Sau 3 năm thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2025", Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã thực hiện đa dạng các hình thức, cách thức trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh đạt nhiều kết quả tích cực.
Chị Cao Thúy An (thứ hai từ trái) giới thiệu sản phẩm “Snack nấm” với lãnh đạo Tỉnh ủy tại “Ngày phụ nữ khởi nghiệp năm 2020” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức. |
Sau 3 năm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2025”, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã thực hiện đa dạng các hình thức, cách thức trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh đạt nhiều kết quả tích cực.
Nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
Sau khi triển khai thực hiện đề án, hiện nay, 8/8 Hội LHPN huyện, thị xã, thành phố đã được UBND huyện- thị- thành phố phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án.
Song song đó, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội tổ chức triển khai các hoạt động phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, tăng cường tính liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Duy trì và phát huy hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế bền vững, vận động phụ nữ tham gia các loại hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), khởi nghiệp và khởi sự doanh nghiệp. Đặc biệt là tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, các lớp tập huấn trang bị thêm kiến thức, định hướng ý tưởng kinh doanh và tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu sản phẩm.
Hàng năm, Hội LHPN tỉnh tổ chức thành công các Hội thi “Ý tưởng Phụ nữ khởi nghiệp”, kết quả trong 3 năm (2018 - 2020) đã có 65 ý tưởng tham gia vòng sơ khảo, có 17 ý tưởng được trình bày trước Hội đồng xét duyệt cấp tỉnh và chọn lọc được 12 ý tưởng xuất sắc nhất dự thi cấp Trung ương.
Trong 3 năm, hỗ trợ thành lập được 11 HTX, tính đến nay duy trì hoạt động 24 HTX với trên 450 thành viên, quản lý 125 tổ hợp tác, với trên 3.200 thành viên; 10 tổ liên kết với gần 170 thành viên.
Đồng thời, duy trì hoạt động 14 làng nghề với trên 2.800 lao động tham gia. Để thực hiện tốt đề án, các cấp hội còn tổ chức các hoạt động tham gia trưng bày sản phẩm, tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Đã có 43 lượt chị em phụ nữ tham gia trưng bày 33 lượt sản phẩm của các HTX, tổ hợp tác, thành viên của Hội Nữ doanh nhân tỉnh và doanh nghiệp nữ tại “Ngày hội việc làm, kết nối doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm hàng Việt” ở các tỉnh- thành.
Qua đó, đã hỗ trợ các chị em tiếp cận thị trường và một số hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được ký kết tạo điều kiện ổn định cho đầu ra của sản phẩm, góp phần hỗ trợ chị em khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp thành công.
Bên cạnh, Hội LHPN tỉnh thành lập và duy trì Hội Nữ doanh nhân tỉnh Vĩnh Long với 59 thành viên, đây là cơ sở để liên kết và tạo cơ hội cho các nữ doanh nghiệp phát triển, cân bằng và tiến bộ trong đời sống bản thân, kinh doanh và gia đình.
Tính riêng trong năm 2020, các cấp hội tổ chức được 902 cuộc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho gần 33.000 hội viên, phụ nữ về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Hỗ trợ 875 chị khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh bằng nhiều hình thức như hỗ trợ vốn để trồng trọt, chăn nuôi, mua bán, hỗ trợ cây con giống, khoa học kỹ thuật..., với tổng số tiền trên 12 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hội LHPN còn phối hợp với Sở Khoa học- Công nghệ hỗ trợ hội viên phụ nữ thành lập được 14 mô hình (trồng nấm bào ngư, trồng rau thủy canh và hệ thống tưới phun trên rau màu), với kinh phí trên 250 triệu đồng.
Bà Phan Kim Quyên- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh- cho biết: Hàng năm, Hội LHPN tỉnh đều xây dựng kế hoạch phát động phong trào thi đua hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Các mô hình khởi nghiệp đã tạo được việc làm ổn định cho chị em phụ nữ.
Chị em tham gia mô hình có điều kiện tiếp thu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng tay nghề và phát huy tính chủ động liên kết, tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau vươn lên làm giàu chính đáng.
Mạnh dạn khởi nghiệp để thành công
Công ty TNHH MTV Thực phẩm sạch An An (xã Mỹ Phước, Mang Thít) là một trong những doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng kỹ thuật cao. Chị Cao Thúy An- Giám đốc công ty- chọn ý tưởng khởi nghiệp sản xuất “Nấm khép kín”, hướng đi mới của doanh nghiệp trong tương lai để đầu tư, phát triển.
“Với mục đích cung cấp cho thị trường sản phẩm sạch, an toàn; đồng thời tạo việc làm và nâng cao mức sống cho người dân ở địa phương, cũng như hình thành thương hiệu nấm cho công ty nói riêng và cho tỉnh Vĩnh Long nói chung”- chị Cao Thúy An nói về mô hình khởi nghiệp của mình.
Giám đốc Cao Thúy An cho biết thêm, kênh phân phối sản phẩm tiềm năng mà công ty hướng đến bao gồm siêu thị, các nhà hàng, quán ăn dùng sản phẩm này như món khai vị; các khu du lịch, địa điểm du lịch. |
Hiện nay, Công ty TNHH MTV Thực phẩm sạch An An đã đưa dây chuyền sản xuất phôi nấm bào ngư vào hoạt động với công suất 5.000 bịch/ngày, đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng cho các hộ trồng nấm tại Vĩnh Long và các vùng lân cận.
“Sau khi nhập đầy đủ các nguyên liệu cần thiết về, tôi bắt đầu quy trình sản xuất phôi nấm bào ngư xám theo tiêu chuẩn VietGAP. Sau thời gian 60 ngày kể từ sau khi cấy meo, phôi bắt đầu cho ra nấm; nấm bào ngư xám được trồng và thu hoạch khép kín theo tiêu chuẩn VietGAP; sau đó được sơ chế và chiên chân không thành sản phẩm snack nấm bào ngư xám”- Giám đốc trẻ Cao Thúy An chia sẻ.
Hiện tại công ty xuất khoảng 100.000 bịch phôi giống nấm bào ngư xám mỗi tháng, 150kg nấm tươi mỗi ngày và 200 thùng snack nấm mỗi tháng; tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động tại chỗ và các trại vệ tinh trồng nấm cũng được hưởng lợi từ dự án này.
Các sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ được trưng bày, đến tay người tiêu dùng qua các hội chợ, kênh bán hàng online. |
Công ty đã xây dựng được hệ thống phân phối hàng tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận thông qua các lần hội chợ đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Sản phẩm snack nấm đạt danh hiệu sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực, là chứng nhận OCOP 4 sao. Bên cạnh, kế hoạch nâng cấp mẫu mã và đa dạng hóa hương vị sản phẩm là hướng nhắm đến của chị Cao Thúy An để tuân theo quy luật cạnh tranh.
Giám đốc Cao Thúy An cho biết thêm, mô hình mở ra một ngành nghề mới cho địa phương; vừa tăng lợi nhuận kinh tế cho gia đình vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời giới thiệu sản phẩm mới trên thị trường có chất lượng, uy tín và bình ổn được giá nấm, góp phần tăng giá trị của nấm bào ngư qua sản phẩm snack.
Theo bà Lê Thị Thúy Kiều- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế đạt được kết quả khá tốt, giúp được nhiều phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Kết quả đó cũng nhờ sự quan tâm của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, sự lãnh đạo tạo điều kiện thuận lợi của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự tham gia hỗ trợ tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động tạo việc làm, đảm bảo thu nhập ổn định cho lao động nữ và nhất là tinh thần dám nghĩ dám làm, quyết tâm vươn lên đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. |
Bài, ảnh: HẢI YẾN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin