Không ít học sinh dân tộc khi đến trường chưa nói rành Tiếng Việt, khó giao tiếp sẽ làm các em chậm tiếp thu kiến thức hơn. "Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số" là đề án được xây dựng cải thiện tình trạng này.
Không ít học sinh dân tộc khi đến trường chưa nói rành Tiếng Việt, khó giao tiếp sẽ làm các em chậm tiếp thu kiến thức hơn. “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số” là đề án được xây dựng cải thiện tình trạng này.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Thạch Thia học sách “Em học Tiếng Việt” trong thư viện trường. |
Em nói tiếng Việt
Đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến 2025” tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo.
Đánh giá về những hiệu quả đề án mang lại, bà Trương Thanh Nhuận- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long cho rằng: “Nhận thức của giáo viên, phụ huynh tăng lên, cơ sở vật chất ở các trường có học sinh dân tộc cũng được quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu”.
Bằng các biện pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của việc tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em người DTTS thông qua các cuộc họp giao ban giữa nhà trường và UBND xã; các cuộc họp giữa nhà trường và cha mẹ học sinh.
Là ngôi trường có 80% học sinh là người dân tộc Khmer, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tấn Lực- Trường Tiểu học Thạch Thia (xã Loan Mỹ- Tam Bình) cho biết: “Khối 1 luôn được chúng tôi quan tâm và sắp xếp cho giáo viên chủ nhiệm là người dân tộc Khmer để dễ giao tiếp và kèm Tiếng Việt. Các em có sự tiến bộ rất nhiều, tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt chương trình đạt hơn 70%”.
Nhiều trường đã xây dựng môi trường giao tiếp Tiếng Việt trong trường đa dạng như: CLB Em nói Tiếng Việt, trò chơi đố vui để học, tổ chức “tiết đọc thư viện”, sắp chỗ ngồi xen kẽ học, khuyến khích phụ huynh thường xuyên giao tiếp với học sinh bằng Tiếng Việt.
Quyển sách “Em nói Tiếng Việt” - dành cho học sinh lớp 1 vùng DTTS- được dạy vào các buổi chiều, đảm bảo dạy hết quyển trong năm học. Bên cạnh, trường còn xây dựng “Thư viện thân thiện” và tổ chức tốt các hoạt
động đọc.
Các em học sinh lựa sách trong Thư viện thân thiện của học sinh Trường Tiểu học Thạch Thia. |
Chị Thạch Thị Sa Rông (xã Loan Mỹ có 2 con học lớp 2 Trường Tiểu học Thạch Thia và lớp 6 Trường THCS Loan Mỹ. Chị Sa Rông cho biết: “Cả 2 bé khi vào lớp 1 thì vợ chồng tui rất lo vì bé không nói Tiếng Việt rành, sợ khi vô học sẽ tiếp thu chậm hơn bạn bè.
Nhưng bé Quỳnh Ngọc đang học lớp 2 được học chương trình tăng cường Tiếng Việt nên bé giỏi rất nhanh. Ngọc là học sinh xuất sắc hồi lớp 1 đó”. Được học tăng cường Tiếng Việt cộng với những hoạt động thư viện, khuyến khích nói Tiếng Việt giúp con chị Sa Rông và các cháu dân tộc dạn dĩnh hơn, nói rành Tiếng Việt hơn.
Cần tiếp tục tăng cường
Sau 5 năm thực hiện đề án này, các trường thuộc xã khó khăn và đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc Khmer được đầu tư xây dựng khang trang hiện đại hơn.
Có 13/14 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 92,8%. Đối với tiểu học đã có 8/9 trường có thư viện thân thiện đạt chuẩn và hoạt động hiệu quả; đối với mầm non tập trung xây dựng góc “Thư viện- học tập thân thiện”, “vườn cổ tích của bé” và tổ chức tốt các hoạt động xem sách, “đọc sách”, kể chuyện, đọc thơ...
Có 100% trường mầm non có góc thư viện- học tập và có 70% trường mầm non có khu vườn cổ tích dành cho trẻ thư giãn xem sách, truyện và hoạt động hiệu quả nhằm tăng cường Tiếng Việt chuẩn bị tâm thế cho trẻ vào lớp 1.
Là giáo viên dạy lớp 1 hơn 23 năm, cô Kim Thị Mai Lan- giáo viên Trường Tiểu học Thạch Thia- cho rằng: “Tôi thấy đề án này rất hay, các em được tăng cường Tiếng Việt nên học tốt hơn. Điều quan trọng là phụ huynh cũng phải phối hợp nói Tiếng Việt với các em khi ở nhà”.
Thầy Nguyễn Tấn Lực: Tôi nghĩ đề án có thể kéo dài đến chương trình lớp 3 và chương trình nên hỗ trợ miễn phí sách “Em học Tiếng Việt” cho học sinh. |
Chất lượng giáo dục đối với trẻ em nói chung và trẻ em dân tộc nói riêng có sự phát triển rõ rệt. Trẻ người dân tộc có nhiều cơ hội được thực hành, trải nghiệm, tự tin, hoạt bát hơn trong giao tiếp giữa trẻ với nhau, giữa cô và trẻ.
Cô Vinh Thị Cẩm Vân- giáo viên Trường Mầm non Tân Mỹ có 19 năm thâm niên với nghề cho biết: “Đối với các bé mầm non người dân tộc thường gặp khó khăn trong giao tiếp vì các em hiểu ít và nói Tiếng Việt cũng ít.
Các em thường nhút nhát hơn các bạn, do đó, chúng tôi phải tăng cường Tiếng Việt cho bé học tốt hơn ở các cấp tiếp theo. Dạy trẻ Tiếng Việt mọi lúc, mọi nơi và mọi hoạt động”. Nhờ có ưu thế là người dân tộc, cô Vân hiểu các bé dân tộc hơn và dạy các con nói được nhiều hơn.
Thực tế cho thấy, việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS qua các môn học và các hoạt động giáo dục, và các phương tiện hỗ trợ kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đạt hiệu quả tốt. Cuối năm học 100% học sinh dân tộc Khmer hoàn thành môn Tiếng Việt và chương trình tiểu học.
Bà Trương Thanh Nhuận cho biết: Thời gian tới, ngành giáo dục mong các trường tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và quan tâm tạo điều kiện cơ sở vật chất, xây dựng môi trường làm quen Tiếng Việt cho trẻ. Đặc biệt sân chơi cho các em giao tiếp sâu rộng hơn.
Thực hiện Đề án “Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến 2025, Sở GD- ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các trường: tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của việc tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em người DTTS; tăng cường các hình thức tuyên truyền phối hợp với cha mẹ trẻ hình thành khả năng nói Tiếng Việt, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1; Tổ chức hoạt động xem sách, “đọc sách”, kể chuyện tại góc thư viện- học tập của lớp, trường; Chỉ đạo rà soát việc xây dựng môi trường tăng cường Tiếng Việt cho trẻ dân tộc trong các trường mầm non, mẫu giáo theo bộ tiêu chí. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin