Đào tạo nghề nông thôn sẽ theo xu thế mới

05:10, 09/10/2020

Giai đoạn sau năm 2020, chính sách đối với công tác hỗ trợ đào tạo, cập nhật nghề nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT), các đối tượng LĐ yếu thế không nằm ngoài xu thế về tính thích ứng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu...

Giai đoạn sau năm 2020, chính sách đối với công tác hỗ trợ đào tạo, cập nhật nghề nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT), các đối tượng LĐ yếu thế không nằm ngoài xu thế về tính thích ứng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu...

Đào tạo ngành nghề phi nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao các năm qua. Trong ảnh: Khóa đào tạo nghề xây dựng dân dụng cho LĐNT bế giảng và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề.
Đào tạo ngành nghề phi nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao các năm qua. Trong ảnh: Khóa đào tạo nghề xây dựng dân dụng cho LĐNT bế giảng và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề.

Đây là một số đề xuất, kiến nghị mang tính dự báo trong giai đoạn tới, nêu trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Học nghề nông thôn và có việc làm, xuất khẩu LĐ

Giữa tháng 9/2020, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp Công ty TNHH Thương mại và Phát triển nhân lực Miền Tây chi nhánh Vĩnh Long và đơn vị liên quan đã khai giảng khóa đào tạo nghề điều dưỡng cho 20 học viên.

Khóa học cập nhật kiến thức chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi/người bệnh. Sau 3 tháng, học viên được cấp chứng chỉ và sẽ tham gia xuất cảnh làm việc tại Nhật Bản có thời hạn theo hợp đồng.

Đây là một trong các ngành nghề phi nông nghiệp thuộc đề án nhằm tạo nguồn xuất khẩu LĐ. Điều dưỡng là một trong số nghề mà Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng cao. Xứ sở hoa anh đào là thị trường chủ yếu của người LĐ tỉnh nhà đi làm việc theo hợp đồng các năm qua, chiếm hơn 86%.

Cũng thuộc đề án, sở chức năng phối hợp Trường ĐH Xây dựng Miền Tây và các đơn vị liên quan mới đây tổ chức khai giảng lớp đào tạo nghề nghiệp vụ lễ tân.

Học viên là 26 hộ dân đang kinh doanh khách sạn, cơ sở lưu trú ở địa bàn Long Hồ. Khóa học sẽ bổ sung kiến thức chuyên môn lĩnh vực khách sạn nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu khách hàng.

Trước đó, đơn vị chức năng và chính quyền sở tại cũng khai giảng lớp đào tạo nghề kỹ thuật pha chế đồ uống cho gần 30 LĐNT ở xã Bình Hòa Phước (Long Hồ) và cũng là khóa đầu tiên đào tạo nghề này theo đề án đào tạo nghề cho LĐNT.

Theo bà Liêu Kim Thủy- Giám đốc Công ty TNHH MTV Truyền thông đào tạo Cuộc sống mới, khóa học giúp học viên biết và pha chế thuần thục các loại thức uống, được trang bị cái nghề và tạo cơ hội việc làm...

Phụ trách giảng dạy, giảng viên Tạ Mai Lan- Trưởng Khoa Nhà hàng- khách sạn (Trường CĐ Nghề du lịch Cần Thơ) chia sẻ: Nhiều bạn trẻ tham gia lớp học và một khi nắm bắt được xu thế lĩnh vực dịch vụ, du lịch thì sẽ có cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt hơn.

Đào tạo nghề gắn với các xu thế hiện nay

Theo bà Huỳnh Thị Mỹ Hà- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, trong các giai đoạn tổ chức thực hiện đề án, các ngành liên quan đã hỗ trợ đào tạo các nghề phi nông nghiệp phục vụ chuyển dịch cơ cấu ngành nghề ở nông thôn, ngành nghề phục vụ xuất khẩu LĐ: cơ khí, xây dựng dân dụng, điện dân dụng, điện công nghiệp, điều dưỡng; ngành nghề lĩnh vực dịch vụ nhà hàng, khách sạn, du lịch...

Bên cạnh, ngành nghề nông nghiệp theo hướng chuyển giao công nghệ, kỹ thuật canh tác mới, sử dụng cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, cải tạo mô hình kinh tế hộ gia đình để tăng năng suất, chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho người dân nông thôn...

Trong 10 năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 100.000 LĐNT. Trên 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tham gia công tác đào tạo nghề LĐNT.

Qua rà soát có khoảng 70 nghề (36 nghề nông nghiệp, 34 nghề phi nông nghiệp) được người LĐNT đăng ký tham gia học. Chia từng giai đoạn, tỷ lệ LĐNT được đào tạo nghề và giải quyết việc làm đều đạt trên 80%.

Đặc biệt đã có hàng trăm lớp đào tạo nghề với hàng ngàn LĐNT ở các xã điểm nông thôn mới phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn sau năm 2020, trong các kiến nghị đề xuất, ngành chức năng đã nêu: Nhà nước cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cập nhật nghề nghiệp cho LĐNT, các đối tượng lao động yếu thế, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Có chính sách, quy định về hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho đối tượng quá tuổi LĐ nhằm tận dụng, phát huy lực lượng quá tuổi LĐ nhưng còn sức khỏe làm việc trong một số ngành nghề phù hợp.

Cùng các mục tiêu đào tạo nghề gắn giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới... công tác này giai đoạn tới không nằm ngoài xu thế của biến đổi khí hậu hay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Vì vậy, đào tạo nghề cho LĐNT cần hướng tới phục vụ chuyển đổi cơ cấu lao động, kinh tế, phát triển hiện đại hóa ngành nghề nông thôn, phục vụ cho thích ứng với biến đổi khí hậu...

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh