Lưu giữ và trao truyền giá trị tốt đẹp của gia đình

06:06, 28/06/2020

Ngày Gia đình Việt Nam năm 2020 có chủ đề "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình". Đề cao các giá trị văn hóa tình cảm của các thành viên gia đình; trân quý phút giây sum họp đầm ấm; quan tâm, chia sẻ, chăm sóc cho nhau… là truyền thống lâu đời và quý giá của ông cha ta để lại. 

Ngày Gia đình Việt Nam năm 2020 có chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”. Đề cao các giá trị văn hóa tình cảm của các thành viên gia đình; trân quý phút giây sum họp đầm ấm; quan tâm, chia sẻ, chăm sóc cho nhau… là truyền thống lâu đời và quý giá của ông cha ta để lại.

Những buổi tọa đàm, giao lưu giúp những hộ gia đình đồng bào Khmer chia sẻ kinh nghiệm giữ gìn giá trị tốt đẹp của gia đình.
Những buổi tọa đàm, giao lưu giúp những hộ gia đình đồng bào Khmer chia sẻ kinh nghiệm giữ gìn giá trị tốt đẹp của gia đình.

Cùng với cộng đồng người Kinh, người Hoa, những hộ gia đình đồng bào Khmer trong tỉnh cũng từng ngày lưu giữ và trao truyền giá trị tốt đẹp của gia đình.

Bắt đầu từ những bữa cơm ấm áp

Theo bà Lý Thị Kiệp- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: “Bữa cơm gia đình rất quan trọng đối với xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, bởi trong bữa cơm, quên đi những vất vả ngoài kia, tất cả các thành viên quây quần bên nhau chia sẻ cách nuôi dạy con, chia sẻ tình cảm, gỡ rối những khó khăn… Đông vui thì mỗi bữa ăn cũng ấm áp, ngon miệng hơn”.

Bữa cơm dù đơn sơ, đạm bạc nhưng đong đầy yêu thương của người mẹ, người vợ, người con... đối với các thành viên trong gia đình.

Những gia đình giữ và tổ chức tốt bữa ăn gia đình không chỉ cung cấp năng lượng cho sự sinh tồn và phát triển thể chất của từng thành viên mà còn hun đúc những giá trị tinh thần, tâm lý, tình cảm gắn bó sâu sắc giữa các thành viên.

Những giá trị vật chất và tinh thần hình thành sau những bữa cơm gia đình giống như những viên gạch cùng chất keo vô hình gắn kết mỗi gia đình.

Cô Thạch Thị Va Ni (xã Loan Mỹ- Tam Bình) cho biết món ăn yêu thích của gia đình là canh chua. Mỗi dịp lễ tết thì không thể thiếu bún nước lèo với rau do chính tay cô trồng trong vườn nhà. Cô Va Ni nói: “Các con lớn hết rồi, có gia đình riêng nên cũng khó gặp nhau thường xuyên.

Nhưng gia đình tui luôn cố gắng để ngày chủ nhật, lễ tết tụ họp lại vừa ăn, vừa nói chuyện. Nấu cho cả nhà món ăn đủ dinh dưỡng và được chồng, được các con khen là vui cả ngày luôn”.

Cha mẹ, người thân chính là người thầy đầu tiên của những đứa trẻ. Qua bữa cơm, những bài học giáo dục từng ngày thấm sâu và hình thành nhân cách của mỗi thành viên.

Trẻ em học cách biết nhường nhịn, biết dành miếng ngon cho người khác, biết vì người khác, rèn luyện những thói quen tốt...

Còn người lớn thì chia sẻ với nhau những khó khăn, vướng mắc sau một ngày làm việc, chia sẻ cho nhau những thông tin mới, động viên nhau cùng hoàn thiện hơn. Đây là cách giáo dục cụ thể, thiết thực giữa các thành viên trong gia đình.

Từ các thành viên trong gia đình sẽ tỏa rộng ra ngoài cộng đồng và xã hội. Đặc biệt, đối với những gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống, những bữa cơm quây quần có sức mạnh của giáo dục từ gia đình sẽ đạt hiệu quả cao.

Những người vợ, người mẹ vun vén cho bữa cơm gia đình thêm ấm áp.
Những người vợ, người mẹ vun vén cho bữa cơm gia đình thêm ấm áp.

Chị Lâm Thái Nguyệt, giáo viên Trường mầm non Tân Mỹ (Trà Ôn) vừa giành giải nhất cuộc thi nấu ăn với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, được tổ chức cho các hộ gia đình văn hóa tiêu biểu đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh.

Chị chia sẻ: “Tôi làm việc ở gần nhà, em trai mới học lớp 7, mỗi bữa cơm gia đình luôn có đầy đủ thành viên. Bữa cơm có rất nhiều ý nghĩa, từ bữa cơm mà chị em tôi được dạy dỗ từ miếng ăn đến giấc ngủ. Không phải giàu có là hạnh phúc mà có cha mẹ yêu thương, cùng nhau ăn bữa cơm sum vầy là hạnh phúc lắm rồi”.

Hướng tới xây dựng hạnh phúc bền vững

Truyền thống văn hóa Việt Nam được hun đúc từ hàng ngàn năm lịch sử luôn đề cao các giá trị văn hóa gia đình bởi đó là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân, là cơ sở, nền tảng để phát triển xã hội.

Gia đình chị Lâm Thái Nguyệt vừa giành giải nhất cuộc thi nấu ăn với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”.
Gia đình chị Lâm Thái Nguyệt vừa giành giải nhất cuộc thi nấu ăn với chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”.

Có những chuẩn mực đạo đức gia đình kết tinh, trao truyền qua nhiều thế hệ đã trở thành các chuẩn mực đạo đức của dân tộc, được trân trọng giữ gìn như hướng về cội nguồn, biết ơn tổ tiên, con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, vợ chồng chung thủy, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau.

Những giá trị chuẩn mực truyền thống đó được thể hiện trong nhận thức, suy nghĩ, việc làm của mỗi người, từ ăn nói, đi đứng cho đến cung cách ứng xử kính trên, nhường dưới, lễ phép, hiếu nghĩa trong mối quan hệ giữa các thành viên gia đình và là bản sắc văn hóa sâu đậm của dân tộc.

Cuộc sống hiện đại ngày nay khác biệt rất nhiều so với thuở cha ông đi trước, bởi áp lực của việc làm, của thời gian… đặc biệt là quá trình hội nhập, tiếp thu những nền văn hóa tiên tiến khác nhau.

Lưu giữ, trao truyền và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp trong gia đình được chú trọng để hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình.

Theo chú Kiên Sô Thanh- công chức ở xã Đông Bình (TX Bình Minh), cuộc sống của hộ gia đình đồng bào Khmer phát triển từ vật chất, tinh thần, từ nhận thức xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng, văn minh nơi công sở của cán bộ công chức và trong từng bản làng, phum sóc.

“Một gia đình phát triển thì lan tỏa cả xã hội phát triển. Để xây dựng hạnh phúc bền vững thì trước hết vợ chồng phải yêu thương nhau, sống hòa thuận với nhau.

Con cái phải được đi học, ra đời có chỗ làm vững chắc, dạy con sống tốt đời đẹp đạo, vừa giúp ích cho bản thân con và cũng vừa xây dựng xã hội văn minh”- chú Kiên Sô Thanh chia sẻ.

Hơn 40 năm gắn bó với nhạc cụ dân tộc Khmer, Nghệ nhân ưu tú Sơn Trong (xã Trung Thành- Vũng Liêm) sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm, đánh được gần 100 bài nhạc cổ truyền.

Nghệ nhân ưu tú Sơn Trong có nhiều đóng góp trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương.

Ông cho biết: “Gia đình có truyền thống yêu văn nghệ nên muốn giữ gìn và truyền lại vốn âm nhạc của dân tộc. Để xây dựng một gia đình hạnh phúc thì cha mẹ phải giáo dục con cháu hiếu thảo, yêu thương nhau, xây dựng cuộc sống văn hóa, đặc biệt là phải biết giữ gìn giá trị truyền thống của dân tộc…”

Theo ông Lê Thanh Hiền- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh: Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam. Đến nay, trải qua 19 năm, ngày Gia đình Việt Nam đã trở thành ngày hội văn hóa của dân tộc, có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người. Đây là dịp để các ngành, các cấp và xã hội quan tâm đến gia đình, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của gia đình; tạo điều kiện để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh