Hệ lụy khi trẻ xem YouTube

09:10, 30/10/2020

Học theo trò treo cổ trên YouTube, một bé gái 5 tuổi ở quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) tử vong thương tâm đã ngay lập tức gây sốc đối với các bậc phụ huynh.

 

YouTube, truyền hình trở thành công cụ giải trí “quen thuộc” của trẻ.Ảnh minh họa
YouTube, truyền hình trở thành công cụ giải trí “quen thuộc” của trẻ.Ảnh minh họa

Học theo trò treo cổ trên YouTube, một bé gái 5 tuổi ở quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) tử vong thương tâm đã ngay lập tức gây sốc đối với các bậc phụ huynh.

Tử vong vì làm theo… YouTube

Theo đó, tài khoản N.NG. thuật lại sự việc cháu gái 5 tuổi của chị đã qua đời sau khi học theo trò chơi treo cổ tự tử trên YouTube. Sự việc xảy ra khi ba mẹ bé đi làm, bé ở nhà với ông bà ngoại. Chỉ 3 phút không để ý, bé dùng khăn voan treo vào thành giường tầng trong phòng ngủ và tự treo cổ mình. Khi gia đình phát hiện, bé đã bất tỉnh.

Thông tin được xác nhận từ Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, bé gái được đưa vào cấp cứu trong tình trạng ngưng thở, tim đập yếu, chết não sau 4 giờ đồng hồ cấp cứu. Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương- Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đã hôn mê sâu, tim đập rất yếu, đồng tử giãn, chứng tỏ đã ngưng thở rất lâu. Mặc dù được hồi sức tích cực, dùng thuốc vận mạch, trợ tim, thở máy nhưng bệnh nhi đã không qua khỏi.

Được biết, bình thường bé xem rất nhiều kênh khác nhau trên mạng Internet, trong đó có vài lần gia đình phát hiện bé xem những kênh có nội dung xấu, bạo lực. Gia đình khuyên bảo bé tắt và bé vâng lời làm theo.

Đoạn phim nào bé học theo vẫn chưa được gia đình công bố tuy nhiên ngoài sự cảnh giác của các bậc phụ huynh thì trách nhiệm của những người post và kiểm soát nội dung trên mạng xã hội cần phải xem xét.

Bởi đây không phải là lần đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận trường hợp trẻ (lớp 2) học theo trò trên mạng xã hội tự treo cổ gây hại đến bản thân. May mắn là bệnh nhi này đã được cứu sống kịp thời. Kể với người nhà, bệnh nhi hồn nhiên trả lời cháu hay xem những trò ma, ảo thuật trên YouTube. Trong đó có trò hướng dẫn cách thắt cổ, nhưng dù thắt cổ xong những nhân vật trên YouTube vẫn thở, vẫn sống được nên cháu làm theo.

Phụ huynh cần cảnh giác

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh- Trưởng Khoa Nhiễm- Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1- TP Hồ Chí Minh), hiện nay rất nhiều trẻ em mê xem nội dung trên các thiết bị điện tử. Đã có trẻ xem YouTube, truyền thông bắt chước bị tai nạn như trẻ tự thắt cổ gây nghẹt thở tử vong; trẻ hành động giống siêu nhân nhện mà trẻ đã xem. Trẻ đã đập tay thật mạnh vào kính làm tay bị đứt mạch máu…

Trẻ nhỏ khi xem những màn “ảo, giả” này sẽ không đủ hiểu biết đúng sai. Do đó, phụ huynh cần kiểm soát thông tin trẻ xem, cần giải thích cái gì là “giả”, chú ý và ngăn kịp thời khi trẻ có hành động bắt chước gây nguy hiểm cho trẻ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên các bậc phụ huynh nên tập cho bé hình thành thói quen sử dụng thiết bị di động, máy tính đúng từ nhỏ như nghe nhạc êm dịu, giao hưởng là tốt nhất kể cả khi mẹ mang thai. Cần cho trẻ hạn chế thời gian tiếp xúc màn hình một mình ít hơn 2 giờ/ngày (chơi game vi tính phải đủ ánh sáng và đủ lớn cũng không quá 2 tiếng một ngày và phải nghỉ 15 phút sau khi chơi 30- 45 phút). Không ti vi, điện thoại khi chưa đủ 2 tuổi vì xem sớm sẽ làm chậm nói và giảm tập trung.

Trẻ trên 2 tuổi, các bậc phụ huynh nên sắp xếp để tương tác đồng thời kiểm soát nội dung trẻ đang theo dõi cho phù hợp. Tùy theo sở thích của trẻ và mục tiêu phát triển mà các bậc phụ huynh mong đợi ở trẻ, các bậc phụ huynh sẽ lựa chọn, khuyến khích trẻ theo dõi những chương trình phù hợp với trẻ.

Các bậc phụ huynh cần học những kỹ năng dạy con tích cực, không sử dụng bạo lực với trẻ mỗi khi trẻ không nghe lời để đạt được hiệu quả dạy trẻ như mong muốn. Sắp xếp cho trẻ tham gia những hoạt động ngoài trời để tránh dư cân khi ngồi nhiều và giảm bớt thời gian tiếp xúc màn hình ở trẻ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyên các bậc cha mẹ nên chú ý đến con trẻ nhiều hơn, khi trẻ có biểu hiện hay chơi các trò lạ cần phải hỏi nguồn gốc từ đâu để kịp thời kiểm soát. Hãy một lần nghiêm túc kiểm tra những chương trình mà con cái vẫn thường xem, chọn lọc những chương trình phù hợp, khóa các chức năng truy cập các kênh YouTube của người lớn. Đồng thời, phân bổ thời lượng hợp lý để các bé không bị nghiện, phụ thuộc quá nhiều vào chiếc điện thoại, máy tính bảng, ti vi và có cơ hội học theo nội dung độc hại.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh