Vụ sạt lở núi ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam khiến mọi tuyến đường vào khu vực này tạm thời không thể sử dụng, việc cứu nạn phải tạm dừng.
Người dân địa phương gùi lương thực vào tiếp tế cho những nạn nhân vụ sạt lở. |
Vụ sạt lở núi ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam khiến mọi tuyến đường vào khu vực này tạm thời không thể sử dụng, việc cứu nạn phải tạm dừng.
Hôm nay, các lực lượng cứu nạn tiếp tục tìm cách tiếp cận hiện trường, ứng cứu 11 nạn nhân vụ sạt lở núi ở xã Phước Lộc, 2 cán bộ xã bị trôi mất tích và 217 công nhân đang bị cô lập tại xã Phước Thành, huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Sở chỉ huy tiền phương được đặt tại UBND xã Phước Công đã họp, nắm tình hình thực tế và triển khai các phương án cứu nạn, tiếp tế dân. Sau khi lên phương án tiếp cận hiện trường, lực lượng Quân đội và lãnh đạo địa phương đã lên đường đi vào hiện trường. Tuy nhiên, đến chiều nay, Đoàn công tác cứu nạn vẫn chưa thể vào được hiện trường sạt lở.
Sáng nay, PV VOV cùng với lực lượng cứu nạn của tỉnh Quảng Nam, Quân khu 5 cắt đường rừng vượt qua mấy quả núi cao đang bị sạt lở để tiếp cận hiện trường vụ sạt lở. Mất mấy tiếng đồng hồ vượt núi, đoàn mới đến được nhà điều hành Nhà máy thủy điện Đăk Mi 2. Tất cả các tuyến đường đến đây đều ngập sâu trong bùn đất. Có nơi, bùn ngập hơn 2m. Trời mưa, đường vào hiện trường rất khó khăn, đất đá từ trên núi rớt xuống gây trơn trượt, rất nguy hiểm đến tính mạng.
Xuất phát từ đầu giờ sáng đến khoảng 13h hôm nay, Đoàn công tác dừng lại ở khu vực suối nước Mắt, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, cách hiện trường vụ sạt lở khoảng 13km. Sau khi xem xét, phân tích tình hình thực tế, điều kiện thời tiết, chiều nay, Đoàn công tác buộc phải quay trở lại do địa hình quá hiểm trở, không thể đi tiếp. Thông tin mới nhất, đến cuối giờ chiều nay, chỉ còn khoảng 80 công nhân ở lại công trình thân đập thủy điện ĐakMi 2. Lương thực vẫn còn đủ cho 1 tuần. 137 người khác đã đu dây cáp treo qua sông, trở về xã Phước Công.
Anh Lê Văn Thịnh, công nhân Công ty Lắp máy LiLaMa 10 cho biết: "Tôi nghe nói còn 20 người mắc kẹt trong nhà máy. Hiện đã có lực lượng đưa lương thực vào, gùi lương thực bằng dây cáp để tiếp cận người bị nạn".
Đại tá Nguyễn Hữu Thức, Phó Chính uỷ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam cho biết, phương án dùng trực thăng trong việc cứu nạn tạm thời chưa thực hiện được do thời tiết xấu và địa hình không thể tiếp cận được. Hiện tại xã Phước Lộc chỉ còn 4 tấn gạo, nhu yếu phẩm khác đang cạn dần mà đường thì chưa được thông suốt. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam giao cho huyện Phước Sơn huy động dân các xã lân cận gùi cõng lương thực bằng đường rừng vào tiếp tế. Hy vọng một vài ngày tới, lương thực sẽ được chuyển đến người dân bằng cách gùi cõng thức ăn vào tiếp tế cho bà con trong khu vực sạt lở.
Đầu giờ chiều nay, Sở Chỉ huy Tiền phương đã liên lạc được với Chủ tịch UBND xã Phước Lộc. Được biết, người dân thôn 6 và cán bộ xã đã chôn cất 5 thi thể vừa tìm kiếm được sau vụ sạt lở kinh hoàng. Hiện còn 6 nạn nhân ở thôn 6 chưa tìm thấy. Trong khi đó, 2 cán bộ xã Phước Lộc bị sạt lở vùi lấp ở thôn 5A cũng chưa tìm thấy. Theo báo cáo của lực lượng tại chỗ, lượng đất đá sạt lở xuống rất lớn, cần phải có phương tiện cơ giới hỗ trợ đào bới chứ không thể dùng tay đào bới, tìm kiếm nạn nhân.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, người được tỉnh Quảng Nam phân công chỉ đạo công tác cứu hộ tại huyện Phước Sơn cho biết: Trước tình hình này, để đưa được phương tiện vào tìm kiếm 6 nạn nhân còn mất tích là một vấn đề khó khăn. Vì đường chưa thông, hiện các xe múc tiếp tục tìm cách mở đường vào. Thời gian mở đường thì nhanh nhất cũng phải một tuần nữa. Nếu thời tiết diễn biến xấu tiếp tục tháng thì có lẽ phải mất một tháng nữa
Một cán bộ Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Nam cho biết: Chiều nay, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Nam đã điều động xe máy lên huyện Phước Sơn mở đường vào hiện trường. "Đang điều máy lên để mở đường cũ thôi. Đang điều máy lên để hỗ trợ cho huyện. Còn huyện họ sẽ tính phương án"./.
Theo Thanh Hà/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin