Ấm tình người trong mùa dịch

01:04, 28/04/2020

Dịch COVID- 19 khiến nhiều người có hoàn cảnh khó khăn càng khó khăn gấp bội. Và trong hoàn cảnh đó, đã có những cách làm ấm tình người nhằm san sẻ bớt những khó khăn với tinh thần "lá lành đùm lá rách" và "lá rách đùm lá nát".

Dịch COVID- 19 khiến nhiều người có hoàn cảnh khó khăn càng khó khăn gấp bội. Và trong hoàn cảnh đó, đã có những cách làm ấm tình người nhằm san sẻ bớt những khó khăn với tinh thần “lá lành đùm lá rách” và “lá rách đùm lá nát”.

Đoàn viên thanh niên Trà Ôn hỗ trợ bà con tại “ATM gạo”.
Đoàn viên thanh niên Trà Ôn hỗ trợ bà con tại “ATM gạo”.

“ATM gạo Trà Ôn”- cầu nối yêu thương

Ngay từ sáng sớm ngày 25/4, “ATM gạo” ở thị trấn Trà Ôn đã được sự quan tâm của nhiều người. Đại đức Thích Mật Tịnh- trụ trì chùa Phước Nguyên (xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn) là người sáng lập “ATM gạo” ở Trà Ôn- cho biết: “Tôi đọc báo thấy ATM đầu tiên ở TP Hồ Chí Minh thì đã muốn làm ở Trà Ôn nhưng có nhiều bước chuẩn bị, vận động phật tử,… nên đến nay mới thành lập được”.

Được sự ủng hộ của UBND huyện và sự chung tay, góp sức của UBMTTQ huyện, Hội Chữ thập đỏ và Huyện Đoàn nên “ATM gạo” Trà Ôn được lắp ngay trong khuôn viên rộng rãi của Trung tâm Văn hóa huyện.

Chị Nguyễn Thị Trắc Lin- Bí thư Huyện Đoàn Trà Ôn cùng các bạn đoàn viên đã có mặt từ sớm để chuẩn bị các công tác hậu cần ra mắt ATM, hướng dẫn cho bà con sử dụng, đảm bảo giãn cách và thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Chị Trắc Lin cho rằng: “Thanh niên huyện Trà Ôn góp chút sức mình giúp bà con giảm khó khăn với tinh thần xung kích, tình nguyện”.

Vậy là, các đoàn viên thanh niên huyện sẽ túc trực ở ATM để hướng dẫn bà con lấy gạo cũng như ghi lại danh sách những nhà hảo tâm đóng góp.

Bà Nguyễn Thị Thàn (72 tuổi) vừa nhận gạo xong chuẩn bị ra về, bà cười thật tươi tay run run cầm 2kg gạo. “Nhiêu đây gạo ăn được 3- 4 ngày cho cả nhà 4 miệng ăn”. Bà Thàn ở cùng 3 người cháu, trong đó, lao động duy nhất trong nhà là người cháu bán vé số.

Nhiều ngày nay, vé số ngừng phát hành thì gia đình bà cũng bị mất thu nhập. Bà Thàn cho hay: “Hôm trước cũng được đại lý và nhà từ thiện cho gạo và vài trăm ngàn nhưng hết rồi, có số gạo này tôi mừng lắm”.

Chỉ trong vòng 15 phút đứng cạnh thầy Tịnh, chúng tôi thấy thầy đã tiếp nhận thêm 600kg gạo: phật tử chùa Phước Hậu: 300kg gạo, cô giáo Thủy: 100kg, vựa gạo Ánh Thu: 100kg, đại lý vé số Thiện Thuận: 100kg.

Chị Phạm Ánh Thu- chủ vựa gạo Ánh Thu- cười tươi: “Con 100kg gạo nhe thầy Tịnh, trong thùng gạo gì thầy cho con biết con lấy y vậy để bà con dễ nấu”. Chị Thu nói tiếp với tôi: “Có ai vận động chị đâu, chị lên facebook thấy rồi xách xe chạy lại đây cho á”. Được biết, trong đợt dịch này, chị Thu cũng đã hỗ trợ hàng trăm hộ bán vé số trong huyện.

Nét đẹp mà “ATM gạo” mang lại không là đôi ba ký gạo mà đó là cầu nối những nhà hảo tâm đến với những người khó khăn. Mỗi người góp một chút mình, giúp nhiều người vượt khó khăn “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.

Những phần quà “đúng địa chỉ”

Cô Quách Thanh Vân- Phó Chủ tịch Hội Thân nhân kiều bào TP Vĩnh Long- chia sẻ về hoàn cảnh những người sắp nhận quà. Cô Vân nói: “Họ là những nạn nhân da cam, người khuyết tật và phần còn lại là người bán vé số”.

Như chưa đủ, cô Vân nói thêm: “Người bán vé số không phải hộ nghèo nghen, vì những người thuộc diện nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ nhiều rồi. Đối tượng của tôi là những người bán vé số ở trọ, ở nhờ cũng khó khăn do dịch nhưng ít được nhận quà”.

Mỗi phần quà gồm 200.000đ và 10kg gạo có thể không nhiều nhưng đó là cả sự sẻ chia của một cô giáo về hưu ở TP Vĩnh Long (không muốn kể tên- PV) đã “bán vàng phòng thân” giúp đỡ bà con vượt khó, gạo của ông bà Lê Văn Chính ở TP Hồ Chí Minh gửi tặng bà con Vĩnh Long.

Trường ĐH Cửu Long trao quà cho hộ khó khăn ở xã Phú Quới.
Trường ĐH Cửu Long trao quà cho hộ khó khăn ở xã Phú Quới.

Tay run run cầm giấy mời chuẩn bị nhận quà, cô Hứa Thị Phấn (67 tuổi) đang ở nhờ nhà người quen ở Phường 4 bán vé số.

Cô Phấn cho hay: “Tui bị khớp và tùm lum bệnh nên đi đứng khó khăn. Đó giờ bán vé số tại 1 tiệm cà phê, ngưng bán vé số tôi cũng mất thu nhập 60- 70 ngàn/ ngày. Có được tiền này tôi mừng lắm, nhiêu gạo và tiền là đủ tui sống 10 ngày rồi đó”.

Ngay khi có chỉ thị tạm ngừng việc phát hành vé số để phòng dịch COVID-19, Ban giám hiệu Trường ĐH Cửu Long đã nghĩ đến chuyện hỗ trợ cho người bán vé số khó khăn trên địa bàn.

Vậy là Công đoàn cơ sở và Hội Sinh viên nhà trường vào cuộc vận động tất cả cán bộ, nhân viên, giảng viên nhà trường và cựu sinh viên trường tổ chức trao 106 phần quà cho các hộ bán vé số và hộ nghèo trong xã Phú Quới (Long Hồ).

Ông Nguyễn Văn Phóng (70 tuổi) thuộc hộ nghèo ở xã Phú Quới vừa mới nhận quà xong, cho biết: “Tui bán vé số 20 năm nay, mỗi ngày được 70- 100 ngàn nuôi vợ- bị bệnh không lao động được”. Không có vé số để bán, ông Phóng đi bắt ốc, hái rau để qua ngày. “Hôm bữa mới nghỉ bán được đại lý Mai Hữu Ánh cho 200 ngàn và 5kg gạo tới giờ”- ông Phóng nói.

Dịch COVID-19 đem lại nhiều ảnh hưởng về kinh tế cho nhiều người, từ người bán vé số, buôn bán nhỏ cho đến nhiều công ty, tổ chức. Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn chung đó, mọi người không quên nghĩ đến người khác- những người còn thiếu thốn hơn mình.

Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức góp một chút cùng tạo nên một làn sóng sẻ chia mạnh mẽ trong xã hội. Đó là tình yêu thương của đồng bào đối với nhau, là truyền thống quý báu của người Việt Nam ta “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

Chú Nguyễn Hữu Tài- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Trà Ôn- đã lấm tấm mồ hôi vì túc trực bên “ATM gạo” từ lúc mới khai trương. Chú Tài cho hay: “Sắp tới, chúng tôi sẽ làm thơ ngỏ để tiếp tục vận động gạo hoặc bà con có thể cho gì tùy tấm lòng, chúng tôi đều tiếp nhận để “ATM gạo” được duy trì”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh