại cho thành viên nhóm để làm tài liệu tuyên truyền.

Theo ông Đào Thanh Quang, đây là mô hình thí điểm đầu tiên trên địa bàn tỉnh, bước đầu mang lại một số kết quả khả quan trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới. Tương lai, đây được xem như “cánh tay nối dài” cho các cơ quan chức năng trong việc tiếp cận hỗ trợ người bán dâm và là địa chỉ an toàn giúp chị em cùng sinh hoạt, tiếp thêm động lực, niềm tin cùng nhau vượt lên chính mình.

Bài, ảnh: TRUNG HƯNG

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh