Những ngày qua, thời tiết miền Nam mưa nắng thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi... bùng phát, trẻ em dễ trở thành đối tượng mắc bệnh.
Phụ huynh cần lưu ý rửa tay bằng xà bông cho con trẻ trước và sau khi đến các khu vui chơi. |
Những ngày qua, thời tiết miền Nam mưa nắng thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi... bùng phát, trẻ em dễ trở thành đối tượng mắc bệnh.
Trẻ mắc bệnh nhiễm siêu vi, đường hô hấp tăng cao
Thông tin từ các bệnh viện trên địa bàn Vĩnh Long, hiện nay cùng với bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng thì bệnh hô hấp ở trẻ em cũng đang tăng cao, do trẻ em nhạy cảm với hiện tượng thời tiết bất thường. Lượng bệnh nhi ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học mắc phần lớn là các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, rối loạn tiêu hóa, viêm hô hấp,… Thậm chí có một số cơ sở y tế bị quá tải, không đáp ứng đủ số giường nằm cho bệnh nhi điều trị nội trú.
Có con đang theo dõi bệnh sốt xuất huyết tại Khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, anh Phạm Duy Tân (Phường 3- TP Vĩnh Long) cho biết: “Thấy con đi học về ho, hơi hầm hầm nên tôi đi mua thuốc cho con uống. Uống 2 bữa, con vẫn sốt hơn 39 độ nên tôi tức tốc chở con vô viện, được xét nghiệm máu và nằm theo dõi sốt xuất huyết”.
Theo các bác sĩ nhi khoa, riêng trẻ có bệnh lý về đường hô hấp đến khám chiếm khoảng 40% trong tổng số bệnh, chủ yếu do yếu tố thời tiết mưa nắng thất thường và ô nhiễm môi trường.
Bé Trần Gia Hân (4 tuổi, phường Trường An- TP Vĩnh Long) bị sốt do viêm hô hấp nhập viện 2 ngày tại BVĐK Triều An- Loan Trâm ngồi ngoan cho bác sĩ thăm khám bệnh. Mẹ bé- chị Lưu Thị Thanh Tuyền- cho biết: “Con bị sốt 3 ngày, ho khò khè uống thuốc không hết. Tui đưa bé lên đây khám rồi nhập viện luôn”.
Chị Lê Loan Trúc (Phường 2- TP Vĩnh Long) cho biết: “Con tôi đi mẫu giáo bệnh rề rà sốt, ho, sổ mũi hơn tháng nay chưa hết. Rồi thằng em 2 tuổi bị lây cũng khụt khịt ho, nóng hầm hầm theo, bà ngoại giữ cũng cảm luôn. Tôi tăng cường bổ sung vitamin C bằng cách ép cam để có sức đánh “siêu vi bệnh”; nhắc con chịu khó súc miệng nước muối và rửa tay thường xuyên”.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng Khoa Nhi BVĐK TP Vĩnh Long, trẻ mắc bệnh viêm đường hô hấp thường có triệu chứng ho, có thể kèm theo sổ mũi, sốt... Khoảng 70% trẻ mắc bệnh sẽ khỏi, số còn lại sẽ bị viêm đường hô hấp dưới như xuống phổi gây viêm phổi, ở trẻ dưới 2 tuổi gây viêm tiểu phế quản, một số trẻ khác bị viêm phế quản...
Nâng thể trạng, giúp trẻ vui khỏe
Trước tình hình bệnh đang gia tăng, hiện nay, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh với sự hướng dẫn của ngành y tế đã vào cuộc quyết liệt với các hoạt động thiết thực, như củng cố kiến thức về cách phòng chống các loại dịch bệnh thường xảy ra, đặc biệt là bệnh tay chân miệng, các biểu hiện bệnh lý… cho các cán bộ, giáo viên và phụ huynh cùng nhận biết, phòng ngừa.
Trong đó, đặc biệt lưu ý những biểu hiện ban đầu. Đối với bệnh sốt xuất huyết, khi thấy trẻ sốt cao đột ngột, uống thuốc hạ sốt không hiệu quả thì báo ngay với phụ huynh để kịp thời trả trẻ, đưa đến cơ sở y tế điều trị.
Khi phát hiện trẻ nổi mụn nước ở lòng bàn tay, chân, miệng, sốt, mệt mỏi, cần cách ly trẻ tại nhà để tránh lây lan cho trẻ khác. Đây được xem là những giải pháp thiết thực để ngăn ngừa dịch bệnh trong các trường học. Bên cạnh đó, các trường cần chú trọng đến công tác giữ vệ sinh cá nhân và môi trường học tập vui chơi để bảo vệ sức khỏe của trẻ.
Cô Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non thực hành Măng Non (Phường 9- TP Vĩnh Long)- Mạc Hồng Vân cho biết: Môi trường trường học là nơi mầm bệnh dễ lây lan, do đó để tránh trẻ mắc bệnh và hạn chế nguy cơ bùng phát thành dịch tại trường, các cô thường xuyên hướng dẫn để hình thành thói quen tự vệ sinh cá nhân, đặc biệt hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng đúng cách nhằm tránh xa những nguy cơ lây bệnh cho trẻ. Đồng thời, giáo viên chủ động liên hệ với phụ huynh để thống nhất phương pháp, nội dung chăm sóc sức khỏe cho các em.
Trẻ học tại Trường Mầm non thực hành Măng Non Phường 9 vui chơi tại sân trường. |
“Hàng ngày khi nhận trẻ, các cô quan sát tình hình sức khỏe. Nếu trẻ có biểu hiện bệnh, các cô phối hợp với nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, sau đó liên hệ với phụ huynh để đưa trẻ đến cơ sở y tế khám. Trường hợp trẻ mắc các bệnh có khả năng lây lan, trường cho trẻ tạm nghỉ học để điều trị, tiến hành vệ sinh phòng học, các vật dụng, đồ chơi trong trường, đồng thời liên hệ ngành y tế để phun thuốc tiêu độc, khử trùng khi cần thiết, hạn chế nguy cơ lây lan cho các trẻ khác”- cô Hồng Vân cho biết.
Để phòng bệnh, bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng Khoa Nhi BVĐK TP Vĩnh Long- khuyến cáo: Cha mẹ cần nâng cao thể trạng cho trẻ bằng cách đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý và đầy đủ.
Chú ý đảm bảo vệ sinh cho trẻ, tránh tụ tập đông người. Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt: như rửa tay sạch sẽ- đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa, sẽ giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình; đeo khẩu trang cho trẻ.
Cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm các loại vắc xin để chủ động phòng bệnh cho trẻ. Đây là biện pháp hiệu quả để chủ động phòng các bệnh truyền nhiễm. Khi trẻ bị bệnh, phụ huynh nên cho trẻ đi khám sớm, tránh để bệnh diễn tiến nặng.
“Phụ huynh cần lưu ý, đối với trẻ mắc bệnh hô hấp có biểu hiện thở nhanh, nôn ói, bú kém, khó thở, co giật; bệnh về tiêu hóa trẻ mất nước, ói, tiêu chảy nhiều; trẻ bị sốt xuất huyết tay chân lạnh, ói, đau bụng thì nên đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời. Đồng thời, cần tái khám đúng hẹn, uống thuốc đúng liều theo hướng dẫn của bác sĩ.”- bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Tuyết Mai khuyến cáo. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin