GS.VS Trần Đại Nghĩa- Suốt đời vì đại nghĩa

08:08, 26/08/2020

Chiến tranh giải phóng dân tộc đã lùi xa hơn 45 năm, nhưng mỗi khi nhắc đến Giáo sư, Viện sĩ (GS. VS) Trần Đại Nghĩa, trong lòng mỗi người dân Việt Nam nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng đều bày tỏ lòng thành kính, ngưỡng mộ về tấm gương hiếu học, về người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhân cách lớn và là nhà khoa học vĩ đại của đất nước Việt Nam.

 

Mô hình các loại vũ khí do GS.VS Trần Đại Nghĩa cải tiến, chế tạo trong chiến tranh được trưng bày tại khu lưu niệm.
Mô hình các loại vũ khí do GS.VS Trần Đại Nghĩa cải tiến, chế tạo trong chiến tranh được trưng bày tại khu lưu niệm.

Chiến tranh giải phóng dân tộc đã lùi xa hơn 45 năm, nhưng mỗi khi nhắc đến Giáo sư, Viện sĩ (GS. VS) Trần Đại Nghĩa, trong lòng mỗi người dân Việt Nam nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng đều bày tỏ lòng thành kính, ngưỡng mộ về tấm gương hiếu học, về người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nhân cách lớn và là nhà khoa học vĩ đại của đất nước Việt Nam.

Tự hào được Bác Hồ đặt tên

Vào một ngày mùa thu tháng 8/2020, chúng tôi về thăm Khu lưu niệm GS. VS Trần Đại Nghĩa tại ấp Mỹ Phú 1 (xã Tường Lộc- Tam Bình) đúng lúc các anh chị nhân viên khu lưu niệm đang khẩn trương vệ sinh khuôn viên chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 23 năm ngày mất của GS.VS Trần Đại Nghĩa.

Vừa cắt tỉa, tạo tán lại các cây kiểng trưng bày trước nhà tưởng niệm, mồ hôi còn nhễ nhại trên mặt, song anh Tân- nhân viên Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa vẫn niềm nở tiếp chuyện chúng tôi: “Năm nào cũng vậy, sắp tới ngày sinh, ngày mất bác Trần Đại Nghĩa, hoặc đón mừng xuân mới, anh em chúng tôi đều cắt nhánh, tỉa cành, tạo dáng lại các cây mai, cây kiểng, để chúng kịp ra hoa, tạo không khí lễ hội thêm phần trang trọng, không gian của khuôn viên thêm tươi đẹp”.

Sau khi dạo quanh khuôn viên, thưởng lãm nhiều loài hoa đang khoe sắc, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Tuyết Lam- thuyết minh viên khu lưu niệm hướng dẫn vào thắp hương GS.VS Trần Đại Nghĩa. Đứng bên tượng GS. VS Trần Đại Nghĩa được đúc bằng đồng do Công ty Mỹ thuật Trung ương tạo tác, phía sau là bức tranh sơn mài mô phỏng cuộc trò chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với GS.VS Trần Đại Nghĩa ngày 11/4/1960, chị Nguyễn Thị Tuyết Lam cho biết khu lưu niệm hiện trưng bày hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật về GS.VS Trần Đại Nghĩa, chia thành 6 chủ đề: Quê hương, gia đình và thời niên thiếu; gia đình, người thân, đồng chí và đồng đội; Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm GS.VS Trần Đại Nghĩa; Trần Đại Nghĩa với quê hương Vĩnh Long; GS. VS Trần Đại Nghĩa- Người đặt nền móng cho khoa học công nghệ Việt Nam và GS. VS Trần Đại Nghĩa- nhà khoa học lớn của cách mạng Việt Nam.

Đến không gian trưng bày các loại vũ khí, chị Tuyết Lam cho biết: “GS. VS Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, thuở nhỏ có tư chất thông minh, ham học hỏi. Với nỗ lực vượt bậc, ông thi đỗ cả 2 bằng tú tài bản xứ và Tú tài Tây.

Được sự giúp đỡ của nhà báo Vương Quang Ngươu- một Việt kiều từ Pháp về, Phạm Quang Lễ được cấp học bổng một năm ở Pháp. Trong thời gian 11 năm học tập trên đất Pháp, ông đã vượt lên nhiều trở ngại về ngôn ngữ, văn hóa… để tốt nghiệp 4 ngành ĐH. Đồng thời, ông cũng cần mẫn tìm tòi, nghiên cứu để có 30.000 trang tài liệu quý về vũ khí, trong đó có nhiều tài liệu được xem là “tối mật” của Pháp”.

Năm 1946, nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phạm Quang Lễ từ bỏ mọi điều kiện thuận lợi nơi đất Pháp theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước tham gia chống Pháp.

Ngày 5/12/1946, tại Bắc Bộ phủ, đúng 2 tuần trước ngày cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Bác Hồ trực tiếp giao Phạm Quang Lễ làm Cục trưởng Cục Quân giới và đặt tên mới cho ông là Trần Đại Nghĩa, vừa khẳng định công việc của Phạm Quang Lễ làm vì nghĩa lớn, cũng vừa nhằm mục đích giữ bí mật cho ông và bảo vệ gia đình, bà con ông còn ở trong miền Nam.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đứng trước tình hình thiếu thốn vật chất- nhất là vũ khí đánh giặc, GS. VS Trần Đại Nghĩa cùng các cộng sự đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều loại vũ khí. Sau thời gian ngắn, ông đã chế tạo thành công súng Bazoka và lập tức bắn cháy 2 xe tăng của Pháp, làm chúng vô cùng sửng sốt và trở thành mốc son của ngành quân giới Việt Nam.

Từ thành công của súng Bazoka, đồng chí Trần Đại Nghĩa tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo thành công súng SKZ- đây là loại vũ khí không giật, nổi tiếng trong giới quân sự thế giới, phù hợp và thuận tiện đối với chiến trường Việt Nam làm thực dân Pháp vô cùng hoảng sợ.

Bên cạnh đó, GS. VS Trần Đại Nghĩa còn cải tiến, chế tạo các loại đạn bay, tên lửa đánh phá mục tiêu cách xa 4km, rà phá các loại bom, mìn, thủy lôi, B52 của Mỹ, làm kẻ thù nhiều phen thất bại. Những đóng góp to lớn của ông cùng các cộng sự, đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của quân đội ta, đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, góp phần vào công cuộc giải phóng đất nước, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Nhân cách lớn, tấm gương sáng ngời

Trong quá trình hoạt động cách mạng, GS. VS Trần Đại Nghĩa được Đảng, Nhà nước giao nhiều chức vụ quan trọng: Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục Pháo binh kiêm Cục trưởng Cục Quân giới, Thứ trưởng Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp kiêm Hiệu trưởng Trường ĐH chuyên nghiệp Bách khoa (nay là ĐH Bách khoa Hà Nội), Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam…

“Suốt đời làm việc vì đại nghĩa, không biết mệt mỏi, dù ở cương vị nào, là Cục trưởng Cục Quân giới đầu tiên hay Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Việt Nam, ở những trọng trách khác trong các ngành kinh tế, khoa học, anh đều hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, đã có những cống hiến xứng đáng đối với quân đội, đối với dân tộc”- đó là những nhận xét trân trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời đối với GS. VS Trần Đại Nghĩa.

Đồng thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng thể hiện niềm tiếc thương vô hạn khi GS. VS Trần Đại Nghĩa tạ thế: “Anh ra đi để lại một tấm gương sáng của một nhà trí thức tiêu biểu, mẫu mực và đức độ: liêm khiết, công tâm, về tài năng: thông minh và sáng tạo, ăn ở đoàn kết, thủy chung, có thể nói là không phụ lòng Bác Hồ đã đưa anh
về nước”.

Sau ngày GS. VS Trần Đại Nghĩa đi vào cõi vĩnh hằng, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông vào năm 2013, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Vĩnh Long phối hợp Bộ Khoa học- Công nghệ khởi công xây dựng Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa tại ấp Mỹ Phú 1, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình.

Đây là một công trình lịch sử, văn hóa ý nghĩa, là nơi ghi nhớ công lao to lớn của GS.VS Trần Đại Nghĩa đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vừa thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, vừa giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau về tinh thần vượt khó, học giỏi, sáng tạo, giàu nghị lực, hết lòng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân của GS.VS Trần Đại Nghĩa.

Từ khi khánh thành vào năm 2015 đến nay, hàng năm khu lưu niệm đón hàng chục ngàn lượt du khách và nhân dân đến viếng, tham quan. Đến năm 2017, Khu lưu niệm GS. VS Trần Đại Nghĩa được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của khu vực.

GS.VS Trần Đại Nghĩa là tấm gương tiêu biểu, sáng ngời cho thế hệ trẻ noi theo.
GS.VS Trần Đại Nghĩa là tấm gương tiêu biểu, sáng ngời cho thế hệ trẻ noi theo.

Đến và tham quan Khu lưu niệm GS. VS Trần Đại Nghĩa, cô Lê Thị Hồng Luyến- Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường Mầm non Hoa Lan (xã Tân Phú- Tam Bình) rất đỗi tự hào khi quê hương Tam Bình sinh ra người con ưu tú Trần Đại Nghĩa và vô cùng cảm kích trước những đóng góp lớn lao của GS. VS Trần Đại Nghĩa cho đất nước, quê hương.

Khâm phục trước tài năng, trí tuệ và những đóng góp to lớn của GS. VS Trần Đại Nghĩa đối với đất nước, bà Văn Thị Bạch Tuyết- Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị TP Hồ Chí Minh thể hiện quyết tâm: “Chúng tôi nguyện hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tiếp tục giữ vững và phát huy những thành quả tốt đẹp mà các thế hệ cha anh đi trước đã để lại, trong đó có GS.VS Trần Đại Nghĩa”.

Đối với thế hệ trẻ, GS. VS Trần Đại Nghĩa là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực trong học tập, sáng tạo trong công tác, lao động và cống hiến cho đất nước. Noi gương GS. VS Trần Đại Nghĩa, chị Nguyễn Thị Thanh Trúc- thay mặt Đoàn Thanh niên Trường CĐ Nghề số 9 và Đoàn Thanh niên Phường 9 (TP Vĩnh Long) hứa “cố gắng học tập, làm việc theo tấm gương của GS. VS, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, góp phần cho quê hương, đất nước phát triển, phồn vinh”.

Tên của GS.VS Trần Đại Nghĩa còn được đặt cho nhiều con đường lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Nhiều trường trong cả nước cũng mang tên GS. VS Trần Đại Nghĩa. Tại Vĩnh Long, tên của GS.VS Trần Đại Nghĩa cũng được đặt cho con đường lớn ở TP Vĩnh Long, các trường trên quê hương Tam Bình.

 

 

Bài, ảnh: MINH TRIẾT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh