Sau thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19, nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) được tổ chức khai giảng ở các địa bàn trong tỉnh.
Khai giảng lớp đào tạo nghề trong doanh nghiệp- nghề cơ khí ở xã Tân Mỹ chiều 14/5. |
Sau thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19, nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) được tổ chức khai giảng ở các địa bàn trong tỉnh.
Sáng 13/5/2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) phối hợp với cơ sở tổ chức khai giảng lớp đào tạo nghề may công nghiệp tại ấp An Hội (xã Tân An Hội- Mang Thít) với 18 học viên. Sau đó một ngày, 2 lớp nghề: may công nghiệp (khẩu trang) và cơ khí được khai giảng ở xã Thới Hòa, xã Tân Mỹ (Trà Ôn), mỗi lớp có số học viên tương tự. Điểm chung của các lớp nghề này là: tổ chức đào tạo nghề trong doanh nghiệp.
Tại DNTN vận tải Phương Anh trên địa bàn xã Tân Mỹ, trong lớp nghề cơ khí- hàn khai giảng chiều 14/5, những gương mặt nhễ nhại mồ hôi đôi chục tuổi, 40-50 tuổi là LĐNT trong xã và một số địa bàn khác trong áo quần nón nải còn dính bụi sét, đất cát là học viên của lớp.
Anh Nguyễn Hoài Hận (41 tuổi, ngụ ấp Mỹ Định) làm ở cơ sở chuyên sửa chữa tàu thuyền này 4 năm nay. Yêu cầu công việc đã “dạy” anh khá lành nghề. Nay học lớp cơ khí này, anh Hận bày tỏ: “Học và biết nghề sẽ cơ bản hơn, giúp mình làm tốt công việc, cụ thể ở việc lắp ráp”.
Làm nghề khi cơ sở bắt đầu hình thành 4-5 năm trước, với việc là “bắn” cát để “rửa” bụi, sét trên thân tàu, chú Nguyễn Văn Long gần 60 tuổi (ấp Mỹ Định) giờ là “bạn học” của anh Hận. Dáng rắn rỏi, việc nặng nhọc, chú Long nói “học để biết thêm, ngoài “bắn” cát còn có thể chấm sắt trước khi chuyển tới khâu của thợ hàn”.
Quanh ụ tàu, gần 20 người LĐNT ấy “rặt” là dân cơ khí, sắt thép, ván gỗ... bên những chiếc ghe lớn hoặc chiếc tàu biển vào đợt sửa chữa, “tút tát” lại. Họ làm nghề, có thu nhập khá ổn định, nay học chính nghề đã và đang làm, biết thêm kiến thức để làm tốt việc!
Cũng mục đích ý nghĩa đó nhưng “mềm mại” hơn là những lớp may công nghiệp: áo mưa, khẩu trang. 2 lớp nghề này mỗi lớp có 18 học viên, có lao động nam nhưng hầu hết là chị em phụ nữ. Nơi dạy học cũng chính là các cơ sở sản xuất kinh doanh. Có lao động sinh năm 2000, có lao động là vợ chồng chở nhau đi học, đa số là người cùng xóm làng. Tham gia lớp, học viên được dạy kiến thức căn bản từ kim, chỉ cho tới đo, cắt, khâu, may... Ngày khai giảng lớp thấy nhiều màu sắc... và vui!
Tại lớp nghề may, Phó Phòng đào tạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh- Nguyễn Thanh Thắng phổ biến với học viên tham gia lớp học nghiêm túc, đi học đầy đủ lý thuyết lẫn thực hành, tham gia kiểm tra cuối khóa tốt để được cấp chứng chỉ đào tạo nghề.
Theo ông Nguyễn Quốc Thanh- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, đơn vị đã và đang đẩy mạnh kết hợp với các doanh nghiệp mở các lớp đào tạo nghề trong doanh nghiệp theo nhu cầu của LĐNT. Thuận lợi là LĐNT hầu hết ngụ tại cơ sở, học hành với nguồn nguyên liệu tại chỗ và được hỗ trợ giải quyết việc làm, góp phần tạo thu nhập nâng cao đời sống...
Trước đó trong thời gian giãn cách xã hội phòng dịch, các địa phương, cơ sở đào tạo đã chuẩn bị hồ sơ 30 lớp đào tạo nghề với dự kiến 676 học viên LĐNT. Tất cả số này đang được đẩy nhanh tiến độ mở lớp. Năm 2020, chỉ tiêu cả tỉnh đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 7.000 LĐNT (nghề nông nghiệp 1.500 người, nghề phi nông nghiệp 5.500 người).
Các ngành chức năng trong nhiều giải pháp đề ra cho biết sẽ tăng cường đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT theo hình thức đào tạo lưu động tại các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung; khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia đào tạo nghề cho LĐNT... Các lớp nghề vừa nêu là bước cụ thể nhiệm vụ ấy với đối tượng thụ hưởng- người LĐNT.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin