Phụ nữ khởi nghiệp không dễ dàng, để duy trì và phát triển lại càng không dễ, nó đòi hỏi phải tâm huyết, sức sáng tạo và sự đầu tư nghiêm túc.
Phụ nữ khởi nghiệp không dễ dàng, để duy trì và phát triển lại càng không dễ, nó đòi hỏi phải tâm huyết, sức sáng tạo và sự đầu tư nghiêm túc.
2 chú chuột được làm từ giấy báo rất đẹp mắt của chị Tuyết được trưng bày tại Khu du lịch Mekong Hometown Vĩnh Long. |
Mạnh dạn bắt tay khởi nghiệp gần 3 năm nay với một cái nghề cũng khá mới lạ và đặc biệt thân thiện môi trường, hàng thủ công mỹ nghệ làm từ giấy báo cũ, chị Bùi Ngọc Ánh Tuyết (Phường 9- TP Vĩnh Long) đang gầy dựng thương hiệu và khá “có tiếng” cả trong và ngoài tỉnh.
Nhưng để duy trì được với thời gian gần 3 năm và có phần “lan tỏa” ra cộng đồng là điều không dễ. Chị đã không ngừng sáng tạo, không ngừng quyết tâm và chịu khó mày mò mỗi đêm sau giờ làm việc ở cơ quan để tạo ra những mẫu mã mới, nghiên cứu tìm những chất liệu phối hợp có độ bền, sáng và đẹp mắt.
Hiện tại, chị Tuyết làm ra được hàng trăm mẫu mã đa dạng từ vật dụng sinh hoạt, trang trí trong gia đình đến phụ kiện thời trang, trang sức, quà tặng lưu niệm. Mỗi sản phẩm đều là tâm huyết và đầy sáng tạo của chị.
Bình quân mỗi tháng, chị Tuyết bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh trên 1.000 sản phẩm các loại. Ngoài ra, chị còn góp phần tạo việc làm cho lao động, có tháng đơn hàng nhiều chị phải huy động đến vài chục lao động thời vụ làm việc. Sản phẩm của chị đã tìm đến được người tiêu dùng các tỉnh, các khu du lịch và cả ngoài nước.
Không “giấu nghề”, ngoài thời gian làm việc, thời gian làm sản phẩm, chị Tuyết còn mở gần 10 lớp dạy nghề miễn phí cho các chị em có nhu cầu học nghề, mỗi lớp có trên 20 học viên tham gia.
Chị dạy tại nhà và phối hợp với các hội LHPN cơ sở để mở lớp dạy cho hội viên, phụ nữ. Đầu tư nghiêm túc, chị còn phối hợp với Trường ĐH Xây dựng Miền Tây mở xưởng thủ công mỹ nghệ từ giấy, dạy nghề cho sinh viên và tạo việc làm thời vụ cho sinh viên có nhu cầu.
Lao động không ngừng nghỉ, mỗi dịp lễ trong năm chị còn tranh thủ làm hoa giấy, lấy hàng hoa sáp về bán dọc các tuyến đường, mỗi mùa lễ chị cũng kiếm thêm thu nhập vài triệu đồng để tiếp tục đầu tư cho niềm say mê nghề handmade của mình.
Tuy việc kinh doanh của chị không tốn quá nhiều chi phí đầu tư mà chủ yếu là năng khiếu và sự sáng tạo, kiên trì, nhưng chị Tuyết cũng phải tìm mua giấy báo cũ giá rẻ, mua nguyên vật liệu phối hợp, chọn lựa sao giá cả phải hợp lý lại bền đẹp.
“Để duy trì và phát triển được nghề này thì phải có niềm say mê, sự kiên trì, tỉ mỉ, chịu khó tự đi tìm đầu ra, giới thiệu sản phẩm trên mạng và tham gia các hội chợ thương mại, dịch vụ, việc làm. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng hết sức vì niềm đam mê của mình”- chị Tuyết chia sẻ.
Bà Phan Kim Quyên- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long- cho biết, mô hình khởi nghiệp của chị Tuyết là một trong những mô hình khá hiệu quả. Chị có tâm huyết với nghề và có thể duy trì, phát triển bền vững mô hình nếu trang bị tốt năng lực quản lý kinh doanh.
Hội LHPN tỉnh cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ chị Tuyết tiếp cận các chính sách, tiếp cận nguồn vốn và các ngành chuyên môn để đăng ký nhãn hiệu và tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm ở các hội chợ thương mại, dịch vụ trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh, để duy trì tốt thì rất cần phải quan tâm tăng cường nội lực, nâng cao năng lực quản lý điều hành, quảng bá sản phẩm, tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyên môn cập nhật các kiến thức trong kinh doanh, nhất là kinh doanh online trong thời điểm công nghệ hiện nay. Đặc biệt là phải không ngừng sáng tạo đa dạng mẫu mã, chú trọng chất lượng sản phẩm và giá cả hợp lý để thu hút khách hàng.
Sự sáng tạo là yếu tố cho sự thành công của chị Tuyết, ngoài các sản phẩm từ giấy báo xe thành sợi, chị Tuyết vừa sáng tạo ra loại sản phẩm mới làm từ chất liệu bột giấy, có độ bền cứng như được làm từ hồ, đất nung khi được pha trộn với một số nguyên liệu phù hợp. Chị làm một số mẫu mã từ nguyên liệu mới này như bình hoa, chậu, đồ trang trí…, tạo được hiệu ứng rất tốt.
Chị Tuyết dạy nghề miễn phí cho sinh viên (ảnh chụp vào cuối năm 2019). |
Cùng với tình hình chung trong mùa dịch, việc kinh doanh của chị Tuyết cũng đang gặp một số khó khăn, sản phẩm bán ra rất chậm, khách hàng không có nhu cầu tìm mua trong 2 tháng nay. Buồn nhất là chị cũng vừa mất một đơn hàng khá lớn với số lượng 15.000 sản phẩm xuất sang Mỹ.
Chị Tuyết chia sẻ: “Niềm vui chưa dứt vì tìm được khách hàng Việt kiều Mỹ yêu thích sản phẩm và đặt liền 15.000 sản phẩm gửi sang Mỹ. Khách đã đặt cọc một phần chi phí và tôi đã chuẩn bị xong đâu đó, thuê thêm hơn 20 lao động phụ giúp, làm ra được phần nhiều sản phẩm rồi, nhưng do dịch bệnh đang bùng phát, mọi phương tiện vận chuyển đều ngưng lại, vì thế chị khách hàng đã gọi bảo dừng lại và bỏ luôn phần tiền cọc. Tôi cũng thông cảm và hiện đang bày bán thanh lý sản phẩm trên mạng. Cũng buồn vì rất muốn giới thiệu sản phẩm hàng thủ công của mình ra ngoài nước, nhưng tôi không nản chí. Hy vọng mau hết dịch bệnh để người kinh doanh vượt qua khó khăn”.
Thật vậy, để duy trì và phát triển nghề kinh doanh, nhất là đối với phụ nữ, ngoài những hỗ trợ của Nhà nước, thì rất cần sự tự tin, sự kiên trì, vượt khó và cả sự đầu tư nghiêm túc, học tập những kỹ năng trong kinh doanh và sức sáng tạo sẽ giúp họ thành công, góp phần cùng xã hội phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống.
Bài, ảnh: HẢI YẾN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin