Xem giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững là một trong những nội dung trọng tâm, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; nhiệm kỳ 2015- 2020, với quyết tâm và sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 6,26% giảm còn 1,16% vào cuối năm nay.
Nhờ sự quan tâm hỗ trợ, nhiều hộ nghèo có được nhà mới kiên cố. |
Xem giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững là một trong những nội dung trọng tâm, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; nhiệm kỳ 2015- 2020, với quyết tâm và sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 6,26% giảm còn 1,16% vào cuối năm nay.
Từ đó, đời sống người dân từng bước được nâng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển.
Niềm vui khi thoát nghèo
Vốn là hộ nghèo nhiều năm liền, đời sống của gia đình chị Nguyễn Thị Hồng (xã Phú Quới- Long Hồ) giờ đây đã thay đổi rất nhiều. Chị cho biết, vợ chồng chị bắt đầu từ đôi bàn tay trắng.
Chồng làm thợ hồ, còn chị làm đủ việc để có tiền nuôi 2 con ăn học. Năm 2017, được sự trợ giúp của chính quyền địa phương, gia đình chị xây được căn nhà kiên cố. Sau đó chị còn được giới thiệu việc làm, có thêm thu nhập. Đầu năm nay, gia đình chị đã thoát nghèo. Chị nói: “Nhờ sự quan tâm của địa phương mà gia đình tui có nơi ở ổn định. Giờ vợ chồng tui chỉ còn lo làm ăn để nuôi con học hành”.
Chị Hồng vui mừng bên ngôi nhà mới. |
Cũng là một trong những hộ mới thoát nghèo, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Canh (xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn) thấm cái nghĩa tình mà cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà.
Hoàn cảnh khó khăn, chị Canh lại bị bệnh nên mọi chi tiêu chỉ trông chờ vào con trai đi làm công nhân. Trong căn nhà mới, chị Canh xúc động bày tỏ: “Thật đáng quý khi những người nghèo nhận được sự hỗ trợ này. Đây chính là động lực để gia đình tui cố gắng vươn lên”.
Đến ấp Phù Ly 1 (xã Đông Bình- TX Bình Minh), chúng tôi bất ngờ trước những đổi thay trong đời sống hàng ngày của đồng bào Khmer. Từ khi được hỗ trợ cất nhà, được vay vốn ưu đãi, nhiều gia đình đã đầu tư phát triển sản xuất, thoát cảnh nghèo túng, cuộc sống ngày càng sung túc hơn.
Điển hình như gia đình ông Kim Mực, trước đây là hộ nghèo phải mướn đất trồng mía, khoai mì, mướp… để kiếm sống. Năm 2018, gia đình ông được hỗ trợ 40 triệu đồng cất nhà. Có nơi ở ổn định, vợ ông mở tiệm bán nước mía. Sau đó gia đình ông lại được địa phương hỗ trợ bò, dê để chăn nuôi... Nhờ sự quan tâm ấy cùng với sự cần cù, chịu khó làm ăn mà gia đình ông đã thoát nghèo.
Còn ông Sơn Xâm (ấp Phù Ly 1) cũng không khỏi vui mừng vì “cuộc sống đã cải thiện rất nhiều”. Mấy năm trước gia đình ông cũng được hỗ trợ kinh phí xây nhà, cho vay vốn làm ăn. Ông liền trồng đậu bắp, cải ngọt, rau muống cho thu nhập đều đều. Dưới ao thả cá trê, ông trồng thêm bông súng. Còn con bò đã sinh thêm 2 nghé con… Ông Xâm cười tươi: “Cứ đà này thì gia đình tui khấm khá mấy hồi”.
Đồng chí Vi ti va lay- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Phù Ly 1- cho biết: “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer ngày càng cải thiện hơn. Tính đến cuối năm nay, cả ấp chỉ còn 4 hộ nghèo, 20 hộ cận nghèo”.
Trong 5 năm, đã đào tạo nghề cho trên 163.430 lao động, đạt 108,9% chỉ tiêu chương trình, góp phần nâng tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật lên 75%. Giải quyết việc làm cho hơn 126.600 lao động, đạt 133,26% kế hoạch, trong đó đưa đi lao động nước ngoài làm việc trên 6.630 lao động, đạt 187,9% kế hoạch. |
Nhiều giải pháp thiết thực
Chương trình giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội quan tâm tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện hiệu quả.
Trong đó, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm được chú trọng, đóng góp lớn trong việc thực hiện công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kết hợp với giải quyết việc làm cho người lao động của tỉnh.
Đặc biệt, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn được quan tâm góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, giảm nghèo, mang ngoại tệ về cho đất nước. Theo đó, số người đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài hàng năm đều tăng, từ 714 lao động vào năm 2016 đến cuối năm 2019 là 1.700 lao động, tăng 240%.
Ở xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn), thời gian qua, công tác dạy nghề, tạo việc làm, giảm nghèo mang lại hiệu quả thiết thực. Theo Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Xuân- Lê Văn Được, 5 năm qua, địa phương có trên 4.640 lao động được giới thiệu việc làm; nhiều hộ dân được hỗ trợ vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tổng vốn vay ủy thác trên 24 tỷ đồng…
Đặc biệt, có trên 160 lao động làm việc ở nước ngoài, nguồn thu ước đạt 87 tỷ đồng, góp phần không nhỏ trong việc cải thiện đời sống.
Mấy năm nay, cũng nhờ số vốn tích lũy sau khi xuất khẩu lao động của 2 con mà gia đình ông Nguyễn Văn Tám (xã Vĩnh Xuân) khá giả hơn, xây dựng được cơ sở sản xuất nước sạch. Ông Tám phấn khởi nói: 2 con trai đi lao động ở Hàn Quốc và Nhật Bản, về góp vốn mở cơ sở này hơn 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các chương trình, dự án huy động hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo mang tính nhân văn sâu sắc, được toàn xã hội đồng tình ủng hộ, tiếp sức cho các hộ nghèo có điều kiện cải thiện sinh kế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đồng thời, việc sử dụng, phân bổ vốn vay kịp thời, đúng đối tượng, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người nghèo, người dân tộc ít người, góp phần cải thiện cuộc sống của người nghèo, cận nghèo và các đối tượng
chính sách.
Từ năm 2018 đến nay, đã có hơn 30 dự án, mô hình đa dạng hóa sinh kế được triển khai với hơn 580 hộ cùng các mô hình tiêu biểu: nuôi bò cái sinh sản, nuôi dê, nuôi gà bằng đệm lót sinh học, trồng nấm bào ngư, nuôi vịt an toàn sinh học… với tổng kinh phí trên 6,3 tỷ đồng.
Sau khi được hỗ trợ cất mới căn nhà, cấp bàn xe lõi lác, được tham gia tổ hợp tác, gia đình ông Nguyễn Văn Hòa (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm) còn được hỗ trợ vốn chăn nuôi bò để ổn định kinh tế, khi mà vợ chồng ông đều đã quá tuổi lao động. Ông Hòa cho biết: “Nhà nước hỗ trợ như thế rồi thì mình phải quyết tâm làm để vượt
lên chứ”.
Nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo kết hợp với thực hiện công tác xã hội hóa cũng góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Tiêu biểu như: hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer từ nguồn kinh phí của Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long với tổng số trên 61,9 tỷ đồng; hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi bò từ nguồn quỹ Vì người nghèo của tỉnh với tổng số 6,8 tỷ đồng…
Với sự trợ giúp của Đảng, Nhà nước cùng tinh thần vượt khó, ông Kim Mực giờ đã thoát nghèo. |
Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Phan Hồng Hạnh cho biết: Để thực hiện công tác giảm nghèo, cần phải có giải pháp căn cơ, lâu dài để tạo sinh kế, nâng cao mức sống cho nhân dân, có như thế mới giúp nhân dân thoát nghèo, vươn lên khá giàu. Và thông qua các giải pháp, chương trình, dự án hỗ trợ thiết thực ấy đã khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo.
Qua đó, đời sống của nhân dân, nhất là ở các xã nghèo từng bước được nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo và trở thành hộ khá, giàu, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trên địa bàn, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh.
Những kết quả trên đã minh chứng được công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh đã và đang đi đúng hướng, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và của chính người nghèo, người lao động.
Đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới trên 7.000 nhà ở cho hộ nghèo. Thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng 1,75 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 1,02%. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,76% và ước năm 2020 là 1,16%. |
Bài, ảnh: CẨM HUỆ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin