Diện mạo mới của giáo dục Vĩnh Long

06:12, 02/12/2020

Sau 5 năm (2015- 2020) tập trung nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, đến nay, diện mạo giáo dục của tỉnh Vĩnh Long có nhiều thay đổi. Mạng lưới trường lớp của tỉnh được xây dựng theo hướng kiên cố hóa và chuẩn hóa, phù hợp thực tế, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. 

 

Ngôi trường khang trang đáp ứng khá tốt nhu cầu dạy và học.
Ngôi trường khang trang đáp ứng khá tốt nhu cầu dạy và học.

Sau 5 năm (2015- 2020) tập trung nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục, đến nay, diện mạo giáo dục của tỉnh Vĩnh Long có nhiều thay đổi. Mạng lưới trường lớp của tỉnh được xây dựng theo hướng kiên cố hóa và chuẩn hóa, phù hợp thực tế, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Nhờ đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, tạo nên diện mạo mới cho ngành giáo dục tỉnh nhà.

Thêm những ngôi trường khang trang

Trường Tiểu học Thạch Thia (xã Loan Mỹ- Tam Bình) khang trang được xây dựng và đưa vào hoạt động 3 năm học nay, mang đến niềm vui cho người dân xã Loan Mỹ.

Ngoài tạo môi trường học tập tốt cho học sinh, thuận lợi cho phụ huynh đưa con em đến trường, tập thể sư phạm nhà trường cũng phấn khởi tổ chức tốt các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tấn Lực- Trường Tiểu học Thạch Thia cho biết: “Có được ngôi trường khang trang này là niềm ước mơ của phụ huynh, học sinh, chính quyền địa phương. Nhờ có cơ sở vật chất hiện đại, chúng tôi đã phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Cơ sở vật chất hiện đại giúp giáo viên dạy tốt và học sinh học tốt hơn. Nhiều gia đình ở xã trước đây cho con học ở các trường khác nay chuyển trường về”.

Trường Tiểu học Thạch Thia hiện nay không chỉ đạt chuẩn quốc gia mà còn đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 2.

Được đưa vào sử dụng từ năm học 2019- 2020, Trường THCS Nguyễn Trãi (Phường 3- TP Vĩnh Long) có tổng mức đầu tư gần 41 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích hơn 4.300m2 gồm các hạng mục: khối hành chính quản trị và phục vụ học tập, khối 18 phòng học, nhà xe giáo viên và học sinh, sân và cột cờ, cổng và hàng rào, nhà bảo vệ, cây xanh và thảm cỏ, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật,…

Trường THCS Nguyễn Trãi được đầu tư khá đồng bộ với đầy đủ trang thiết bị đáp ứng nhu cầu giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh, góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Vào đầu năm học 2020- 2021 này, Trường THCS- THPT Phan Văn Đáng (Vũng Liêm) được khánh thành. Công trình Trường THCS- THPT Phan Văn Đáng được khởi công xây dựng vào tháng 9/2018 trên diện tích hơn 17.600m2, với kinh phí hơn 50 tỷ đồng từ nguồn vốn nhà nước.

Quy mô công trình gồm 24 phòng học, bảo đảm cho 1.200 học sinh học tập; khối hành chính quản trị- phục vụ học tập; các hạng mục phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật. Trường này cũng được đầu tư trang thiết bị mới đồng bộ, đầy đủ đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập và quản lý nhà trường…

Nâng cao chất lượng dạy và học

Học sinh vùng sâu, đồng bào dân tộc Khmer được tạo điều kiện học tập tốt.
Học sinh vùng sâu, đồng bào dân tộc Khmer được tạo điều kiện học tập tốt.

Không chỉ giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non cũng được quan tâm đầu tư và phát triển. 5 năm qua, từ nhiều nguồn vốn, tỉnh đã đầu tư hơn 733 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập gắn với sắp xếp tinh gọn bộ máy các trường công lập trên địa bàn.

Trong ngôi trường mới khang trang vừa đạt chuẩn quốc gia năm 2019, cô Hiệu trưởng Lê Thị Thương- Trường Mầm non Xuân Hiệp- cho rằng: “Không riêng trường tôi mà tất cả những trường khác trong tỉnh Vĩnh Long tôi thấy càng ngày càng khang trang và sạch đẹp, đồ dùng đồ chơi đầy đủ.

Giáo viên càng ngày càng phấn khởi hơn, đầu tư hơn để tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa cho trẻ phát triển tốt hơn”.

Mấy mươi năm sống tại xã Loan Mỹ, chú Thạch Năm chứng kiến sự đổi thay đến không ngờ của vùng đất này và đặc biệt là những ngôi trường.

Chú Năm kể: “Hồi đó trường tre lá lụp xụp, con nít thì đứa đi học đứa không. Bây giờ xe hơi chạy vô tới cái ấp Giữa này, con ai cũng đến trường, mà trường lớp thì khang trang, sạch đẹp”.

Nói về những định hướng của giáo dục Vĩnh Long trong thời gian tới, bà Trương Thanh Nhuận- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT cho biết: “Ngành GD- ĐT Vĩnh Long sẽ tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu của nhiệm kỳ 2015- 2020, đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm đối với nhiệm kỳ mới. 

Trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cũng như trách nhiệm đối với nghề nghiệp; tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên cũng như năng lực quản trị nhà trường đối với cán bộ quản lý. 

Ngành giáo dục Vĩnh Long cũng tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kiến thức pháp luật cho học sinh; củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; mở rộng hội nhập quốc tế trong giáo dục; đẩy mạnh thu hút các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào giáo dục, khuyến khích thành lập các trường tư thục chất lượng cao, góp phần phát triển mạnh mẽ GD- ĐT Vĩnh Long trong thời kỳ mới”.

Đến nay, toàn tỉnh có 428 trường mầm non, phổ thông. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 55,76%, tăng 73 trường so với năm 2015, vượt chỉ tiêu nghị quyết; hơn 97% xã- phường- thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức 2 trở lên. Nhiều học sinh đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đứng tốp đầu khu vực ĐBSCL. Tỉnh cũng đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi vào năm 2016.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh