Một đời bất khuất kiên trung

06:07, 26/07/2020

Nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2020), năm nay, Vĩnh Long tổ chức đưa 9 mẹ Việt Nam anh hùng dự họp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc tại Hà Nội. Đó là niềm vinh dự, tự hào, ghi ơn đối với mất mát hy sinh và cống hiến của các mẹ dành cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

 

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sáng vẫn còn minh mẫn ngồi với cháu chắt, kể lại chuyện kháng chiến xưa.
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sáng vẫn còn minh mẫn ngồi với cháu chắt, kể lại chuyện kháng chiến xưa.

Nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2020), năm nay, Vĩnh Long tổ chức đưa 9 mẹ Việt Nam anh hùng dự họp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc tại Hà Nội. Đó là niềm vinh dự, tự hào, ghi ơn đối với mất mát hy sinh và cống hiến của các mẹ dành cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Các mẹ Việt Nam anh hùng năm nay đã nhiều tuổi, đã cùng chồng, với con, cùng cách mạng dâng cuộc đời mình qua các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

Dẫu đôi lúc có chỗ nhớ chỗ quên, nhưng những câu chuyện mẹ kể về thời làm giao liên, nuôi chứa cán bộ, gồng gánh nuôi con vượt qua bom đạn... đã luôn là sự hào hùng.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sáng (ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) năm nay đã 91 tuổi. Trăm tuổi già, mẹ vẫn minh mẫn, tự tay làm các việc lặt vặt trong nhà khi người con gái út mỗi sáng phải đi buôn bán ngoài chợ xã.

Mẹ Sáng kể tham gia cách mạng khi vừa qua 20 tuổi, lúc mẹ lập gia đình rồi về sống ở xứ này. Làm giao liên, lính “dìa” thì mẹ “coi chừng” đường, canh lính.

Nhanh nhẹn tinh tường, mẹ giấu cuốc leng, lựu đạn, thuốc nổ... cho cán bộ của mình hoạt động. Mẹ tham gia làm thủy lợi, đắp mặt cản ngoài Ruột Ngựa để ngăn tàu bè đừng vô.

Có lúc, máy bay về quần, mẹ ôm người con thứ tư lội qua sông, lòng van vái cho máy bay đừng quay lại. May là nó không quay lại, chứ con còn nhỏ đâu có biết lội...

Mẹ sinh được 5 người con, 3 trai 2 gái, lúc người con gái út hơn 6 tháng tuổi thì chồng của mẹ hy sinh. Vậy là mẹ một nách nuôi con và hoạt động.

“Chèn ơi, khổ lắm! Con cái lút chút lít chít, mẹ làm mướn làm thuê lo miếng ăn tấm áo cho con...”. Mẹ kể lúc người con thứ ba đi hoạt động cách mạng.

Người ta đồn mẹ chỉ con mình bắt một ông hoạt động bên kia, mẹ bị lính bắt, đi tù với 3 người nữa. Lính đánh mẹ, bắt khai nhưng mẹ quyết không khai. “Tui không có tội, lấy gì khai chứ”- mẹ dõng dạc lại.

Chồng của mẹ Sáng- liệt sĩ Bùi Văn Dưỡng- hy sinh năm 1962. Những năm mẹ tham gia kháng chiến là chừng ấy năm mẹ gian lao, chồng hy sinh nên mẹ một tay cáng đáng gia đình.

Tham gia cách mạng đến năm 1975, khi sắp giải phóng, người con thứ ba của mẹ là Bùi Văn Giỏi lại hy sinh. Mẹ khóc như cạn nước mắt. Sau hòa bình lập lại, những người em của liệt sĩ Bùi Văn Giỏi đều tham gia làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia.

Đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 20/6/2014, mẹ Nguyễn Thị Sáng được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Cô Bùi Thị Cúc là người con út của mẹ Sáng hiện sống với mẹ. Cô Cúc kể, lúc được tặng danh hiệu, mẹ xúc động nhớ chồng nhớ con mà không nói nên lời. Mẹ khóc. Đó là giọt nước mắt tự hào dù đã mấy chục năm hòa bình thống nhất.

Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Ngượt sống vui vầy cùng với con cháu hôm nay.
Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Ngượt sống vui vầy cùng với con cháu hôm nay.

Chúng tôi về thăm mẹ Đặng Thị Ngượt (86 tuổi ở Khóm 3, thị trấn Cái Nhum-Mang Thít) vào một chiều tháng 7. Mẹ Ngượt đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” do đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mẹ bắt đầu câu chuyện với cán bộ xã, với chúng tôi như con cháu trong nhà: “Ôi dài dữ lắm bây ơi, nhớ không hết và kể không hết đâu”.

Mẹ Ngượt kể đi giao liên năm 15-16 tuổi, ở thị trấn Vũng Liêm, qua Nàng Âm. Mẹ với mấy chị em hoạt động giả đi mua cau dày, leo tuốt trên ngọn cây, về báo lại đơn vị. Mẹ kể chồng tham gia kháng chiến hồi chưa cưới mẹ.

Sau này, trong một lần đánh đồn, xong rồi tính êm, ổng vô gom súng. Đồng đội nói coi đối phương còn sống không, quay qua quay lại ổng bị 2 trái lựu đạn làm gãy cả 2 tay. Đồng đội chắp vết thương bằng 2 cây đòn vông, đưa đi được một đoạn thì ổng mất, khi đó khoảng năm 1972.

Tham gia cách mạng, người con thứ ba Nguyễn Văn Nghiệp đi du kích. Mẹ nhớ khi Mỹ vừa rút, khi chỉ còn tính ngày nữa là giải phóng, thì nó hy sinh ở Quang Trạch (Vũng Liêm).

Sau khi hòa bình lập lại, khoảng năm 1978, người con thứ tư của mẹ Ngượt là Nguyễn Văn Đủ tình nguyện tham gia làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia, ở Đoàn 9901, và cũng hy sinh.

Giờ mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Ngượt sống vui khỏe cùng với cháu con. Dẫu lúc nhớ lúc quên nhưng mỗi lần mẹ kể lại chuyện kháng chiến khi đoàn thể đến thăm hay với con cháu mình thì luôn hiện hữu niềm tự hào, xúc động.

Và dẫu đã lớn tuổi nhưng giọng nói của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sáng vẫn còn sang sảng, như chính sự hào sảng, can đảm của mẹ ngày xưa.

Với mỗi bà mẹ Việt Nam anh hùng, có thể nói là mỗi câu chuyện kể sinh động về sự hy sinh của chồng, của con, của cách mạng, của các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc... Đó là bài học kiên trung bất khuất mà các mẹ đã trui rèn cho mình. Đó cũng là bài học quý báu mà các mẹ dành cho con cháu đời sau.

Tham dự họp mặt đại biểu bà mẹ Việt Nam anh hùng toàn quốc tại Hà Nội năm 2020, đó là các mẹ: Đặng Thị Ngượt (86 tuổi, thị trấn Cái Nhum- Mang Thít), Trần Thị Kiều (84 tuổi, xã Hiếu Thuận- Vũng Liêm), Nguyễn Thị Kim (83 tuổi, xã Quới An- Vũng Liêm), Nguyễn Thị Sáng (91 tuổi, xã Trung Hiệp-Vũng Liêm), Nguyễn Ngọc Điệp (78 tuổi, xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân), Nguyễn Thị Dân (81 tuổi, xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn), Trần Thị Tư Biên (81 tuổi, xã Thuận Thới- Trà Ôn), Lê Thị Nhạn (85 tuổi, xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh), Nguyễn Thị Ở (83 tuổi, xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình).

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh