Truyện Kiều cuốn hút học sinh qua tiết dạy của cô giáo trẻ miệt sông nước Cà Mau

01:05, 30/05/2020

Một clip chia sẻ từ trang Facebook cá nhân của cựu học sinh Trường THPT Võ Thị Hồng về cô giáo chủ nhiệm của mình khiến giới trẻ tò mò, thích thú. Không ít ý kiến cho rằng, đây là một trong những cách lồng ghép linh hoạt, góp phần chuyển tải kiến thức một cách đơn giản, hữu hiệu đến học sinh…

Một clip chia sẻ từ trang Facebook cá nhân của cựu học sinh Trường THPT Võ Thị Hồng về cô giáo chủ nhiệm của mình khiến giới trẻ tò mò, thích thú. Không ít ý kiến cho rằng, đây là một trong những cách lồng ghép linh hoạt, góp phần chuyển tải kiến thức một cách đơn giản, hữu hiệu đến học sinh…

 Tiết dạy của cô giáo trẻ Huỳnh Sơn Ca luôn cuốn hút học sinh.
Tiết dạy của cô giáo trẻ Huỳnh Sơn Ca luôn cuốn hút học sinh.

Nhân vật chính trong clip nói về cô giáo trẻ dạy Ngữ văn tên Huỳnh Sơn Ca (SN 1989), đang công tác tại Trường THPT Võ Thị Hồng. Ngôi trường nằm heo hút tận ấp Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Tìm về tận ngôi trường trong sáng 29-5, cô Huỳnh Sơn Ca xác nhận, clip do một học sinh cũ của trường đăng tải. Sơn Ca tiết lộ, hồi còn chủ nhiệm lớp 11, trong một tiết dạy văn liên quan Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, học sinh thắc mắc về chuyện ghen tuông, hành hạ của Hoạn Thư đối với Thúy Kiều.

“Để giải tỏa áp lực và giúp không khí của lớp thêm sinh động, và để biết Hoạn Thư ghen thế nào, để cô hát cho mà nghe”, Sơn Ca thuật lại.

Vốn là “con nhà nòi”, Sơn Ca liền buông 34 câu Cổ Bản trong bài “Hoạn Thư bắt Thúy Kiều” của tác giả Trần Ngọc Thạch. Đây là một trong bảy Bài lễ của Đờn ca Tài tử Nam Bộ, đã được UNESCO công nhận là Văn hóa phi vật thể. Bài hát càng trở nên sinh động nhờ tiếng đờn mùi mẫn phụ họa phát ra từ chiếc điện thoại thông minh.

Hiệu quả chưa biết thế nào nhưng sau khi giọng hát trong như tiếng sáo của cô giáo trẻ cất lên, học trò say sưa dõi theo, sau đó tóm tắt lại gần như toàn bộ cách thức và thủ đoạn của Hoạn Thư đối với Thúy Kiều. “Lời ca, điệu hát của cô cuốn hút tụi em và đông đảo học sinh trong trường, giúp các em hiểu bài nhanh hơn, sâu hơn.

Bởi vậy, khi đến trích đoạn Truyện Kiều, khá nhiều học sinh ở trường yêu cầu cô Sơn Ca hát lại bài cũ”, em Nguyễn Tuyết Lan, học sinh lớp 10C2, Trường THPT Võ Thị Hồng, chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Văn, cựu sinh viên Trường đại học Cần Thơ, Huỳnh Sơn Ca về công tác tại ngôi trường vùng sâu, vùng xa miệt sông nước Cà Mau, đến nay đã tám năm.

Ngôi trường vùng sâu miệt sông nước Cà Mau có cô giáo trẻ lồng ghép cải lương trong tiết dạy.
Ngôi trường vùng sâu miệt sông nước Cà Mau có cô giáo trẻ lồng ghép cải lương trong tiết dạy.

Chừng ấy năm gắn bó với nghề, Sơn Ca luôn xem mình là người bạn đồng hành của học sinh, luôn lắng nghe, hoà đồng, nắm bắt tâm lý các em.

Cô giáo trẻ cũng không ngừng trăn trở, tìm tòi để có cách thức dạy linh hoạt hơn, mềm dẻo hơn… nhằm chuyển tải kiến thức tốt nhất, nhanh nhất đến các trò, giúp các trò hứng thú hơn với môn học.

“Nhờ có khiếu ca hát từ tấm bé, cộng với được cha truyền thụ và qua quá trình tìm tòi, tôi sưu tầm được một số bài, bản, trích đoạn cải lương liên quan cốt truyện, nhân vật. Vì thế, khi có dịp thích hợp, tôi tích hợp lại, kể và hát cho học trò nghe, truyền cảm hứng cho các em và góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy”, Sơn Ca tâm sự.

Sự thích thú của học trò qua nhiều tiết văn đã thôi thúc cô giáo trẻ Sơn Ca thêm miệt mài, nhiệt huyết. Ngoài hát cải lương, cô Sơn Ca còn ca nhạc, có khiếu kể chuyện…

Tùy vào tình huống nhất định, Sơn Ca biết cách vận dụng các “tài vặt” về văn nghệ lồng ghép trong tiết dạy để môn học thêm sôi động, giúp học sinh chịu khó tìm hiểu bài và đạt hiệu quả tốt nhất, thầy Phan Văn Lil, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Hồng, nhận xét.

Theo thầy Lil, thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo của ngành, trong quá trình thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học, thời gian qua, nhà trường đã phát động và khuyến khích mỗi giáo viên có cách làm sáng tạo để làm sao học sinh lĩnh hội kiến thức ở từng tiết học của mình một cách nhẹ nhàng, không tạo áp lực cho các em.

Qua đó, tạo được sự hứng thú và thu hút học sinh đối với đặc thù của từng môn học. “Ngoài cách kết hợp cải lương vào môn học Ngữ văn, nhà trường hiện có nhiều giáo viên bộ môn khác có cách làm đổi mới, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy”, thầy Lil chia sẻ.

Chiều 29-5, trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử, TS Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau cho biết, cách làm của cô Huỳnh Sơn Ca là sáng tạo, tích cực, phù hợp chủ trương đổi mới phương pháp dạy và học của ngành giáo dục.

Tới đây, Sở tiếp tục khuyến khích sáng tạo trong đổi mới phương pháp theo cách thức “nội dung cũ nhưng phương pháp mới”, tạo sự cuốn hút, hứng thú, tránh nhàm chán với học sinh.

“Khi có một sáng tạo cụ thể, lãnh đạo bộ môn, ban giám hiệu trường cũng cần có nhìn nhận, đánh giá để từ đó hoàn thiện, nhân rộng, phát huy cách làm hay”, TS Nguyễn Minh Luân nhắn nhủ.

Trường THPT Võ Thị Hồng được thành lập vào tháng 5-2010 và được đánh giá nằm trong tốp 5 trường THPT có chất lượng giáo dục nổi bật của tỉnh Cà Mau. Giai đoạn 2015-2020, trường có tỷ lệ học sinh khá, giỏi đạt hơn 66%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt trung bình 98,5%, tỷ lệ học sinh trúng tuyển đại học, cao đẳng gần 80%...

Theo HỮU TÙNG/Nhân dân

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh