Người trẻ góp giọt máu hồng, cho cộng đồng vui khỏe

06:06, 14/06/2020

Ở lứa tuổi đoàn viên, các bạn tích cực tham gia hiến máu bằng nhiệt huyết sức trẻ và mong muốn sẻ chia, thực hiện trách nhiệm với cộng đồng.

 

 

Ông Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long thay mặt lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trân trọng ghi nhận nghĩa cử cao đẹp, đầy nhân ái của những người hiến máu tình nguyện. Đây là việc làm hết sức nhân văn vì một xã hội khỏe mạnh
Ông Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long thay mặt lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trân trọng ghi nhận nghĩa cử cao đẹp, đầy nhân ái của những người hiến máu tình nguyện. Đây là việc làm hết sức nhân văn vì một xã hội khỏe mạnh

Ở lứa tuổi đoàn viên, các bạn tích cực tham gia hiến máu bằng nhiệt huyết sức trẻ và mong muốn sẻ chia, thực hiện trách nhiệm với cộng đồng.

Đánh dấu tuổi 18, em đi hiến máu

Mỗi người đi hiến máu là một anh hùng, bởi vì tỷ lệ người đi hiến máu chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng dân số. Trong đó, mỗi cá nhân là những câu chuyện có khi đơn giản, có khi cảm động nhưng đằng sau đó luôn là ý nghĩa sâu sắc của tình người. Đáng vui hơn, khi các bạn trẻ nhiệt tình tham gia hiến máu tình nguyện.

Gương mặt “non choẹt” và chiếc áo thể dục còn đính phù hiệu của Trường THPT Vĩnh Long- em Nguyễn Trần Hải Dương- lớp 12 đã lần thứ 2 hiến máu tình nguyện. Dương cười, khoe: “Lần đầu tiên em hiến cách đây hơn 3 tháng, đó là sau ngày sinh nhật 18 tuổi của em 1 ngày”.

Lúc đó, mẹ Dương đã ngăn con vì “sợ ảnh hưởng sức khỏe” nhưng Dương cùng ba thuyết phục được mẹ với lý do “con đã 18 tuổi rồi, mẹ cho con đánh dấu trưởng thành bằng cách đi hiến máu nhe”.

Dương thường xuyên đọc báo, xem đài và hiểu ý nghĩa của việc hiến máu nên với em hành động ý nghĩa trong tuổi 18 “đi hiến máu”. Lần thứ 2 này, Dương đã xin nghỉ 1 tiết thể dục để tham gia hiến máu “em không còn sợ cây kim nữa”.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long mỗi năm hiến từ 700- 800 đơn vị máu, hiện là trường hiến máu nhiều nhất trong các trường ở Vĩnh Long. Để phong trào được sinh viên quan tâm và tham gia, Bí thư Đoàn trường- anh Đặng Hải Đăng, sinh năm 1990 đã có hơn 15 lần hiến máu.

Anh Đăng cười thật tươi: “Tôi tham gia hiến máu từ thời sinh viên, nhiều giấy chứng nhận đã lạc mất vì mình đâu nghĩ hiến máu là để được lợi ích, khen thưởng gì đâu. Khi làm Đoàn- hội ở trường thì tôi càng ý thức việc mình làm hơn nữa”. Trước mỗi đợt hiến máu không uống rượu bia, ngủ sớm và ăn sáng đầy đủ trước khi hiến máu để “mỗi lần đi cho là được nhận liền”. Anh Đăng ngửa cánh tay trái lên khoe những vết thẹo do kim tiêm để lại: “Những vết thâm nhỏ này là kim tiêm đó”.

Nói về phong trào hiến máu phát triển mạnh ở trường mình, anh Đăng cho rằng “Khách quan mà nói, chúng tôi có hơn 7.000 sinh viên, trong đó nhiều sinh viên nam sức khỏe tốt bên cạnh cũng nhờ sự vận động và tấm lòng của sinh viên nữa”.

Anh Đặng Hải Đăng: “Là người có nhóm máu O, tôi cho rằng “nhóm máu của tôi sinh ra để hiến” nên tôi sẽ tham gia hiến máu đến khi nào “bệnh viện còn chịu nhận”.
Anh Đặng Hải Đăng: “Là người có nhóm máu O, tôi cho rằng “nhóm máu của tôi sinh ra để hiến” nên tôi sẽ tham gia hiến máu đến khi nào “bệnh viện còn chịu nhận”.

Cả trường hiến máu

Điểm đặc biệt của Trường ĐH Xây dựng Miền Tây là có nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên thường xuyên tham gia hiến máu. Từ lãnh đạo trường đến các phòng, khoa, Đoàn- hội và sinh viên cùng tham gia.

Anh Lê Trần Khánh Phương- Chủ tịch Hội Sinh viên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ trường cho biết: “Đến nay đã có khoảng 10 cá nhân trong trường có từ 20 lần hiến máu trở lên, bản thân tôi đã hiến máu 34 lần”.

Sinh năm 1993, Nguyễn Công Danh- Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Xây dựng Miền Tây đã 22 lần hiến máu tình nguyện. Lần đầu tiên Danh tham gia hiến máu là năm 19 tuổi khi mới vào giảng đường chưa đầy 1 tháng. Danh nói: “Lần đầu thì vì tò mò, và vì mình là Bí thư chi đoàn nên phải làm gương tham gia”.

Một lần, Công Danh chứng kiến ông nội bị xuất huyết bao tử phải truyền máu “Tôi thấy việc mình làm thật ý nghĩa, máu là chế phẩm không thể thay thế được”- Danh nói.

Anh Nguyễn Công Danh- Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Xây dựng Miền Tây đã 22 lần hiến máu tình nguyện.
Anh Nguyễn Công Danh- Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Xây dựng Miền Tây đã 22 lần hiến máu tình nguyện.

Hiểu được ý nghĩa việc mình làm, Công Danh hiến máu đều đặn cho đến nay. Trong dịch COVID- 19 vừa rồi, đợt hiến máu ở trường bị hủy, Danh cho hay: “Tôi rủ thầy Phương, thầy Quân cuối tuần đi Bệnh viện Huyết học truyền máu Cần Thơ hiến máu, nghe nói đang rất cần. Xong nghe bên Công an tỉnh tuần sau có đợt hiến máu nên mới không đi Cần Thơ”.

Anh Phạm Duy Quân- giảng viên nhà trường cũng có 22 lần hiến máu, cùng với Công Danh là 2 trong số những cá nhân được tuyên dương cá nhân hiến máu trong đợt này.

Khi còn là sinh viên học ở TP Hồ Chí Minh, anh Quân đã tham gia hiến máu. Về công tác tại Trường ĐH Xây dựng Miền Tây, anh Quân tiếp tục “một năm hiến máu 3- 4 lần”. Trong suy nghĩ của anh Quân, việc mình hiến máu là để cứu người, để noi gương cho sinh viên mình dạy và cũng là học hỏi những cán bộ trong trường. Anh Quân cười, chỉ tay về phía hàng ghế những người đang hiến máu- nói: “Thầy Chương- Chủ tịch Hội đồng trường, thầy Bằng- Hiệu phó cũng thường xuyên hiến máu”.

Để tuyên truyền, vận động sinh viên hiểu được mục đích ý nghĩa của việc hiến máu tình nguyện, cán bộ, giảng viên Trường ĐH Xây dựng Miền Tây hiến máu làm gương cho sinh viên. Riêng với các tổ chức Đoàn- hội sẽ giới thiệu về ý nghĩa và các việc cần làm trước những đợt hiến máu trên “fanpage”. Nhờ đó, phong trào hiến máu tình nguyện của nhà trường luôn được giữ ổn định.

Xin ghi nhận những đóng góp của người hiến máu vì đối với người bệnh, những người đã được cứu sống nhờ máu và các chế phẩm từ máu thì người hiến máu là những anh hùng.

 Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh