Quản lý chặt chẽ sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt người có bệnh nền

10:03, 19/03/2020

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hành động cụ thể nhằm tăng cường phòng chống dịch bệnh cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

 

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hành động cụ thể nhằm tăng cường phòng chống dịch bệnh cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

 Ảnh minh họa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 19/3, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã có công văn số 1386/BCĐQG gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng chống dịch COVID-19 đối với người bệnh, người cao tuổi và khai báo y tế điện tử.

Công văn nêu rõ, hiện nay, dịch bệnh COVID-19 trên toàn thế giới có diễn biến rất phức tạp. Để chủ động phòng ngừa cho đối tượng có nguy cơ cao, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo, phối hợp các cơ quan liên quan có các hành động cụ thể nhằm tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho người cao tuổi, người có các bệnh lý và các đối tượng có nguy cơ khác.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo, phối hợp các cơ quan liên quan thống kê và lập danh sách, quản lý chặt chẽ sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt người có các bệnh lý nền và các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh khác.

Khuyến cáo và thông báo cụ thể tới các gia đình có người cao tuổi, người có các bệnh lý nền và các đối tượng có nguy cơ cao hạn chế tối đa việc ra ngoài, khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác.

Khi có vấn đề về sức khỏe phải liên hệ ngay với y tế xã, phường, bác sỹ gia đình; trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp cứu mới đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh (hết thuốc, cần chỉnh liều...); luôn sử dụng khẩu trang và sát khuẩn tay nếu ra ngoài nhà.

Các cơ sở y tế thực hiện việc cấp phát thuốc điều trị các bệnh mạn tính với thời gian dài hơn cho tất cả các đối tượng (tối thiểu 2 tháng).

Thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc hồ sơ điện tử đầy đủ, trước hết ưu tiên kê khai cho người từ 60 tuổi trở lên và người có các bệnh lý nền, bệnh không lây nhiễm hoặc các bệnh lý khác.

Hình thức khai báo trên thiết bị (điện thoại thông minh, máy tính bảng) thông qua ứng dụng NCOVI tải từ Google Play hoặc App Store. Trong quá trình khai báo y tế điện tử, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị liên hệ số điện thoại 0949760366.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, phường; công an xã, dân quân, mạng lưới dân số, y tế chịu trách nhiệm triển khai thực hiện; thông báo rộng rãi số điện thoại của cán bộ y tế, dân số trên địa bàn xã để người dân cung cấp thông tin về tình hình sức khỏe người dân, đặc biệt người cao tuổi, người mắc các bệnh không lây nhiễm. Thực hiện dinh dưỡng tăng cường sức khỏe cho các đối tượng người cao tuổi theo các hướng dẫn.

Theo tiến sỹ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thống kê mới về dịch bệnh COVID-19 gần đây cho thấy, nhóm người cao tuổi nhiễm bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất và tỷ lệ tử vong cũng cao nhất. Người cao tuổi thường là nhóm người có nhiều bệnh lý mãn tính.

Do đó, sức đề kháng của nhóm người này giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Nếu người cao tuổi bị bệnh, COVID-19 sẽ khiến các bệnh mãn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, do đó bệnh nhân rất dễ tử vong. Thực tế tại các nước có đông người mắc và tử vong (như Trung Quốc, Italy…), tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong chủ yếu là người cao tuổi có kèm nhiều bệnh lý mãn tính./.

Theo PV (TTXVN/Vietnam+)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh