Bài toán giảm ngập TP Vĩnh Long

03:11, 25/11/2020

Những năm qua, chính quyền và nhân dân TP Vĩnh Long đã có nhiều nỗ lực trong phát triển hạ tầng kỹ thuật, kết hợp giữ gìn môi trường. 

 

Ngập nước làm cho cảnh quan thành phố nhếch nhác.
Ngập nước làm cho cảnh quan thành phố nhếch nhác.

Những năm qua, chính quyền và nhân dân TP Vĩnh Long đã có nhiều nỗ lực trong phát triển hạ tầng kỹ thuật, kết hợp giữ gìn môi trường.

Thế nhưng vào mùa mưa, những kỳ triều cường thì đường phố ở thành phố, nhất là ở nội thành còn nhiều tuyến đường bị ngập sâu. Ngập nước ảnh hưởng cảnh quan thành phố, ảnh hưởng các hoạt động kinh tế- xã hội... Vậy, bài toán nào để giảm ngập cho thành phố?

Biện pháp chống ngập hiện tại còn hạn chế…

Ngập ở TP Vĩnh Long trong những năm gần đây chịu ảnh hưởng của yếu tố khách quan chủ yếu (mưa và triều cường), yếu tố do lũ là thứ yếu và yếu tố chủ quan là hệ thống thoát nước bị ách tắc (kinh, rạch trong vùng và hệ thống cống ven đường bị lấn, lấp, chặn dòng).

Thường thì ở vùng trung tâm, vùng nội thành ngập nặng hơn vùng ngoại thành… Những nơi này có nền nhà, phố cao hơn mặt đường. Khi mưa to, nước mưa cùng với nước thải sinh hoạt phần lớn chảy vào hệ thống cống thoát nước chạy dọc hai bên đường, một phần nước thoát trực tiếp vào các sông, kinh, rạch hiện có.

Biện pháp chống ngập đã và đang áp dụng là bằng hệ thống cống thoát nước ven đường và máy bơm đặt tại những đầu cống, đầu kinh, rạch để bơm tháo ra sông, rạch lớn. Tuy nhiên, hệ thống cống thoát vì nhiều nguyên nhân khác nhau tải không nổi lượng nước mưa, nước sinh hoạt nên nước dâng cao, lan ra mặt đường gây ngập đường, ngập hẻm.

Tình trạng ngập càng nặng hơn khi mưa gặp lũ, triều cường xảy ra cùng thời đoạn. Chúng ta có thể thấy, hễ có những trận mưa nào trên 50mm là những tuyến đường khu trung tâm thành phố bị ngập nặng, mặc dù khi đó nước dưới sông, rạch rất thấp. Điều này chứng tỏ là hệ thống cống thoát nước không kịp hoặc hệ thống cống có vấn đề!

Thực tế cho thấy, đối với khu trung tâm các đô thị trong vùng, hệ thống cống thoát nước vừa cũ, vừa quá nhỏ, phần lớn đều bị xuống cấp nặng, muốn cải tạo, nâng cấp lại rất khó khăn và rất tốn kém. Đã có một số tuyến đường được cải tạo, nâng cấp kết hợp cải tạo, mở rộng hệ thống cống thoát nhưng còn thiếu đồng bộ nên hiệu quả thoát không cao.

Các nguyên nhân khác có thể là do quá trình thi công lắp đặt cống thoát chưa đảm bảo kỹ thuật (nhất là tạo độ dốc không tốt, miệng cống không khớp…), lỗ thoát nước mặt đường vào cống quá nhỏ; do quá trình khai thác vận hành không đảm bảo như để rác, cát san lấp nền chảy vào lòng cống làm tắc nghẽn dòng chảy; do đào bới, lắp đặt các công trình khác lồng vào hệ thống cống (như cáp quang, dây điện, điện thoại ngầm…) cũng làm cản trở lớn đến dòng chảy qua cống...

Với những lý do nêu trên, cho dù chính quyền các đô thị có dùng biện pháp tiêu úng bằng máy bơm công suất lớn đi nữa thì cũng không hiệu quả.

Không nhất thiết phải nâng cốt nền mãi…

Tình trạng ngập ở TP Vĩnh Long ngày càng phức tạp hơn với đà phát triển đô thị và tác động của biến đổi khí hậu- triều cường, nước biển dâng.

Chống ngập ở thành phố thời gian qua có thể thấy là ngập đến đâu thì nâng đường, nâng nền nhà đến đó. Cách làm này gây ra nhiều bất cập: gây tốn kém thêm tiền của Nhà nước và nhân dân, nước vùng cao chảy qua đường, khu vực thấp hơn… gây tình trạng ngập thêm phức tạp, dai dẳng.

Ở Hà Lan, mặt đất nước này thấp hơn mặt nước biển 2m nhưng họ đâu có nâng hết đường, nhà bên trong như cách làm của ta hiện nay. Họ chỉ xây dựng hệ thống đê ngăn biển xung quanh cho từng khu vực, trên đê có cống, trạm bơm nước và hệ thống âu thuyền cho tàu, bè qua lại (bộ phận giúp cho tàu thuyền qua lại những nơi mực nước có sự biến đổi đột ngột).

Do vậy, thiết nghĩ biện pháp công trình cơ bản nhất để chống ngập cho khu vực chịu ảnh hưởng bởi triều cường và mưa như ở thành phố là nâng các tuyến đường, xây dựng kè ven các sông lớn để ngăn triều kết hợp xây dựng, cải tạo hệ thống cống thoát nước và đặt máy bơm để tiêu thoát nước mưa. Không nhất thiết phải nâng hết những tuyến đường trong thành phố lên cao trình chống ngập.

Đề xuất biện pháp lâu dài

Một trong những phương án kỹ thuật cần tính đến là chia thành phố thành những khu vực riêng (những ô nhỏ) trên cơ sở lấy sông, rạch, đường giao thông làm ranh. Tiến hành xây dựng, nâng cấp những tuyến đường xung quanh ô đủ cao trình chống ngập thành đường “vành đai” như “đê bao” ngăn triều cường.

Tùy theo điều kiện, tùy theo nơi có thể làm tường chắn, xây kè hoặc nâng đường để giảm chi phí. Nền đường, nền nhà, nền công trình nằm trong “vành đai” thì quy hoạch, xây dựng cốt nền, cốt đỉnh đường thấp hơn đường “vành đai”.

Cách làm này sẽ giải quyết được tình trạng nâng cốt nền nhà, công trình “chạy theo” đường hoặc ngược lại như hiện nay ở thành phố. Những kinh, rạch trong khu vực không có nhu cầu giao thông thủy cần thiết xây dựng công trình ngăn triều cường (có kết hợp giao thông thủy) để giảm chi phí nâng tuyến đường 2 bên bờ kinh, rạch này. Hiện đã xây dựng công trình ngăn triều cường ở các vàm sông nhỏ như vàm Cái Sơn Bé (Phường 5), vàm Bình Lữ (Phường 2, Phường 9).

Tuy nhiên cũng tùy theo khu vực chịu tác động chính bởi những tác nhân gây ngập mà áp dụng biện pháp chống ngập phù hợp nhất. Vùng ngập do mưa, vùng cao ráo thì chỉ cần cải tạo, nâng cấp hệ thống cống thoát nước kết hợp đặt máy bơm thoát nước phòng khi triều lên cao không tiêu tự chảy được. Vùng ven ngập do triều cường, vùng ngoại thành thì phải nâng xây đê bao kết hợp làm đường giao thông nông thôn.

Ngoài ra, còn phải thực hiện đồng bộ giải pháp phi công trình khác như rà soát quy hoạch đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu- nước dâng; khôi phục, cải tạo những mương, rạch thoát nước công cộng, tránh lấp bít hết chúng trong xây dựng đô thị; tổ chức tốt vận hành hệ thống cống, bơm tiêu thoát nước; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân kết hợp với các tổ chức chính quyền, đoàn thể bảo vệ môi trường, khai thông cống rãnh, kinh mương công cộng đã bị lấn chiếm, lấp bít… góp phần chống ngập.

Kè chống sạt lở khu vực Phường 5- công trình kết hợp chống ngập do triều cường từ hướng sông Cổ Chiên.
Kè chống sạt lở khu vực Phường 5- công trình kết hợp chống ngập do triều cường từ hướng sông Cổ Chiên.

Trước mắt, thành phố nên thực hiện giải pháp “tình thế” như lắp cửa cống ngăn nước ở những đầu cống thoát nước mà Công ty TNHH 1TV Công trình công cộng Vĩnh Long đã thực hiện kết hợp bố trí máy bơm để bơm giảm ngập vào thời điểm bị ngập nặng.

Trong thời điểm mưa lớn mà gặp kỳ triều cường, lũ lớn thì giải pháp dùng máy bơm công suất lớn để chống ngập là phù hợp nhất. Hệ thống cống, kinh thoát phải có kích thước đủ rộng để đảm bảo cấp nước kịp khi những máy bơm tiêu công suất lớn hoạt động.

Bài, ảnh: TRUNG CHÁNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh