Để trẻ "học" được nhiều hơn trong thời gian nghỉ hè

07:07, 19/07/2020

Vì nhiều nguyên nhân, kỳ nghỉ hè năm nay của các em học sinh kéo dài hơn so với các năm trước. Nhiều chuyên gia cho rằng, để các em "học" được nhiều hơn trong thời gian nghỉ hè, cần thay đổi cách tư duy của các bậc phụ huynh...

 

Thầy giáo Nguyễn Quốc Bình trò chuyện cùng các em học sinh Trường Lê Quý Đôn (Hà Nội). (Nguồn: lequydonhanoi.edu.vn)
Thầy giáo Nguyễn Quốc Bình trò chuyện cùng các em học sinh Trường Lê Quý Đôn (Hà Nội). (Nguồn: lequydonhanoi.edu.vn)

Vì nhiều nguyên nhân, kỳ nghỉ hè năm nay của các em học sinh kéo dài hơn so với các năm trước. Nhiều chuyên gia cho rằng, để các em “học” được nhiều hơn trong thời gian nghỉ hè, cần thay đổi cách tư duy của các bậc phụ huynh...

Từ nhiều năm trở lại đây, kỳ nghỉ hè của các em học sinh đã thường xuyên bị “cắt xén” bởi những chương trình học thêm, lớp học bồi dưỡng...

Điều này, xuất phát trước hết từ chính quan điểm của các bậc phụ huynh trong việc mong muốn con mình nắm chắc kiến thức văn hóa, có kết quả học tập cao hoặc có sự chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới.

Tuy nhiên, thực tế phát triển của đời sống xã hội cho thấy, để học sinh có sự trưởng thành toàn diện, ngoài kiến thức văn hóa thì các em còn phải được trang bị rất nhiều kỹ năng khác.

Việc quá chú trọng bồi dưỡng kiến thức mà xem nhẹ các kỹ năng sống sẽ gây nhiều khó khăn cho các em trong việc đáp ứng những đòi hỏi khách quan của đời sống xã hội. Do đó, trong thời gian nghỉ hè, phụ huynh và nhà trường cần phối hợp tổ chức nhiều hơn các hoạt động ngoại khóa có ích đối với học sinh.

Theo thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường Lê Quý Đôn (Hà Nội), không nên tổ chức dạy trước chương trình để học sinh có thời gian 3 tháng nghỉ hè.
 
Nhưng từ tháng thứ 3 trở đi, theo nguyện vọng của cha mẹ học sinh, các trường cũng có thể tổ chức các câu lạc bộ, hoạt động trải nghiệm ngoài giờ lên lớp, rèn luyện sức khỏe và kỹ năng sống cho học sinh...
 
Thời gian còn lại, nên dành cho học sinh nghỉ hè trọn vẹn. Vì ngay trong thời gian nghỉ hè, không học các nội dung văn hóa thì với những môi trường lành mạnh, tích cực, các em hoàn toàn có thể “học” được nhiều điều bổ ích, nhiều kỹ năng sống có giá trị mà không phải lúc nào các em cũng có thể được trang bị trong thời gian học chính khóa.

Đồng tình với quan điểm nói trên, cô giáo Trần Thanh Minh (Trường THPT Phú Xuyên A, Hà Nội) chia sẻ, có nhiều cách để các em “học” được những điều cần thiết cho cuộc sống. Cùng với học ở trường lớp, việc học từ chính cuộc sống trong thời gian nghỉ hè cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Vì các em không chỉ cần học kiến thức mà hơn hết cần được học cách tìm kiếm, khám phá kiến thức, năng lực tư duy, năng lực tự học, học tập suốt đời. Và các phụ huynh cũng cần tham gia vào quá trình giáo dục con; đóng vai những người bạn cùng các em khám phá và học hỏi những điều bổ ích từ thực tiễn cuộc sống.

Các chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, không phải ngẫu nhiên mỗi năm học lại được kết thúc bằng kỳ nghỉ hè. Sau một năm học vất vả, bận rộn với những kỳ thi, những bài tập của các môn học...,

kỳ nghỉ hè dài sẽ là thời gian để các con “bổ sung năng lượng” cho năm học mới. Việc nghỉ hè giúp các em thư giãn hệ thần kinh, giải tỏa những căng thẳng; từ đó có sự chuẩn bị tốt nhất về tâm lý, sức khỏe... trước khi bước vào một năm học mới.

Ở bậc tiểu học, THCS, thời gian nghỉ hè cũng là cơ hội để các em được ra ngoài vận động nhiều hơn để có sự phát triển toàn diện về thể chất.

Kỳ nghỉ hè dài còn có thể cho phép những học sinh lớn tham gia một số công việc bên ngoài để kiếm tiền, qua đó rèn luyện tinh thần yêu lao động, tự chịu trách nhiệm với bản thân và giúp đỡ người khác.

Trong khi đó,  cô giáo Lê Thị Hạnh ở huyện Tân Lạc (Hòa Bình), nên “cấm hoàn toàn” việc các trường dạy trước chương trình trong dịp hè. Song việc ôn tập lại kiến thức là quyền và nhu cầu của mỗi học sinh, phụ huynh.

Trong trường hợp bản thân các em muốn học, không bị “ép” thì vẫn có thể học theo các nhóm riêng. Nhưng nếu tổ chức học, cũng chỉ nên học từ tháng thứ 3 của kỳ nghỉ hè.

“Vấn đề căn bản phụ huynh cần thấy, học kiến thức không phải tất cả, cần để con được vui chơi, hạnh phúc và học thêm nhiều kỹ năng khác”, cô Hạnh nhấn mạnh.

 

PGS.TS Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Nguồn: vnu.edu.vn)
PGS.TS Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Nguồn: vnu.edu.vn)

Theo hướng tiếp cận này, PGS.TS Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, điều quan trọng nhất khi học sinh nghỉ hè là bố mẹ và nhà trường phải tạo ra các cơ hội trải nghiệm để giúp các em vận dụng những kiến thức mới học trong năm học vào giải quyết những tình huống thực tiễn trong thời gian hè.

Đó cũng là cách để các em “học” được nhiều hơn trong thời gian nghỉ hè. Nghỉ hè không đồng nghĩa với việc dừng lại mọi hoạt động giáo dục bởi giáo dục kiến thức văn hóa chỉ là một bộ phận trong tổng thể các hoạt động giáo dục nói chung.

Và nếu cha mẹ nắm được tâm lý của trẻ; tạo cho trẻ hứng thú khi tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tiễn trong thời gian nghỉ hè thì hiệu quả giáo dục thu được sẽ rất lớn.

Tuy nhiên, cha mẹ cần cân nhắc lựa chọn các hoạt động giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống một cách phù hợp, hiệu quả.

Như vậy có thể thấy, kéo dài kỳ nghỉ hè cũng là điều kiện để các em học sinh có thể “học” được nhiều hơn.

Để thực hiện được điều này, các bậc phụ huynh cần có sự phối hợp cùng nhà trường, các cơ sở giáo dục để lựa chọn những nội dung, hình thức hoạt động phù hợp để giáo dục giá trị sống kỹ năng sống, giáo dục thể chất... cho con trong thời gian hè.

Việc tổ chức tốt các hoạt động này sẽ mang đến cho các em học sinh cơ hội phát triển toàn diện; giúp các em “học” được nhiều hơn ngay trong thời gian được nghỉ hè./.

Theo Quang Đạo/ĐCSVN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh