Những điều cơ bản đã và sẽ đạt được của hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là nguồn lực vật chất mà lao động tạo ra, cải thiện đời sống bản thân, gia đình,... đóng góp vào khởi nghiệp, khơi "dòng chảy" của nguồn nhân lực có chất lượng cao...
Những điều cơ bản đã và sẽ đạt được của hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là nguồn lực vật chất mà lao động tạo ra, cải thiện đời sống bản thân, gia đình,... đóng góp vào khởi nghiệp, khơi “dòng chảy” của nguồn nhân lực có chất lượng cao...
Nguồn lao động Vĩnh Long khá dồi dào. Ảnh: VINH HIỂN |
Ngày 29/6/2020, tại tỉnh Vĩnh Long, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Hội thảo có đại biểu Quốc hội ở ĐBSCL, đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), sở ngành, doanh nghiệp xuất khẩu lao động và người lao động từng xuất khẩu lao động.
Theo TS. Chang Hee- lee- Giám đốc Văn phòng ILO Hà Nội, 10 năm qua, các quốc gia tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc chuyển từ nền kinh tế có thu nhập trung bình lên nền kinh tế phát triển tốt hơn. Điều này cho thấy, lượng kiều hối người lao động Việt Nam đi làm việc ở các quốc gia này tạo ra tăng lên.
Trong 3 năm qua, Đồng Tháp đã đưa hơn 8.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó hơn 5.000 lao động làm việc tại Nhật Bản.Ảnh: MINH THÁI |
Theo TS. Chang Hee- lee, khi sửa đổi luật, Việt Nam đã định hướng chuyển dịch hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sang những tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó tạo môi trường cạnh tranh hơn cho lao động, đảm bảo quyền và lợi ích, bảo vệ tốt hơn người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Đại biểu Quốc hội Lưu Thành Công- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long- cho rằng: Về cơ bản, ban soạn thảo dự luật đã bám sát, thể hiện chặt chẽ 3 điểm mấu chốt: bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lao động đạt hiệu quả; công tác quản lý nhà nước theo luật.
Ông Bùi Thành Nhơn- Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Đồng Tháp- cho biết: 3 năm qua, tỉnh đưa hơn 8.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó hơn 5.000 lao động làm việc tại Nhật Bản. Theo ông, bên cạnh 3 yếu tố cần phải có của một lao động khi đi hợp tác lao động: kỷ luật, sức khỏe, ngoại ngữ... thì sự quan tâm của địa phương với “hàng hóa đặc biệt” này là phải sâu sát chặt chẽ.
Ông Bùi Thành Nhơn cho hay, trước khi đưa lao động đi xuất khẩu tại nước ngoài, ngành cử người sang nước bạn khảo sát công ty, chỗ ở và theo dõi quá trình làm việc đến khi lao động trở về. Ngoài ra, đơn vị tuyển lao động sang nước ngoài làm việc sẽ ưu tiên cho đôi vợ chồng, bởi khi cả 2 sang đó thì họ sẽ quyết tâm làm việc tốt nhất.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa- Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Đồng Tháp, trong ý kiến tại hội thảo nêu trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần thể hiện rõ, chặt chẽ. Ông rất đồng tình phải đưa trách nhiệm của doanh nghiệp làm công tác này vào dự thảo luật.
Theo các chuyên gia, điểm mấu chốt của các nội dung sửa đổi bổ sung lần này của luật là nhằm tạo môi trường minh bạch, thông suốt, đồng bộ cho hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giảm chi phí, bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thắt chặt hơn nữa quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp xuất khẩu lao động...
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội- đã ghi nhận những ý kiến đóng góp tại hội thảo. Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết bàn về dự luật, đã có 94 ý kiến của đại biểu thảo luận tại tổ và 19 ý kiến phát biểu của đại biểu tại nghị trường Quốc hội.
Trên cơ sở luật hiện hành, luật sửa đổi phải đáp ứng các yêu cầu: giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế; đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây.
Một lao động quê Vũng Liêm làm việc Nhật Bản năm 2014- 2017, giờ làm cho một công ty in ấn của Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh với thu nhập khá cao. |
Luật sửa đổi cũng sẽ điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ, quản lý di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân...
3 năm xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, trở về nước năm 2017, với kinh nghiệm của mình, anh Huỳnh Hoàng Nam (quê xã Tân An Luông- Vũng Liêm) hiện giờ có việc làm ổn định cho công ty Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh, thu nhập hàng tháng 800-1.000 USD. Anh Nam học thêm tiếng Nhật, làm tích lũy kinh nghiệm trong thời gian bên ấy nên khi trở về nước, trải nghiệm ấy đã giúp anh rất nhiều!
Ông Lê Long Sơn- Giám đốc Công ty TNHH Esuhai- dự báo có thể 5-10 năm tiếp theo, dòng đầu tư nước ngoài sẽ vào Việt Nam nhiều hơn và khi đó nhân sự quản lý, chuyên gia lành nghề, biết ngoại ngữ, biết văn hóa của các quốc gia sẽ đảm nhiệm nguồn lực kế thừa đó. Theo ông, dự thảo luật cần phải xem xét, đưa thêm các điều khoản nhằm khuyến khích, động viên các doanh nghiệp có tâm huyết, có chiến lực đào tạo nguồn nhân lực...
Ngày 21/5, trong chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV họp trực tuyến nghe trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi nhằm giải quyết 6 chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội trước đây và đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ công tác này trong bối cảnh hiện nay. |
MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin