Một số trường hợp tử vong ở trẻ em nước Anh do một hội chứng viêm hiếm gặp mà các nhà nghiên cứu tin rằng có liên quan tới dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Một số trường hợp tử vong ở trẻ em nước Anh do một hội chứng viêm hiếm gặp mà các nhà nghiên cứu tin rằng có liên quan tới dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Một số biểu hiện của bệnh Kawasaki. Ảnh: TTXVN |
Ngày 28/4, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết một số trẻ em đã tử vong dù không có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào.
Theo ông, đây là một căn bệnh mới mà giới chức Anh và các chuyên gia y tế nghĩ rằng có thể do virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 gây ra, dù không chắc chắn hoàn toàn do một số người mắc căn bệnh này lại có kết quả âm tính với virus. Hiện các chuyên gia y tế vẫn đang nghiên cứu về căn bệnh mới này.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Anh Victoria Atkins cũng cảnh báo các bậc phụ huynh nên cảnh giác với căn bệnh viêm nhiễm nguy hiểm này ở trẻ sơ sinh mà các chuyên gia y tế cho rằng có mối liên hệ với dịch COVID-19
. Bà cho biết giới chức y tế Anh nhận định đây là một căn bệnh cực kỳ hiếm gặp, đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng trong bối cảnh hiện vẫn chưa có nhiều thông tin về căn bệnh này.
Hiện các chuyên gia y tế của Italy và Anh đang điều tra về khả năng liên quan giữa dịch COVID-19 và nhóm bệnh giống như bệnh Kawasaki, một bệnh gây viêm nhiễm nghiêm trọng ở trẻ nhỏ với các triệu chứng như sốt cao và viêm động mạch vành cung cấp máu cho tim.
Các bác sĩ ở miền Bắc Italy, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 trên thế giới, đã ghi nhận một số lượng lớn trẻ nhỏ dưới 9 tuổi có biểu hiện mắc bệnh tương tự bệnh Kawasaki, vốn thường xảy ra phổ biến ở các nước châu Á.
Bệnh Kawasaki, được đặt tên theo tên một bác sĩ nhi khoa người Nhật Bản, là bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi gây sốt cấp kèm phát ban toàn thân.
Bệnh này gây viêm trong thành mạch của các động mạch nhỏ và vừa trên toàn cơ thể, bao gồm các động mạch vành, cung cấp máu cho cơ tim. Kawasaki còn được gọi là hội chứng da niêm mạc (mucocutaneous) hạch bạch huyết vì nó cũng ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết, da và màng nhầy bên trong mũi, miệng và cổ họng.
Nếu không được điều trị, cứ 5 trẻ mắc bệnh Kawasaki sẽ có 1 trẻ bị các tổn thương mạch vành. Đối với hầu hết trẻ mắc bệnh, tổn thương này thường nhỏ và không kéo dài.
Tuy nhiên ở một số trẻ, tổn thương có thể tồn tại cho tới khi trẻ trưởng thành, khiến cho thành động mạch vành trở nên yếu và hình thành túi phình động mạch. Các túi phình động mạch này rất nguy hiểm, chúng có thể cản trở máu chảy tới các cơ tim.
Theo Thông tấn xã Việt Nam
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin