Cảnh báo SARS-CoV-2 xâm nhập cộng đồng

09:04, 10/04/2020

Mặc dù Việt Nam thực hiện các giải pháp sớm, mạnh, dứt khoát để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, song theo đánh giá của Bộ Y tế, hiện dịch đã có sự lây lan ra cộng đồng. Tại cuộc họp BCĐ quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra khuyến cáo cần tiếp tục tuân thủ nguyên tắc ngăn chặn và phát hiện sớm nguồn lây.

Mặc dù Việt Nam thực hiện các giải pháp sớm, mạnh, dứt khoát để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, song theo đánh giá của Bộ Y tế, hiện dịch đã có sự lây lan ra cộng đồng. Tại cuộc họp BCĐ quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra khuyến cáo cần tiếp tục tuân thủ nguyên tắc ngăn chặn và phát hiện sớm nguồn lây.

Những ngày trong khu cách ly, các công dân về từ Australia được các cán bộ chăm sóc y tế thường xuyên.
Những ngày trong khu cách ly, các công dân về từ Australia được các cán bộ chăm sóc y tế thường xuyên.

SARS-CoV-2 xâm nhập cộng đồng

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, liên quan đến bệnh nhân số 237, 243 và 251 không tìm được nguồn lây nhiễm cho thấy dịch COVID-19 đã lây lan ra cộng đồng.

“Tìm nguồn lây nhiễm là quan trọng, nhưng trong trường hợp có lây nhiễm trong cộng đồng, ưu tiên hàng đầu là triển khai các biện pháp cách ly, khoanh vùng, dập ngay, không để dịch lan rộng từ ca nhiễm được phát hiện. Các địa phương khi gặp các ca nhiễm tương tự, không được mất cảnh giác, chủ quan chỉ cho rằng ca nhiễm mới có liên quan đến những ổ dịch cũ”- ông Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở y tế cần nâng cấp các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời, phải phân luồng, phân tuyến và coi tất cả những người đến khám đều là trường hợp nghi ngờ.

Đặc biệt, những nhân viên y tế làm tại phòng khám, khoa hô hấp phải được xét nghiệm thường xuyên và không để lây nhiễm từ nhân viên y tế sang bệnh nhân. Biện pháp này nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng trước tình hình dịch đang diễn biến mới rất phức tạp, vì đã có sự lây nhiễm từ cộng đồng vào cơ sở khám chữa bệnh và ngược lại.

BCĐ quốc gia phòng chống dịch COVID-19 yêu cầu không được mất cảnh giác với mọi ca bệnh mới phát hiện tại cộng đồng, không bỏ qua bất kỳ khả năng nào dù nhỏ nhất; tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” cần lưu ý rà soát những người từ nước ngoài về Việt Nam và cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam; hoàn thiện cơ chế để giám sát, truy dấu vết.

Các chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng hiện nay là nhanh chóng khoanh vùng, xử lý dịch, cách ly tất cả những người tiếp xúc gần với người mắc và những khu vực nào có ca mắc đều được coi là ổ dịch.

GS.TS Nguyễn Thanh Long- Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế- khẳng định: “Khi phát hiện một ca mắc, chúng ta không cố truy tìm người mắc đó nguồn lây từ đâu mà phải xác định đấy là một ổ dịch và đấy chính là F0. Bởi có 2 khả năng, một là người mắc này có thể lây nhiễm ra ngoài cộng đồng, hai là lây nhiễm từ người xung quanh qua người này. Điều này rất quan trọng, do vậy cần khoanh vùng rất nhanh những người tiếp xúc gần với người mắc để thực hiện nhanh xét nghiệm SARS-CoV-2”.

Cần hết sức cảnh giác, không lơ là

Qua 8 ngày thực hiện việc giãn cách xã hội, phần lớn người dân Vĩnh Long thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương này bởi trước tình trạng xuất hiện nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, đây là biện pháp hiệu quả nhất nhằm hạn chế sự lây lan của SARS-CoV-2 gây nên dịch COVID-19.

Theo TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, hiện dịch COVID-19 đã xâm nhập cộng đồng, số ca mắc không còn quan trọng như trước đây, mắc ít thì mừng. “Song, quan trọng là phải cảnh giác cao độ hơn, xem ai cũng có nguy cơ lây nhiễm để dự phòng, chứ không phải để kỳ thị.

Do vậy, cần tuân thủ “giãn cách xã hội”, mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên là rất quan trọng. Bảo vệ thật nghiêm ngặt người già, người giảm sức đề kháng. Nói chung là hạn chế tiếp xúc tối đa ở tất cả mọi người”- TS. bác sĩ Hồ Thị Thu Hằng
cho biết.

Cách ly cùng với giãn cách xã hội là để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh từ người này sang người khác. Vừa hoàn thành cách ly 14 ngày tại Trường Quân sự tỉnh Vĩnh Long, chị Nguyễn Thị Xuân Lan (huyện Nhơn Trạch- Đồng Nai) cho biết: “Tôi cùng 231 người trở về từ Australia được cách ly tại đây rất thoải mái và an tâm về sức khỏe. Tôi ăn chay trường, các bộ đội chuẩn bị riêng phần cơm chay ngon, bổ sung thêm bánh ngọt. Có kết quả âm tính 2 lần, ai cũng vui mừng”.

Ông Trần Văn Võ (ấp Bình Phú, xã Loan Mỹ- Tam Bình) ý thức cao trong việc tự ý thức phòng chống dịch bệnh.

“Mình cũng không được chủ quan, lơ là phòng bệnh đâu, nhất là vợ chồng già như tụi tui cần phải ở nhà nghiêm nữa. Mọi người trong nhà tui giữ vệ sinh sạch sẽ cho con người mình khỏe, nhất là bàn tay phải rửa thường xuyên để tránh bụi bặm dơ bẩn bám vào mũi, miệng mình. Phải đeo khẩu trang đúng cách khi tiếp xúc với mọi người”.

Rồi ông cho biết: “Các con làm công chức trên tỉnh cũng thực hiện nghiêm đeo khẩu trang, ra đường khi thật cần thiết. Các con còn dặn vợ chồng tui tận dụng rau trái, gà vịt trong vườn để hạn chế ra ngoài vì người già mà lỡ dính vi rút thì điều trị khó lắm”.

Công sở tuân thủ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Công sở tuân thủ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Dịch bệnh là điều không dự tính được, nhưng hiểu đúng, hiểu đủ, để chung sống với dịch bệnh là điều mỗi người chúng ta đều có thể chủ động làm được. Trách nhiệm cá nhân vô cùng quan trọng.

Chị Phan Hải Đăng (Phường 4- TP Vĩnh Long) nói vui rằng, chưa bao giờ làm người tốt lại dễ đến thế, chỉ cần “cách ly” ngồi yên một chỗ là giúp cho cả cộng đồng.

Bởi nếu một người dù chưa bệnh nhưng nếu không chịu thực hiện nghiêm việc “giãn cách xã hội” thì người đó có thể bị lây bệnh từ người khác rồi phát tán ra những người xung quanh. Và nếu như tất cả mọi người đều hiểu điều này để cùng đồng lòng thực hiện thì việc đẩy lùi dịch COVID-19 chỉ là vấn đề thời gian.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam- Trưởng BCĐ quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 khẳng định việc giãn cách xã hội mà Việt Nam đang thực hiện vẫn là biện pháp rất quan trọng để ngăn chặn nguồn lây nhiễm trong cộng đồng. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn kiên định theo chiến lược chủ động ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đây là chiến lược không thay đổi.

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh