Công tác dạy nghề và giải quyết việc làm của Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long trong 5 năm qua (2015- 2020) mang lại hiệu quả thiết thực, phát triển cả về số lượng, chất lượng, mở rộng thêm được nhiều ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu học nghề và việc làm cho lao động nữ nông thôn
Công tác dạy nghề và giải quyết việc làm của Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long trong 5 năm qua (2015- 2020) mang lại hiệu quả thiết thực, phát triển cả về số lượng, chất lượng, mở rộng thêm được nhiều ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu học nghề và việc làm cho lao động nữ nông thôn; giúp lao động nông thôn (LĐNT) có việc làm tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần cùng địa phương thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
Nhiều chị em phụ nữ có việc làm, tăng thu nhập, vươn lên khá giàu. |
Đề án 1956- phụ nữ có thêm nghề
Hàng năm, Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án 1956 “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” đến các cấp Hội LHPN trong tỉnh; cụ thể hóa nhiệm vụ và đưa ra chỉ tiêu thi đua cho cả nhiệm kỳ và trong chương trình hoạt động của hội.
Với vai trò thành viên BCĐ Đề án 1956 của tỉnh, Hội LHPN tỉnh tham mưu đào tạo các ngành nghề phù hợp với lao động nữ, nhất là lao động nữ nông thôn có trình độ thấp, nhu cầu việc làm lúc nông nhàn, các nghề như tiểu thủ công nghiệp, may gia đình, nấu ăn, thẩm mỹ… gắn với giới thiệu, tạo việc làm phù hợp sau học nghề, giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật có việc làm ổn định, tăng thu nhập, góp phần thực hiện tốt chương trình giảm nghèo tại địa phương.
Xác định chỉ tiêu dạy nghề, tạo việc làm và giải quyết việc làm cho LĐNT bình quân từ 9.000-10.000 lao động nữ/năm. Hội LHPN tỉnh phối hợp với các sở, ngành xây dựng các mô hình và tổ chức các lớp dạy nghề cho LĐNT.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, phổ biến các chính sách của Đề án 1956, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề với 4.000 cuộc.
Bên cạnh còn thông tin, phổ biến và vận động hội viên, phụ nữ tham gia “Sàn giao dịch việc làm” của tỉnh để tìm cơ hội việc làm phù hợp, có mức thu nhập đảm bảo đời sống cho bản thân và gia đình.
Sau khi thực hiện công tác điều tra khảo sát nhu cầu học nghề, các cấp hội phụ nữ phối hợp mở các lớp dạy nghề ngắn hạn, lưu động ở các xã để tập huấn kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, cung cấp thông tin, kinh nghiệm làm ăn, dạy nghề thủ công mỹ nghệ...
Qua đó gắn với các cơ sở sản xuất để chị em nhận hàng gia công tại nhà, tạo việc làm thường xuyên lúc nông nhàn, tăng thu nhập cho gia đình.
Việc tuyển sinh, đào tạo nghề đối với hình thức này chủ yếu tập trung lao động nữ từ 35- 55 tuổi, phụ nữ nghèo có con nhỏ, cuộc sống chủ yếu dựa vào nghề nông nên sau mùa vụ chị em tận dụng thời gian nhàn rỗi để tham gia các lớp học nghề phổ biến như đan thảm lục bình, đan lõi lác, đan giỏ ny lông, may công nghiệp.
Phụ nữ tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác được dạy nghề, có việc làm ổn định cải thiện cuộc sống. |
Riêng Trung tâm Dạy nghề tại cơ quan Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long mở được 327 lớp dạy nghề. Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã tạo việc làm cho lao động sau học nghề, phối hợp với các tổ chức trong, ngoài tỉnh và các ngân hàng để hội viên tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế gia đình.
Tính đến nay, các cấp hội thành lập được 52 tổ tín dụng vay vốn với trên 1.000 thành viên, giải ngân trên 66 tỷ đồng.
Những “điểm hẹn” của phụ nữ
Điển hình như Hội LHPN tỉnh vận động thành lập được 1 làng nghề truyền thống đan lục bình tại xã Tân Phú (Tam Bình), giải quyết việc làm tại chỗ cho gần 1.000 lao động, thu nhập bình quân từ 1,5- 2,5 triệu đồng/tháng.
Đến nay, duy trì hoạt động của Trung tâm Sản xuất cộng đồng tại xã Tân Long (Mang Thít), xã Song Phú (Tam Bình) với kinh phí trên 900 triệu đồng vừa giúp lao động tại địa phương có việc làm ổn định sau học nghề, vừa có nơi giao lưu, sinh hoạt góp phần thu hút hội viên vào tổ chức hội.
Đồng thời duy trì hoạt động 14 làng nghề với trên 2.800 lao động tham gia. Trong 5 năm, các cấp hội vận động, hỗ trợ thành lập được 17 hợp tác xã, thành lập và duy trì 125 tổ hợp tác và 10 tổ liên kết.
Phối hợp với ngành chuyên môn hỗ trợ hội viên thành lập được 18 mô hình nông nghiệp. Hội LHPN tỉnh còn chỉ đạo các cấp hội xây dựng các mô hình tạo việc làm tại chỗ như các mô hình trồng trọt chăn nuôi, dịch vụ gia đình; các tổ hợp tác lao động,… tạo việc làm cho hơn 2.000 chị, thu nhập từ 800.000- 2.500.000 đ/người/ tháng.
Trong 5 năm thực hiện đề án, các cấp Hội LHPN tỉnh giới thiệu và tạo việc làm gần 79.000 chị; phối hợp mở được 626 lớp dạy nghề, có trên 17.000 học viên. Trên 87% lao động nữ được đào tạo học nghề có việc làm. Từ những kết quả trên, có 1.784 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo. |
Chị Lê Thị Thúy (xã Tích Thiện- Trà Ôn) chia sẻ: “Trước đây, vợ chồng tôi đi làm thuê, ai kêu gì làm đó để có tiền. Nhưng đi làm thuê suốt ngày nên không có thời gian lo cho con.
Hơn 2 năm nay, được Hội LHPN giới thiệu cho học nghề và nhận hàng đan thủ công, tôi ở nhà đan, còn chồng đi làm thuê. Hàng ngày, tôi làm được từ 50.000- 60.000đ, vừa có tiền sinh hoạt và cho con đi học, vừa có thời gian chăm lo cho gia đình”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm- Chủ tịch Hội LHPN huyện Vũng Liêm- cho biết, qua 5 năm thực hiện đề án gắn với các giải pháp, Hội LHPN huyện đã hỗ trợ 546 hộ do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo, vượt chỉ tiêu đề ra.
Ngoài việc phối hợp với doanh nghiệp để dạy nghề, giới thiệu việc làm, bao tiêu sản phẩm và xây dựng các mô hình thì Hội LHPN huyện luôn quan tâm, tìm kiếm khai thác các nguồn vốn cho chị em vay để xây dựng mô hình phát triển kinh tế gia đình, vì vậy mang lại thu nhập ổn định và cải thiện được cuộc sống.
Bà Lê Thị Thúy Kiều- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kết quả tích cực trong thực hiện Đề án 1956 của Hội LHPN góp phần thực hiện tốt mục tiêu Đề án đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh. Các cấp hội luôn đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tế của từng địa phương lồng ghép với các mô hình phát triển kinh tế gia đình. Qua đó, phụ nữ có thêm nguồn thu nhập ngày càng cao, mức sống được nâng lên, nhiều chị em vươn lên khá, giàu. |
Bài, ảnh: HẢI YẾN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin