Thông thường bấy lâu nay, theo thói quen tại các gia đình ở nước ta, khi trong nhà có chuột quậy phá, cắn xé đồ đạc, áo quần,… mà không thể bắt hay xua đuổi, thì người ta nghĩ ngay tới phương pháp bẫy chuột!
Thông thường bấy lâu nay, theo thói quen tại các gia đình ở nước ta, khi trong nhà có chuột quậy phá, cắn xé đồ đạc, áo quần,… mà không thể bắt hay xua đuổi, thì người ta nghĩ ngay tới phương pháp bẫy chuột!
Bẫy chuột cũng có nhiều cách, trong đó phổ biến hơn cả là cách dùng bả (thuốc độc) và dùng các phương thức khác như: lồng sắt, miếng keo dính, kẹp lò xo,… Việc dùng lồng sắt, keo dính, kẹp lò xo… để bắt chuột mặc dù cũng hiệu quả, thế nhưng mỗi lần chỉ “thu hoạch” được 1 con chuột. Chính vì vậy, đại đa số các gia đình chọn hình thức dùng bả thuốc độc để bẫy, diệt chuột, vì hiệu quả rất cao, chuột có thể chết hàng loạt khi ăn phải bả có trộn thuốc độc.
Tuy nhiên, cái gì cũng có tính 2 mặt của nó, mặt tích cực và tiêu cực! Việc dùng bả thuốc độc diệt chuột tại gia đình, ngoài yếu tố tích cực là chuột bị chết và chết nhanh hàng loạt, thì mặt “hạn chế” mà bất cứ ai- nhất là những người đã áp dụng biện pháp bẫy diệt chuột bằng phương pháp này- đều có thể nhận thấy, đó là: mùi hôi thối của những con chuột bị chết vì ăn phải bả độc vương vất khắp không gian ngôi nhà! Vâng, trong không gian gia đình của chúng ta có rất nhiều xó xỉnh, ngóc ngách như: khe tủ, gầm giường, gầm chạn bát đĩa, các khoảng trống hở trên phần la phông trần nhà, gác xép…, mà những con chuột có thể chui vào đó để ẩn nấp. Khi chúng ta dùng bả độc để bẫy diệt chuột, những con chuột sau khi ăn phải, chúng đã lui về những nơi chốn kín đáo đó để trú ngụ, rồi bị ngấm độc và chết. Khi chúng chết, nếu mọi người không nhanh chóng kiếm tìm thu lượm những con chuột chết đó thì mùi hôi thối sẽ nhanh chóng bốc lên sau thời điểm chúng ta rải bả độc khoảng vài ba ngày.
Ngoài việc bị mùi chuột chết “tra tấn”, hình thức dùng bả thuốc độc để diệt bẫy chuột cũng luôn tiềm ẩn sự nguy hiểm đối với các vật nuôi trong nhà là: chó, mèo, các loại gia cầm, gia súc, nếu chúng ta không hết sức thận trọng. Bình thường, khi trộn thuốc độc bẫy chuột, người ta hay dùng mồi nguyên liệu là: cơm, gạo, lúa, thậm chí là cả thịt, cá chiên nướng thơm lừng… Với đĩa nguyên liệu độc đó, chỉ cần để hớ hênh dưới thấp, hoặc không che đậy cẩn thận thì rất có thể các con vật nuôi trong nhà ăn phải thì sẽ không thể bảo toàn được tính mạng của chúng. Bởi như chúng ta biết, độc dược của bả bẫy chuột là cực kỳ cao, ngay cả con người chỉ cần ăn vào một chút ít cũng gần như chắc chắn tử vong, nếu như không được xử lý cấp cứu kịp thời.
Chẳng nói đâu xa, như chính gia đình tôi đây, hồi cuối tháng 10/2020, cũng bị chết 2 con chó đang hay ăn chóng lớn nuôi để trông giữ nhà, cùng 5 con gà mái đẻ, cũng chỉ vì… bả bẫy chuột! Chuyện là nhà tôi có khu sân vườn rộng, chất vài đống củi khô lớn trữ dùng đun dần. Thấy chuột lớn tụ tập hàng đàn trong khu vực đống củi đó, sợ chuột cắn gà, nên mẹ tôi đã mua vài liều bả chuột của người bán dạo mang về trộn với cơm nguội, chút cá nướng để bẫy, diệt lũ chuột đáng ghét đó đi. Do mẹ tôi đặt 2 cái đĩa đựng bả độc không cẩn thận, lại không canh chừng, nên 2 con chó và cả 5 con gà ăn phải và chết lăn quay.
Thật ra thì chuyện dùng bả độc bẫy diệt chuột, sau đó làm chết vật nuôi như tại gia đình của tôi không phải là hiếm. Cách đây khoảng hơn 1 năm, gia đình một người bạn học chung thời phổ thông với tôi, nhà xã bên, cũng bị chết một lúc gần 20 con gà, mỗi con nặng hơn 2kg gửi chờ bán vào dịp tết, cũng do lỗi dùng bả độc bẫy, diệt chuột. Bố người bạn tôi ngâm lúa với bả chuột, sau đó rải trên một miếng gỗ đặt ngoài phía đầu hồi của chuồng gà vào buổi tối, với ý là khi chuột mò vào chuồng gà gặp bả độc sẽ ăn, rồi chết! Thế nhưng, chuyện rải lúa bẫy chuột ông lại không nói với vợ, nên sáng sớm hôm sau mẹ bạn tôi vô tư mở cửa chuồng thả gà ra cho chúng đi ăn. Và, những con gà to lớn ăn phải lúa ngâm bả độc đã lăn quay ra chết, thiệt hại là đáng kể khi tết đang cận kề…
Chính vì vậy, trước khi có ý định dùng bả thuốc độc để bẫy, diệt chuột, mọi người, mọi gia đình hãy hết sức thận trọng. Trước khi đặt bả độc bẫy, diệt chuột, cũng nên xích, nhốt tất cả vật nuôi trong gia đình, đợi khi nào thu lượm mồi độc rồi thì mới thả vật nuôi ra lại. Ngoài ra, sau khi đặt bả độc bẫy, diệt chuột được một ngày, chúng ta phải kiếm tìm thật kỹ càng các xó xỉnh, ngóc ngách, những chỗ kín đáo trong khoảng không gian ngôi nhà mình mà chuột có thể trú ngụ, để thu lượm những con chuột chết nằm ở đó, tránh bị mùi hôi thối “tra tấn”…
TRỊNH VIẾT HIỆP
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin