Vì sự an toàn cho trẻ em gái

01:07, 03/07/2020

Thực hiện chủ đề năm 2020 của Hội LHPN Việt Nam "An toàn cho phụ nữ và trẻ em", Hội LHPN TP Vĩnh Long triển khai thực hiện mô hình "Đỡ đầu trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt". Đây là mô hình có ý nghĩa thiết thực trong xã hội, góp phần bảo vệ an toàn cho trẻ em gái có nguy cơ cao.

 

Thực hiện chủ đề năm 2020 của Hội LHPN Việt Nam “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN TP Vĩnh Long triển khai thực hiện mô hình “Đỡ đầu trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt”. Đây là mô hình có ý nghĩa thiết thực trong xã hội, góp phần bảo vệ an toàn cho trẻ em gái có nguy cơ cao.

Cán bộ hội thăm hỏi, tặng quà cho các em.
Cán bộ hội thăm hỏi, tặng quà cho các em.

Mô hình này nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm mua bán người và việc người chưa thành niên vi phạm pháp luật và vấn nạn bạo lực gia đình.

Theo đó, yêu cầu của mô hình là chọn đúng đối tượng cần trợ giúp, hoạt động trợ giúp phải thật sự đúng nhu cầu, định kỳ và thường xuyên liên tục.

Đối tượng được trợ giúp là trẻ em mồ côi, trẻ em có cha mẹ đi làm ăn xa sống với người thân, trẻ em ít được sự quan tâm chăm sóc của gia đình, trẻ em nghèo, trẻ em bị xâm hại, ngược đãi,… đang sinh sống trên địa bàn TP Vĩnh Long. Hội phụ nữ cơ sở chủ động phối hợp với Ban nhân dân khóm, tổ tự quản và chi hội phụ nữ rà soát lựa chọn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chọn ra những em có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của việc bị xâm hại, ngược đãi để nhận đỡ đầu.

Đồng thời, Hội LHPN phối hợp các ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền ý nghĩa của việc đỡ đầu, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa, tầm quan trọng của cha mẹ trong việc chăm sóc và phát triển trẻ em. Yêu cầu là mỗi hội cơ sở nhận đỡ đầu ít nhất 1 trẻ em, sau đó nhân rộng ra mỗi khóm đỡ đầu ít nhất 1 trẻ em gái có nguy cơ cao trong thời gian tới.

Theo Hội LHPN TP Vĩnh Long, sau khi chọn xong đối tượng, các hội cơ sở tiến hành làm bảng đăng ký thực hiện mô hình đồng thời báo cáo cấp ủy, chính quyền đơn vị và xin xác nhận.

Giao cho chi hội trưởng, tổ trưởng hoặc hội viên nòng cốt nơi có trẻ em được đỡ đầu, thường xuyên theo dõi, hỗ trợ kịp thời, hạn chế thấp nhất việc xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn. Định kỳ mỗi tháng hội cơ sở có 1 buổi đến tận nhà thăm hỏi, động viên, tặng tiền, quà, tuyên truyền cho trẻ em và người thân kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại, động viên, giáo dục các em ý thức tự bảo vệ bản thân và hỗ trợ kịp thời nạn nhân bị ngược đãi và xâm hại.

Kết quả, sau khi triển khai thực hiện khoảng 2 tháng, đến nay, qua rà soát đối tượng và điều kiện thuận lợi, 11 phường đã nhận đỡ đầu 21 trẻ em gái. Cụ thể là đến thăm hỏi và trao tiền, hỗ trợ học phí, tặng nhu yếu phẩm, dụng cụ học tập cho các em được hơn 14 triệu đồng. Đặc biệt là cán bộ hội thường xuyên tuyên truyền cho các em và người thân nâng cao ý thức cảnh giác phòng tránh bị xâm hại.

Hội LHPN Phường 1 nhận đỡ đầu cho 3 em gái độ tuổi từ 9 đến 16 tuổi. Các em đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ, có nguy cơ bị xâm hại cần được bảo vệ. Hội đã xuống thăm hỏi động viên và tuyên truyền thường xuyên cho các em và người thân, tặng nhu yếu phẩm, quần áo, tập sách và hỗ trợ tiền cho các em có điều kiện đến trường.

Chị Trần Thị Vân Hương- Chủ tịch Hội LHPN Phường 1- chia sẻ: “Chúng tôi rất xúc động khi tìm hiểu về hoàn cảnh của các em và quyết tâm chung tay hỗ trợ các em hết khả năng. Có một số trường hợp các em đã đến tuổi trưởng thành nhưng lại đang sống cùng cha dượng, đây là những trường hợp chúng tôi đặc biệt quan tâm và thường xuyên thăm hỏi hỗ trợ. Dù có nhiều vấn đề nhạy cảm khi cứ can thiệp vào chuyện gia đình người khác nhưng vì trách nhiệm và vì lòng thương cảm, chúng tôi vẫn sẽ cố gắng”.

Hội LHPN Phường 2 nhận đỡ đầu 2 bé có hoàn cảnh mồ côi hiện ở với ông bà, kinh tế khó khăn. Từ khi thực hiện mô hình đến nay, đã xuống thăm các bé được 3 lần và tặng tiền, nhu yếu phẩm, tập sách cho các bé đến trường.

Đồng thời, các chị cũng kết hợp việc tuyên truyền bằng cách gần gũi, tạo sự thân thiện với các bé để chỉ dạy các em ý thức về bản thân mình và những nguy cơ bên ngoài có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của bản thân, một số hành động đơn giản dễ nhớ dễ hiểu để các em tự phòng vệ khi tuổi đời còn khá nhỏ. Mặt khác, các chị rất chú trọng việc tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm quan tâm, chăm sóc, bảo vệ con em mình đối với đối tượng ông bà.

Các chị rất chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người thân các bé.
Các chị rất chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người thân các bé.

Chị Nguyễn Thị Bé Sáu- Chủ tịch Hội LHPN Phường 2- cho biết: “Đây là mô hình rất ý nghĩa, chúng tôi rất đồng tình hưởng ứng và tích cực thực hiện, vừa xuất phát từ trách nhiệm vừa từ tấm lòng. Từ khi phát động thực hiện mô hình, chúng tôi mới có điều kiện đi tìm hiểu, rà soát các đối tượng có nguy cơ này, thấy được nhiều hoàn cảnh đáng thương cần xã hội chung tay bảo vệ. Chúng tôi sẽ luôn quan tâm và vận động để hỗ trợ cho các bé có điều kiện sống tốt về vật chất và tinh thần”.

Chị Nguyễn Ánh Nguyệt- Chủ tịch Hội LHPN TP Vĩnh Long- cho biết, lý do triển khai mô hình này là do trên địa bàn TP Vĩnh Long có xảy ra các vụ việc trẻ em bị xâm hại. Các em đều có cùng đặc điểm là sống xa cha mẹ hoặc mồ côi hoặc không được sự quan tâm của cha mẹ.

Những trẻ em thế này được gọi là nhóm có nguy cơ cao dễ trở thành nạn nhân bị xâm hại và bị dụ dỗ. Hội phụ nữ sẽ luôn đồng hành, tích cực hỗ trợ các bé và gia đình để mang đến sự an toàn tốt nhất cho cuộc sống của các em. Nội dung này được xem là một trong những chỉ tiêu thi đua của hội phụ nữ cơ sở nên phải được thực hiện lâu dài, thường xuyên và liên tục.

Bài, ảnh: HẢI YẾN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh