"Cà khịa"

05:06, 25/06/2020

Có những câu nói chỉ cần nghe bạn đã cảm thấy khó chịu và không muốn tiếp lời. "Cà khịa" người khác đôi khi trở thành thú vui và để thỏa mãn tính đố kỵ.

 

Sự chân thành với nhau luôn xây dựng các mối quan hệ bền chặt.
Sự chân thành với nhau luôn xây dựng các mối quan hệ bền chặt.

Có những câu nói chỉ cần nghe bạn đã cảm thấy khó chịu và không muốn tiếp lời. “Cà khịa” người khác đôi khi trở thành thú vui và để thỏa mãn tính đố kỵ.

Sau 1 tuần làm việc mệt mỏi, T.V. thường về quê nghỉ ngơi sum họp bên gia đình. Nhưng dạo gần đây, mới về được 1 ngày là V. chỉ muốn trở lên thành phố ngay vì những người hàng xóm thích “cà khịa”. 

Nào là “người yêu đâu sao không dẫn về, rồi chừng nào cưới…” hay người khác thì “tế nhị” nhắn nhẹ “nhỏ đầu xóm bằng tuổi con mà người ta có con mấy tuổi rồi, vợ chồng cùng làm ăn mới cất được căn nhà khang trang lắm”...

Những lời nói có tính “sát thương” cao làm khoét sâu thêm nỗi buồn vừa chia tay bạn trai mà không dám cho ai hay, V. chỉ biết ngậm ngùi buồn bã giấu vào lòng…

Hay chơi chung nhóm bạn nhưng có người suốt ngày chỉ thích “cà khịa” người khác, lúc đầu cũng chỉ là nói vui nhưng dần dần trở thành thói quen, thành bản tính mà mọi người không thể chấp nhận và từ từ xa lánh. Hoặc có cặp vợ chồng, chị vợ tối ngày thích “cà khịa” anh chồng vì ghen bóng ghen gió.

Mỗi lần anh chồng đi giao tiếp công việc hay đi đám tiệc gì về là chị bắt đầu “cà khịa” kiểu như “hôm nay đi về vui quá ta, chắc là mới gặp được cô nào xinh đẹp lắm” hay khi gặp gỡ bạn bè cũ thì là “có gặp lại người yêu cũ không, tình cũ không rủ cũng tới mà”…, riết anh chồng cũng ngán ngẫm và tỏ vẻ chán ghét bực bội với những kiểu “cà khịa” vậy.

“Cà khịa” cũng là một trào lưu, giới trẻ sử dụng với các ý nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào ngữ cảnh sử dụng. Đây được xem là những từ không mang nghĩa tích cực, giống như “khẩu nghiệp” khi muốn nói đểu nhằm mục đích trêu tức, gây sự với người khác.

Nhưng nó cũng có thể là câu đùa hài hước, tạo không khí vui vẻ khi đang tán gẫu với bạn bè khi “cà khịa” đúng cách, có khiếu hài hước, nói chuyện duyên dáng mang đến sự vui vẻ cho mọi người.

Nhưng nếu không cẩn thận, câu nói đùa của bạn sẽ không vui chút nào, nặng hơn người nghe còn cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, khiến bạn thành người vô duyên.

Khi bị “cà khịa” cũng đừng vội nổi giận phản đòn lại mà suy nghĩ xem lời nói đó có ý nghĩa gì, mình đã làm gì không đúng hay đụng chạm gì tới người khác để bị “cà khịa”.

Tất nhiên, khi bị người khác nói xấu thì không phải ai cũng có thể tỏ vẻ không quan tâm, mặc kệ và nhanh chóng bỏ ngoài tai những lời nói ấy. Nhưng một trong những cách đối phó hay nhất khi bị nói xấu là hãy mặc kệ họ.

Hãy cố gắng suy nghĩ theo hướng tích cực và tự tin vào bản thân mình. Mỗi người đều có tính cách khác nhau, có ưu khuyết điểm và tôn nghiêm của mình.

Nhưng nếu gặp phải đối tượng có sở thích “cà khịa” người khác làm thú vui thì bạn có thể bày tỏ thẳng thắn sự không hài lòng, có thể trực tiếp đối khẩu lại hoặc “hủy kết bạn” nếu họ vẫn chứng nào tật nấy.

Trong cuộc sống thì rất dễ có kiểu “9 người 10 ý”, thế nên cho dù bạn là người thế nào thì cũng đều có thể bị người khác mang ra soi mói, ganh ghét.

Vậy nên hãy cứ tự tin là chính mình và đừng vì một vài câu nói không hay của người khác mà khiến tâm hồn dao động và đánh mất bản tính vốn có của mình. Sống trên đời chẳng ai có thể là người hoàn hảo, thế nên bị người khác nói xấu cũng chỉ là chuyện nhỏ.

Tuy nhiên đôi khi “cà khịa” cũng mang lại không khí vui tươi cho cuộc tụ họp bạn bè. Để có thể “cà khịa” người khác mà họ không cảm thấy buồn, ngược lại cảm thấy hài hước thì bạn nên suy nghĩ cách dùng câu từ như thế nào, đặt vào trường hợp giao tiếp nào cho phù hợp; tránh những điều nhạy cảm, những vấn đề mà người nghe kiêng kỵ hay khoét vào nỗi buồn của người khác.

Cũng đừng quá lạm dụng điều này sẽ trở thành kém duyên, bị bạn bè cho vào “danh sách đen” thích đố kỵ, thích trêu chọc người khác, nặng hơn sẽ không ai thích chơi chung.

Vì thế, trở thành người thông minh, duyên dáng, tế nhị, ai cũng yêu mến hay trở thành người kém duyên, thích soi mói, thường xuyên “nói điều khó nghe” mọi người đều xa lánh ngay cả một nửa của mình cũng ngán ngẫm, đều tùy thuộc vào nhìn nhận, cách nhìn cuộc sống lạc quan, yêu đời, hài lòng với bản thân và rộng lượng với mọi người xung quanh.

Bài, ảnh: LAM NGỌC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh