Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Bình Tân (Ngân hàng CSXH chi nhánh Vĩnh Long) đã thực hiện tốt các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Đàn bò Pháp từ nguồn vốn vay ưu đãi của anh Lâm (người đội nón) đem lại nguồn thu lớn cho gia đình. |
Thời gian qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Bình Tân (Ngân hàng CSXH chi nhánh Vĩnh Long) đã thực hiện tốt các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Hiệu quả từ đồng vốn vay
Trên con đường đan quanh co thuộc xã Tân An Thạnh (Bình Tân), chúng tôi theo chân cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đến thăm gia đình anh Nguyễn Hữu Lâm ở ấp An Thành. Đây là gia đình thuộc hộ nghèo đang vươn lên ổn định cuộc sống từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH.
Cuộc sống bây giờ đã “dễ thở” hơn rồi!- anh Lâm mở đầu câu chuyện với nụ cười thật tươi. Anh kể, gia đình anh trước đây khó khăn lắm. Không có đất sản xuất, ngôi nhà lá trống trước dột sau. Nguồn thu nhập chính là đi cuốc khoai. Chuyện lo cho cái ăn, cái mặc hàng ngày đã khó lại càng khó hơn khi phải lo cho 4 đứa con đi học.
Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi mà nhiều hộ gia đình đã có nhà ở kiên cố. |
Năm 2014, anh Lâm vay vốn hộ nghèo của Ngân hàng CSXH và được xét cho vay 45 triệu đồng, với lãi suất ưu đãi. Nhờ số tiền này, anh đã xây được căn nhà tường cấp 4 và chăn nuôi bò nên cuộc sống hiện tại tương đối ổn định.
Anh Lâm vui vẻ cho biết: “Nhờ có vốn vay, tui đã mua 2 con bò Pháp. Lứa đầu, tui giữ lại nhân giống, lứa thứ 2 được 5 tháng tuổi tui bán được 45 triệu đồng. Trong chuồng còn 2 con bò đang chửa nên vài tháng tới tui lại có thêm một khoản tiền từ bán bò để cho các con đi học và trang trải cuộc sống”.
Chia tay gia đình anh Lâm trong niềm vui “không còn khó khăn như trước”, chúng tôi đến tham quan mô hình trồng cây ăn trái và chăn nuôi của anh Phạm Chí Thiện (ấp Thành Tiến- xã Thành Lợi). Trước đây, gia đình Lâm có 2 công vườn trồng cam, dù chí thú làm ăn nhưng thiếu vốn để đầu tư, cải tạo nên thu nhập từ vườn không là bao.
Và cuộc sống khó khăn cũng là điều không tránh khỏi. Năm 2018, nhờ có được nguồn vốn vay từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bình Tân, anh đã mạnh dạn tính toán “làm ăn lớn”. Anh bắt tay cải tạo lại vườn, mua cây giống mít Thái siêu sớm về trồng xen với cam.
Những vụ đầu, giá mít không chỉ trúng mùa, mà còn trúng giá (từ 25.000- 45.000 đ/kg), anh đã dành dụm tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi heo. “Nhờ thế, cuộc sống gia đình tôi không khó khăn như trước nữa”- anh Thiện phấn khởi khoe.
Cải cách để người dân dễ tiếp cận vốn
Mô hình xem canh mít Thát siêu sớm của anh Thiện đang cho trái, hứa hẹn vụ mùa bội thu. |
Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Bình Tân đã quan tâm bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để vay vốn hỗ trợ việc làm.
Việc bình xét đối tượng vay vốn được chính quyền cấp cơ sở quan tâm và thực hiện đảm bảo đúng đối tượng, công khai và dân chủ, tạo điều kiện thuận cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận các chương trình tín dụng CSXH.
Các đoàn thể nhận ủy thác đã phối hợp với cơ quan khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp... cho các hộ vay vốn.
Chính những điều kiện thuận lợi này đã giúp cho hoạt động tín dụng của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bình Tân đạt các mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, để tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã mở 10 điểm giao dịch tại 10 UBND xã- thị trấn trong toàn huyện để tạo điều kiện cho thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho người dân tiếp cận vốn vay, trả vốn cũng như trả lãi.
Mỗi xã cũng thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn được sắp xếp theo địa bàn dân cư, tổ chức và hoạt động theo quy định nhờ đó tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại của người dân khi đến giao dịch với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện.
Chị Phạm Kim Thành- Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn ấp Thành Tiến (xã Thành Lợi) cho biết: “Bây giờ giao dịch với Ngân hàng CSXH rất dễ dàng, cứ vào ngày 6 hàng tháng, điểm giao dịch tại xã Thành Lợi hoạt động, người dân nhận tiền vay vốn hoặc trả vốn đến điểm giao dịch tại xã, còn thực hiện hồ sơ vay vốn và trả lãi vay thì tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn sẽ đến tận nhà để giao dịch. Người dân không phải tốn thời gian đi lại”.
Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bình Tân Nguyễn Hữu Mễ cho biết: “Ưu điểm vay vốn từ Ngân hàng CSXH là lãi suất thấp, việc trả nợ theo phân kỳ, gởi tiết kiệm hàng tháng, do đó người dân vay vốn yên tâm phát triển trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả tốt nhất, giúp họ thoát nghèo bền vững”.
Trước những cải cách hành chính hiệu quả trên, từ năm 2014 đến tháng 6/2019, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bình Tân đã giải ngân trên 500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần giúp cho gần 827 hộ vượt ngưỡng nghèo, giải quyết cho gần 986 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, hơn 980 lao động được tạo việc làm, hơn 40 lao động được đi làm việc ở nước ngoài, có 7.184 hộ xây dựng công trình nước sạch và nhà vệ sinh, xây dựng 579 căn nhà cho hộ nghèo và 1.450 căn nhà ở cho các hộ sống trong vùng lũ, vùng thường xuyên sạt lở…
Có thể nói, chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH đã tạo điều kiện cho hộ vay chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả đã giúp cho nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Bài, ảnh: TẤN TÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin