Chuyện người thương binh và "phần thưởng" của cuộc đời

01:07, 23/07/2020

Khoảng 20 năm từ khi xuất ngũ về quê hương, người thương binh năm nào đã tạo lập, phát triển đời sống gia đình mình để hôm nay đầy ắp niềm vui và rộn tiếng cười.

 

Chú Bảy Đáng chăm sóc vườn măng cụt của gia đình mình.
Chú Bảy Đáng chăm sóc vườn măng cụt của gia đình mình.

Khoảng 20 năm từ khi xuất ngũ về quê hương, người thương binh năm nào đã tạo lập, phát triển đời sống gia đình mình để hôm nay đầy ắp niềm vui và rộn tiếng cười.

Tôi đến nhà chú Trần Minh Đáng (Bảy Đáng, thương binh hạng 3/4 ở ấp Bình Hòa, xã Loan Mỹ- Tam Bình) và cô Nguyễn Thị Vẹn (vợ chú Bảy Đáng) trong một buổi chiều mưa tháng 7, nhưng đầy ắp tiếng cười. Ngoài đồng vừa sạ lúa Thu Đông, vườn măng cụt đang hồi cuối vụ.

Nhập ngũ năm 1987, chú Bảy Đáng làm công tác thông tin liên lạc thuộc Đại đội thông tin (Trung đoàn 1, Sư đoàn 330), làm nhiệm vụ ở chiến trường nước bạn Campuchia.

Trước đó, học hết THPT, chú được hợp đồng tham gia giảng dạy ở địa phương khoảng 2 năm, rồi vác ba lô lên đường vào quân ngũ.

Trong một lần hành quân, chú giẫm phải mìn bị thương 2 chân, được chữa trị và đoạn một phần gót chân phải. Sau về địa phương, chú được công nhận thương binh hạng 3/4, mất sức 45%.

Sau khi lập gia đình, sinh 3 người con gái, chú tự nhủ và “định hướng” cho các con học hành đàng hoàng để sau có cái nghề cái nghiệp. Thế là, dẫu thời đầu mới ra riêng, gian khó, vợ chồng chú cật lực làm lụng lo cho 3 cô con gái ăn học. Cha mẹ cho 5 công đất làm ruộng và 2 công vườn.

Cậy vào đó thì không đủ lo chi phí học hành, nuôi nấng các con. Chú Bảy Đáng quay qua làm hồ, cô đan thảm lục bình kiếm thêm thu nhập. Điều phấn khởi là 3 người con đều có chí và học hành
giỏi giang.

Khi nước lên, thuyền phải lên! Các cô con gái sinh cách nhau 1-2 năm, nên chị lớn khi vào đại học thì các em cũng lục tục theo sau.

Thành ra, cách năm chị Hai Sơn Ca thi đậu ĐH Nông lâm, thì em kế Lan Trinh đỗ vào Trường Trung cấp Cảnh sát ở tỉnh Quảng Nam, trong khi em út Thủy Tiên trúng tuyển vào Trường CĐ Cảnh sát ở TP Hồ Chí Minh. Suy tính miết, chú Bảy Đáng và cô Vẹn quyết khăn gói lên Sài Gòn làm thuê, buôn bán.

Vợ chồng chú Bảy Đáng với niềm vui bên cháu ngoại.
Vợ chồng chú Bảy Đáng với niềm vui bên cháu ngoại.

Nhờ người thân, khi lên đó cô chú được cho thuê lại một khoảnh mặt bằng gần khu công nghiệp lớn ở quận Bình Tân để bán nước đá, nước ngọt cho công nhân.

Cứ thế, đón giờ công nhân lúc vào và ra ca, cô chú thức từ 2 giờ khuya bán tới 7 giờ sáng; chiều lặp lại công việc tương tự từ 14-19 giờ. Cứ thế, suốt 4 năm trời tha phương buôn bán, tằn tiện chắt chiu, cô chú lo cho 3 con ăn học xong, ra trường và có việc làm.

Bây giờ, Sơn Ca lập gia đình và sinh sống ở Singapore, cô con gái út Thủy Tiên có chồng sinh con và mới chuyển công tác về Công an xã Ngãi Tứ. Người con gái giữa thì đang công tác tại Công an tỉnh Vĩnh Long.

Chú Bảy Đáng nói 20 năm không dài không ngắn. Từ chiến trường về, bị thương, người thương binh ấy cơ cực tạo lập xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái.

Giờ các con đều đã học hành, có công việc và thu nhập ổn định. Giờ ngoài đồng chú Bảy Đáng vẫn giữ 5 ruộng như hồi trước, cùng 2 công vườn măng cụt đã 20 năm.

Lúa mỗi năm 3 vụ thu lời tầm 20 triệu đồng. Măng cụt nếu trúng mùa được giá, chú cũng thu vài chục triệu. Năm ngoái, chú Bảy Đáng tu sửa và mở rộng lại căn nhà tầm 300 triệu đồng, đẹp đẽ khang trang.

Hiện nay ngoài việc ruộng vườn, chú Bảy Đáng còn tham gia sinh hoạt Hội Cựu chiến binh, đồng thời là Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa số 1 ấp Bình Hòa, với 30 hộ làm khoảng 20ha lúa, chú đảm đương đầu mối nhân công bươi xới, gặt đập, hợp đồng bán lúa cho lái...

Với nhiều nỗ lực kiên trì của cả gia đình, “bây giờ thì khỏe hơn hồi trước nhiều rồi!”- vừa uống ly trà, chú Bảy Đáng chậm rãi nói, như tự nhủ niềm vui hôm nay đúng với mong mỏi tâm nguyện của mình, như xóm làng quê hương đang từng ngày thêm đổi mới.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh