Những "cánh hồng" nơi đầu sóng

07:06, 19/06/2020

Tác nghiệp ở biển đảo luôn là niềm tự hào, mong mỏi của người làm báo. Vượt qua những khó khăn về thời tiết, môi trường tác nghiệp mà "đấng mày râu" cũng chếnh choáng thì đối với các nhà báo nữ lại càng vất vả hơn. 

 

Nhà báo nữ lên nhà giàn bằng “đường không”.
Nhà báo nữ lên nhà giàn bằng “đường không”.

Tác nghiệp ở biển đảo luôn là niềm tự hào, mong mỏi của người làm báo. Vượt qua những khó khăn về thời tiết, môi trường tác nghiệp mà “đấng mày râu” cũng chếnh choáng thì đối với các nhà báo nữ lại càng vất vả hơn.

Chỉ có say mê với nghề và dành thật nhiều tình yêu biển đảo thì nhà báo nữ mới đủ sức để có những tư liệu, tình cảm thật nhất gửi đến bạn đọc, bạn xem- nghe đài về những hy sinh, khó khăn mà cán bộ, chiến sĩ, nhân dân phải vượt qua để bám đảo, bám biển bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Say sóng giữa biển, “nghẹt thở” giữa đồi

Tàu KN- 263 nhổ neo sau hồi còi rúc dài khởi hành chuyến thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Các nhà báo nữ háo hức chạy lên boong tàu ríu ran chuyện trò, ghi chép, chụp hình.

Chị em vô cùng tự tin vì được dặn dò cẩn thận về các tình huống trên biển, đặc biệt là cách “đối phó” với say sóng. Tuy nhiên, càng ra khơi xa, sóng biển càng mạnh dần, tiếng trò chuyện giảm dần theo độ tăng của sóng gió. Con tàu chòng chành giữa biển khơi và “say sóng” dần trở thành nỗi “ám ảnh”.

Nhà báo Lê Thị Thủy (Đài PT- TH Đồng Nai) được xếp vào “nhóm có sức khỏe tốt” nhưng chỉ sau vài giờ lênh đênh giữa đại dương, chị đành… nằm bẹp.

Chị cho biết: lúc ấy, cơ thể bồng bềnh, chân tay như không thuộc về mình nữa. Việc đi lại của chị phải nhờ đến sự trợ giúp của người khác.

Có mặt trên Tàu 632 của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đến thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên vùng biển Tây Nam năm 2020, mới thấm thía những khó khăn của nữ nhà báo.

Đó là những đêm thao thức giữa biển trời. Ngủ sao được khi đa phần đều là những người đầu tiên ra đảo, lần đầu tiên nghe sóng vỗ rì rầm dưới thân tàu, lần đầu tiên ăn, ngủ và làm việc trên sóng nước.

Có nhiều điều “dở khóc dở cười” không thể nào quên. Bữa sáng trên boong mọi người có thể vừa ngắm bình minh vừa ăn sáng.

Nhưng những cơn mưa trên biển thì chẳng hề dịu êm, cầm cái tô nặng trịch mà gió thổi sắp… bay luôn. Rồi thể lực hạn chế nên những khi leo dốc, nhà báo nữ “cố gắng hết sức” vẫn không theo kịp.

Theo nhà báo Phạm Gia Khánh (Báo An Giang), để đến được trụ sở các đơn vị đang đứng chân ở đảo, phải lội bộ nhiều cây số, leo đường rừng dốc ngược, cheo leo hiểm trở.

Máy móc, thiết bị ngày càng nặng trĩu trên vai, đi được vài bước thì phải ngừng lại... thở. Càng khó khăn, càng động viên nhau, lấy tiếng cười xua đi mệt mỏi. Thậm chí, các nữ nhà báo còn “thách” các anh xem ai đến nơi trước.

Đem biển đảo về với đất liền

Để đến được nơi đầu sóng ngọn gió ấy đã vô cùng khó khăn, nhưng chụp được những bức ảnh sống động, quay được những thước phim độc đáo còn khó khăn hơn nhiều. Thế nhưng những “cánh hồng” vẫn không chùn bước.

Khi nghe còi tàu báo hiệu sắp cập cảng, dù say sóng nhưng chị em lại “tỉnh rụi”, xông xáo xách “đồ nghề” ra boong tàu chờ lên đảo hay nhà giàn.

Chỉ có vài giờ dừng lại, nên hầu như chị em thường chạy đua, nín thở đếm vạch sóng wifi... Mọi kinh nghiệm làm báo, lúc ấy phải được phát huy một cách tối đa mới có đủ tư liệu để về đất liền “rút ruột” dùng dần.

Bị say sóng suốt mấy ngày gần như chẳng ăn được gì nhưng nhà báo Vương Tiểu Bình (Đài PT-TH Thái Nguyên) vẫn khăng khăng đề nghị được... đu dây lên nhà giàn.

Đến nơi, chị như khỏe hẳn, tươi cười tác nghiệp, xông xáo phỏng vấn, ghi âm… với tinh thần “giá nào cũng phải hoàn thành sản phẩm”, sau đó mới vui tết sớm cùng “gia đình nhà giàn” giữa mênh mông sóng vỗ.

Nhà báo Đinh Thị Hằng Nga (Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh) thì tươi rói dù lên nhà giàn bằng “đường không” rất nguy hiểm, chỉ cần sơ sảy là va đập mà văng xuống biển.

Chị reo lên vui sướng dù đôi vai run run khi được đặt chân lên tấm lưới sắt của nhà giàn. Còn nhà báo Đỗ Thị Thu Hiền (Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam) dù mặt mày tái mét nhưng khi biết cán bộ, chiến sĩ trên tàu tổ chức đón giao thừa sớm, chị vẫn cố gượng dậy để tác nghiệp.

Chị vừa vịn bàn ghế vừa chụp ảnh. Thỉnh thoảng gặp cơn sóng dữ, tàu chao nghiêng lại xây xẩm mặt mày, lúc ấy, chị vịn vai một chiến sĩ, cố chụp hình đẹp “để bạn đọc cảm nhận được không khí đón tết ấm tình đồng đội của lính Hải quân”.

Còn với nhà báo Trần Thị Bích Chi (Đài PT-TH Vĩnh Long), chuyến thăm vùng biển Tây Nam kết thúc trong tiếc nuối khi chị té bị thương ở tay, phải gác lại hải trình sớm hơn dự kiến.

Chị nói: “Có lẽ đây là chuyến đi đáng nhớ nhất trong đời làm báo. Dù rất đau nhưng tôi thật sự ấm lòng bởi sự chăm sóc tận tình, chu đáo của đồng nghiệp và các cán bộ, chiến sĩ”.

Và “lần tai nạn này tôi càng thấu hiểu nỗi hiểm nguy mà cán bộ, chiến sĩ trên đảo đối mặt hàng ngày. Sau này nếu được cho phép, tôi vẫn muốn đến vùng hải đảo xa xôi để được tác nghiệp và đưa những điều mình chứng kiến, cảm nhận đến với khán giả truyền hình- hậu phương vững chắc của những người làm báo”- nhà báo Bích Chi chia sẻ.

Nồng ấm tình quân dân

Nhà báo Lê Thị Bích Vân gửi lời chúc tốt đẹp đến cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1.
Nhà báo Lê Thị Bích Vân gửi lời chúc tốt đẹp đến cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1.

Ngoài tác nghiệp, nhà báo nữ còn dành thời gian để tâm sự, sẻ chia, động viên chiến sĩ Hải quân yên tâm công tác, chắc tay súng bảo vệ vùng biển thiêng liêng. Trong hành trang đến với biển đảo của nhà báo Lê Thanh Nga (Đài PT- TH Thái Nguyên) là những bức thư của học sinh Thái Nguyên gửi tặng các anh lính đảo.

Sau lần công tác ở đảo Bạch Long Vĩ, đảo ven bờ ở tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận và lần đi vòng các đảo Tây Nam, chị Thanh Nga có rất nhiều kỷ niệm.

Chị nói: “Có lẽ vì tình yêu biển đảo, tình yêu Tổ quốc quá lớn lao của những người chiến sĩ và nhân dân trên đảo mà mỗi nhà báo đến đây đều vượt qua được hết khó khăn.

Chúng tôi chỉ trải nghiệm vài ngày ngắn ngủi, còn các chiến sĩ mới là người vất vả ngày đêm. Chúng tôi mong rằng những tin bài về biển đảo sẽ lan tỏa để các anh luôn biết rằng hậu phương luôn bên cạnh các anh”.

Còn nhà báo Đặng Thị Phương Hoa (Báo Hà Giang) đã làm cầu nối chuyển 25 cân chè, bánh tam giác mạch và 160 cây sa mộc... của đồng bào nơi Cực Bắc gửi đến các cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. 

Sao có thể quên được niềm vui vỡ òa sau 2 ngày chờ đợi qua những đợt sóng to, tàu bớt lắc lư để leo lên được nhà giàn vui tết cùng lính Hải quân.

Rồi trên nhà giàn lộng gió, chị được nghe các anh kể về quyết tâm “còn người, còn nhà giàn”, được nghe các anh hát vang “... Giữa trùng khơi vẫn xanh ngời, giữa biển trời vẫn sống yêu đời, lính nhà giàn là thế đó…”

Được chiến sĩ nhà giàn tặng một con ốc, chị nâng niu như một món quà vô giá. Đi biển, với chị chưa bao giờ là khó khăn, mà chỉ mong mình mang được chút hơi ấm đất liền đến nơi tuyến đầu đầy vất vả.

Cái nắng gió của biển cả khiến làn da chị em đen sạm, mái tóc xơ rối, nhưng tất cả đều vui vẻ, tự hào. Nói như nhà báo Lê Thị Bích Vân (Đài PT- TH Vĩnh Long) thì những vất vả của nhà báo nữ không thể nói hết, nhưng với lòng yêu nghề, đam mê, những nhà báo nữ tác nghiệp nơi đầu sóng ngọn gió vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết cùng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sau mỗi chuyến công tác ấy, cánh phóng viên tự hứa sẽ cho ra đời nhiều tác phẩm báo chí chân thật, sinh động nhất, để mọi người hiểu hơn về cuộc sống, ý chí chiến đấu, bản lĩnh kiên cường của lính Hải quân đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ- PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh