Những giọt máu hồng, ấm nồng mùa dịch

07:04, 07/04/2020

Không ồn ào náo nhiệt như mọi khi, các đợt hiến máu tình nguyện vào những ngày trước cách ly (giãn cách) toàn xã hội thưa người và trật tự lạ thường. Những giọt máu nghĩa tình được hiến ngày cuối cùng trước khi hủy hàng loạt các đợt hiến máu càng có ý nghĩa giữa mùa dịch COVID- 19.

 

Thực hiện những quy tắc phòng chống dịch- kiểm tra thân nhiệt- khi tham gia hiến máu.
Thực hiện những quy tắc phòng chống dịch- kiểm tra thân nhiệt- khi tham gia hiến máu.

Không ồn ào náo nhiệt như mọi khi, các đợt hiến máu tình nguyện vào những ngày trước cách ly (giãn cách) toàn xã hội thưa người và trật tự lạ thường. Những giọt máu nghĩa tình được hiến ngày cuối cùng trước khi hủy hàng loạt các đợt hiến máu càng có ý nghĩa giữa mùa dịch COVID- 19.

Hiến máu không được buồn lắm

Không còn các đợt hiến máu rầm rộ như ngày toàn dân hiến máu tình nguyện hàng năm bởi không tập trung đông người, hạn chế tối đa sự lây nhiễm COVID- 19. Tuy nhiên, người dân ở Tam Bình vẫn đến đúng hẹn để hiến máu cứu người.

Các cô chú hiến máu nhiều lần, các anh chị nhân viên tranh thủ ghé qua hiến máu, vài chiếc áo xanh đang đợi đến phiên mình. Tất cả những tấm lòng tạo nên nét đẹp không đơn thuần là hiến máu tình nguyện nữa, họ là những người đi hiến máu trong mùa dịch.

Nhiều gương mặt hiến máu quen thuộc đến nỗi họ xem nhau như người thân vì “đi hiến máu chung riết quen”.

Trên những dãy ghế được đặt thưa hơn ngày thường, những người hiến máu được chia nhỏ ra từng đợt, mỗi đợt tối đa 10 người hiến máu ngồi thành 2 dãy. Cô Phan Thị Thủy Chung (xã Tường Lộc) cho hay đây là lần hiến máu thứ 35 của cô.

Cô nói: “Tôi đều đặn đi hiến máu 3 tháng 1 lần, sức khỏe tốt lắm. Hơn 6 tháng rồi, chồng tôi nằm bệnh viện nên không đi hiến máu được, nếu không thì lần này là lần hiến thứ 37, 38 gì rồi”.

Chồng cô Chung mới mất cách đây 2 tháng vì bệnh ung thư máu. Hơn ai hết, cô Chung hiểu được sự cần thiết của máu đối với người bệnh. Cô Chung chia sẻ: “Chồng tôi cần vô tiểu cầu, ảnh mất vì chưa kịp vô tiểu cầu phù hợp”. Câu chuyện bỗng ngập ngừng sau lời cô Chung, có lẽ vì vậy, khi chồng mất không lâu có đợt nhận máu mới thì cô Chung lại đi cho.

Chị Huỳnh Thị Ngọc Đoan (thị trấn Tam Bình) đang giữ miếng bông băng trên cánh tay vì mới hiến máu xong. Chị Đoan đã có hơn 10 lần hiến máu và 1 lần hiến tiểu cầu trực tiếp tại bệnh viện cho người thân.

Chị Đoan chia sẻ: “Tôi có người anh bị ung thư đại tràng cần vô tiểu cầu và tôi đã từng truyền trực tiếp cho anh mình”. Thấu hiểu được sự cần thiết của việc hiến máu cứu người, chị Đoan luôn tích cực tham gia các đợt hiến máu tình nguyện địa phương tổ chức. Chị Đoan nói thêm: “Tôi nhớ rõ thời gian hiến máu và đến nay hiến mười mấy lần rồi. Làm như hiến máu riết thành thói quen, lần nào đi mà không cho được thì buồn lắm”.

Hiến máu an toàn mùa dịch

Trong khi một số người lo lắng vì hiến máu trong mùa dịch thì những ngày tháng 3 nhiều người vẫn tham gia hiến máu và thực hiện những quy định để đảm bảo an toàn.

Hiến máu là một trong những hoạt động nhân đạo có ý nghĩa thường xuyên được các đoàn viên thanh niên hưởng ứng và tham gia rất tích cực. Đó là hạnh phúc khi được chia sẻ và hạnh phúc khi các bạn làm được một điều có ích cho xã hội, cho cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Kim Ngân- giáo viên Trường Mầm non Cái Ngang- đã đi hiến máu 3 lần. Đợt hiến máu này, chị “rủ rê” thêm đồng nghiệp là chị Trần Thị Bích Diễm đến cùng hiến máu. Chị Bích Diễm lần đầu hiến máu nên thấp thỏm ngồi ở hàng ghế chờ, cứ đứng lên, ngồi xuống, căng thẳng nhìn mọi người vừa hiến máu xong.

“Tôi thấy hơi sợ vì là lần đầu đến, không biết có đủ điều kiện hiến máu không nhưng trong mùa dịch COVID- 19 này, lượng máu đang thiếu, nếu có thể giúp mọi người thì hay quá”- chị Bích Diễm cho biết.

Chị Kim Ngân cũng gật gù đồng tình: “Tôi bị huyết áp thấp, đi 2-3 lần mới hiến được 1 lần nhưng nghe phát động là tôi đi liền, mấy ngày trước đó phải ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ, hy vọng có thể hiến máu. Mùa dịch bệnh này coi thời sự thấy máu đang thiếu, nếu ai cần giúp mà được giúp kịp thời thì ý nghĩa lắm. Đó cũng là lý do tôi rủ rê thêm càng đông người đi càng tốt”.

Những đợt hiến máu trong tháng 3 ở tỉnh Vĩnh Long không tập trung đông người.
Những đợt hiến máu trong tháng 3 ở tỉnh Vĩnh Long không tập trung đông người.

Trong 10 năm nay, anh Võ Thanh Xuân (43 tuổi, xã Bình Ninh) đã đi hiến máu 22 lần. Chia sẻ lý do có thể duy trì hiến máu trong nhiều năm, anh Xuân cười tươi: “Đi riết là bị ghiền đó, 1 năm tui đi 2-3 lần mà vẫn khỏe ru, có thể giúp người mà sức khỏe mình vẫn đảm bảo thì đó là niềm vui lớn”.

Chú Lê Văn Ẩn (xã Long Phú) 60 tuổi, đây là lần thứ 5 chú đến hiến máu. “Bắt đầu từ năm 2015, tui đi hiến máu, con gái cũng đi, có thể giúp người khác mà không có hại gì đến sức khỏe của mình thì không có gì ngại hết. Tuy nhiên tôi chỉ có thể hiến máu theo sức khỏe của mình, cũng cao tuổi rồi nên mỗi năm chỉ đi hiến 1 lần. Chừng nào còn sức khỏe thì tiếp tục đi hiến nữa”- chú Ẩn chia sẻ.

Đến hiến máu, chú Ẩn đã đeo sẵn khẩu trang cho mình, chú được đo thân nhiệt và được yêu cầu giữ khoảng cách 2m với người xung quanh nên chú Ẩn càng yên tâm hơn.

Những giọt máu nghĩa tình càng có ý nghĩa hơn khi được sẻ chia trong những ngày cả nước chung tay chống dịch COVID- 19.

Bà Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng BCĐ Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh- cho biết: “Chúng tôi thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo an toàn trong công tác tiếp nhận máu và cho người hiến máu như đo nhiệt độ, chuẩn bị dung dịch sát khuẩn, khẩu trang- cho những người không mang khẩu trang theo- khi tham gia hiến máu. Chia các đợt hiến máu ra nhỏ, lẻ để tránh tập trung đông người. Ngoài ra, các đơn vị bố trí các khu vực riêng biệt trong công tác hiến máu, thường xuyên khử khuẩn xe tiếp nhận máu.

Bài, ảnh: HUYỀN THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh