Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phân tích, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén, nhiệt độ cao kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao kèm với dông mạnh gây nên cơn lốc xoáy ở Vĩnh Phúc.
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phân tích, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén, nhiệt độ cao kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao kèm với dông mạnh gây nên cơn lốc xoáy ở Vĩnh Phúc.
Lốc xoáy làm 3 người chết, 18 người bị thương do sập xưởng gỗ của Công ty TNHH MTV Kiều Thi Junma (xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: Lê Phú. |
Thời gian tới sẽ tiếp tục có khả năng xuất hiện lốc xoáy
Cơn lốc xoáy chiều 10/6 đã làm đổ sập một nhà xưởng của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Kiều Thi Junma (Vĩnh Phúc) khiến 3 người chết và nhiều người bị thương.
Theo ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, nguyên nhân hình thành cơn lốc xoáy ở Vĩnh Phúc là do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén nên trong ngày 10/6, ở khu vực Bắc Bộ vẫn xảy ra tình trạng nắng nóng và nắng nóng gay gắt. Ở khu vực Vĩnh Phúc có nền nhiệt độ cao nhất trong ngày là 37 độ C.
"Do ảnh hưởng kết hợp với vùng hội tụ gió lên đến 3.000 m nên từ chiều tối ngày 10/6, mưa dông mạnh đã xảy ra trên khu vực Bắc Bộ, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc. Lốc xoáy là một hiện tượng gió xoáy cực mạnh, xảy ra trong một phạm vi nhỏ, hàng chục tới hàng trăm mét và tồn tại trong một thời gian ngắn đi kèm với hiện tượng lốc là dông và mưa đá. Nguyên nhân sinh ra gió lốc là những dòng khí nóng bốc lên cao một cách mạnh mẽ. Đây là nguyên nhân chính của việc hình thành cơn lốc xoáy chiều 10/6 ở Vĩnh Phúc", ông Trần Quang Năng cho biết.
Đánh giá về mức độ nguy hiểm của cơn lốc xoáy này, ông Trần Quang Năng cho biết, đặc điểm của gió lốc là tốc độ gió tăng mạnh đột ngột, khi đối lưu phát triển mạnh trong các đám mây dông, sự chênh lệch nhiệt độ theo chiều thẳng đứng lớn, làm cho áp suất thay đổi đột ngột, tạo nên những cột gió xoáy lớn tạo ra khả năng phá hủy, hút, kéo rất lớn.
Cơn lốc xoáy ở Vĩnh Phúc có sức tàn phá lớn, cường độ mạnh, có thể cuốn bay các đồ vật lớn và di chuyển chúng ra xa hàng trăm mét nên đã cuốn, kéo hút sập xưởng gỗ rộng 2000m2 của Công ty TNHH MTV Kiều Thi Junma tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên.
“Với việc bắt đầu vào mùa mưa bão đi kèm theo các việc xuất hiện liên tục hiện tượng dông và sẽ kèm theo lốc, xoáy nên trong thời gian này và thời gian tới sẽ tiếp tục có khả năng xuất hiện các hiện tượng lốc xoáy với nhiều mức độ ảnh hưởng khác nhau, nhưng chắc chắn là nguy hiểm đến tính mạng của nhân dân và các cơ sơ kinh tế - xã hội trên khu vực Vĩnh Phúc nói riêng và cho cả nước nói chung”, ông Trần Quang Năng nhận định.
Chỉ cảnh báo dông, lốc được trước 30 phút
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, với trình độ khoa học công nghệ dự báo khí tượng hiện nay, việc dự báo, cảnh báo chính xác được thời điểm, địa điểm xảy ra các thiên tai quy mô nhỏ như lốc xoáy, mưa đá là không thực hiện được. Tuy nhiên, với mạng lưới trạm ra đa hiện có, hệ thống dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn có thể đưa ra các cảnh báo đối với các cơn dông trước từ 30 phút tới vài giờ. Khi có cảnh báo về dông, người dân cần đề phòng và sẵn sàng các phương án tránh trú khi có dông và lốc xoáy xuất hiện.
Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Ảnh: Thu Trang. |
“Lốc xoáy thường xảy ra cùng với những cơn dông mạnh nên khi có các thông tin cảnh báo mưa dông liên và các thiên tai kèm theo như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh thì người dân cần tránh trú ở những nơi an toàn, đó là các công trình xây dựng kiên cố. Chính quyền địa phương, các cơ sở hoạt động kinh tế - xã hội và nhân dân cần rà soát và có biện pháp cải tạo các công trình để đảm bảo an toàn trước lốc xoáy nói riêng và thiên tai nói chung”, ông Trần Quang Năng khuyến cáo.
Trao đổi thêm kiến thức khoa học về hiện tượng dông, lốc, đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, dông là hiện tượng khí quyển quy mô nhỏ, đặc trưng bởi một hoặc một tổ chức mây đối lưu sâu và luôn đi kèm theo đó là hiện tượng sấm và sét và thường kèm theo gió mạnh và mưa lớn, đôi khi có mưa đá. Sự phóng điện trong đám mây hay giữa các đám mây với nhau và giữa các đám mây với mặt đất là nguyên nhân tạo ra hiện tượng chớp và sấm. Ở những vùng có dông, các yếu tố khí tượng thường thay đổi đột ngột của các yếu tố như: Nhiệt độ, độ ẩm không khí, khí áp, hướng và tốc độ gió. Dông được hình thành khi có đối lưu mạnh trong đó sự phát triển đối lưu ở trong mây có ý nghĩa rất lớn đối với sự tạo ra dông.
Lốc là một hiện tượng gió xoáy cực mạnh, xảy ra trong một phạm vi nhỏ, hàng chục tới hàng trăm mét và tồn tại trong một thời gian ngắn. Đi kèm với hiện tượng lốc là dông và mưa đá. Nguyên nhân sinh ra gió lốc là những dòng khí nóng bốc lên cao một cách mạnh mẽ. Trong những ngày nóng nực của mùa hè, mặt đất bị đốt nóng không đều nhau, một khoảng nào đó hấp thụ nhiệt thuận lợi sẽ nóng hơn, tạo ra một vùng khí áp giảm và tạo nên dòng thăng, không khí lạnh hơn ở xung quanh tràn đến tạo thành hiện tượng gió xoáy, tương tự như trong cơn bão nhưng ở quy mô nhỏ hơn rất nhiều.
Đặc điểm của gió lốc là tốc độ gió tăng mạnh đột ngột trong một thời gian ngắn. Lốc cũng thường xuất hiện trong những đám mây dông, khi đối lưu phát triển mạnh, sự chênh lệch nhiệt độ theo chiều thẳng đứng lớn, làm cho áp suất thay đổi đột ngột, tạo nên những cột gió xoáy lớn. Với những cột gió xoáy lớn này hoàn toàn có khả năng bốc, kéo theo lên nhiều toa tàu hỏa cùng một lúc hoặc những ngôi nhà hoặc những tàu thuyền cỡ vài chục tấn.
Nước ta là một trong những nơi có nhiều dông và xảy ra nhiều nhất ở vùng ven biển và vùng núi. Trên lục địa, dông thường xảy ra vào mùa nóng, nhất là vào buổi chiều và tối khi đối lưu ở trong đất liền phát triển mạnh hơn ở trên biển hoặc khi có sự tranh chấp của các khối không khí như khi có không khí lạnh. Ở vùng biển gần ven bờ, dông thường tập trung xảy ra vào ban đêm. Nguyên nhân chính là do sự chênh lệch nhiệt độ giữa nước và không khí đạt đến cực đại tạo điều kiện thuận lợi cho đối lưu phát triển vào ban đêm.
Tùy theo vùng, miền, thời gian xảy ra hiện tượng dông nhiều ở mỗi địa phương một khác nhau. Mặc dù vậy, nhìn chung ở nước ta mùa dông thường bắt đầu từ cuối tháng 3 và kết thúc vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12.
“Lốc thường xảy ra trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 10. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong mùa đông hầu như không có hiện tượng này. Lốc xoáy thường xảy ra vào mùa hè, nhất là ở những vùng núi và vùng sát biển. Ở Nam Bộ, hiện tượng gió lốc trong mùa hè không phổ biến như ở Bắc Bộ và Trung Bộ", ông Trần Quang Năng phân tích.
Theo các chuyên gia khí tượng, dông, lốc cũng như vòi rồng là các hiện tượng quy mô nhỏ, xuất hiện rất đột ngột và hoạt động trong một khoảng thời gian ngắn và hiện nay trên thế giới chưa thể dự báo chính xác cụ thể về thời điểm cũng như ví trị xảy ra các hiện tượng này.
Theo Thu Trang/Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin