"Đi tận nhà, rà từng đối tượng"

06:03, 31/03/2020

Sáng 30/3/2020, BCĐ Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tổ chức tập huấn trực tuyến cho các đơn vị y tế cơ sở về triển khai lấy mẫu xét nghiệm, cách ly, nhằm nâng cao năng lực trong phòng, chống dịch COVID-19.

Sáng 30/3/2020, BCĐ Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tổ chức tập huấn trực tuyến cho các đơn vị y tế cơ sở về triển khai lấy mẫu xét nghiệm, cách ly, nhằm nâng cao năng lực trong phòng, chống dịch COVID-19.

 Hoạt động kiểm tra y tế tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người có biểu hiện bệnh với những người bệnh khác đến bệnh viện khám điều trị.
Hoạt động kiểm tra y tế tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người có biểu hiện bệnh với những người bệnh khác đến bệnh viện khám điều trị.

70% ca mắc COVID-19 tại Việt Nam là người nước ngoài

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tình hình dịch trên thế giới và Việt Nam đang có diễn biến hết sức phức tạp. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Việt Nam chỉ còn 2 tuần là thời gian vàng để thực hiện các biện pháp tích cực chống dịch COVID-19.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, khi rà soát dịch tễ nhận thấy có 3 yếu tố lây nhiễm. Thứ nhất, người mang dịch từ nước ngoài về. Tổng hợp sơ bộ cho thấy có khoảng 70% các ca mắc là mang dịch từ nước ngoài về.

Thứ hai, phụ thuộc vào việc phát hiện sớm người nhiễm để tiến hành cách ly, ngăn chặn dịch lây ra cộng đồng. Thứ ba, liên quan đến việc lây nhiễm trong cơ sở y tế.

Hiện nay, cả nước có 2 ổ dịch lớn là tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) và quán bar Buddha (TP Hồ Chí Minh). “Đánh giá bước đầu, nguy cơ dịch từ BV Bạch Mai lây ra cộng đồng rất cao. Nguy cơ cao nhất là nhóm bệnh nhân đã điều trị tại đây ra viện hoặc được chuyển tuyến”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhận định.

Sau khi xác định BV Bạch Mai là ổ dịch, để tránh lây nhiễm trong BV, lây truyền giữa bệnh nhân và bệnh nhân, BV Bạch Mai rà soát và chuyển một số đối tượng về tuyến dưới (những bệnh nhân ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm thấp).

Với các nhóm còn lại là nhân viên phục vụ trở về địa phương, người nhà, tiếp xúc nhân viên BV Bạch Mai... cần cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm và lập danh sách người tiếp xúc để theo dõi. “Từ các nhóm nguy cơ cao này, nếu không được phát hiện, giám sát chặt chẽ, nguy cơ lây lan SARS-CoV-2 ra cộng đồng rất lớn”- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, hiện dịch COVID-19 tại Việt Nam đã chuyển sang cấp độ 3, do đó, các tuyến y tế cơ sở cần tập trung giải quyết 2 vấn đề: Phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và hạn chế lây ra cộng đồng.

Thời gian qua, các lực lượng đã đi từng ngõ, gõ từng nhà để phát hiện từng trường hợp, đã lập được danh sách các trường hợp đi từ nước ngoài về hoặc ở cộng đồng dân cư từ ngày 8/3. Với BV Bạch Mai và quán bar Buddha cũng cần các giải pháp tương tự.

“Vai trò của y tế cơ sở là hết sức quan trọng, góp phần vào sự thành công của công tác chống dịch COVID-19”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Nâng cao năng lực y tế cơ sở

Tại buổi tập huấn trực tuyến, các chuyên gia đã tập trung vào nội dung tổ chức rà soát chặt chẽ các đối tượng cần cách ly. Trong đó, vai trò của từng đội phòng, chống dịch tại địa phương phối hợp với phương châm “đi tận nhà, rà từng đối tượng”. Đặc biệt, việc tổ chức cách ly, kỹ năng lấy mẫu xét nghiệm khi phát hiện ca bệnh và người tiếp xúc gần.

Theo Bộ Y tế, để đáp ứng công tác chống dịch tại Việt Nam đã nâng lên cấp độ 3, các tỉnh- thành hiện chuẩn bị sẵn sàng về trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để tiếp nhận ca bệnh COVID-19. Trong đó, chú trọng phân luồng, thành lập khu điều trị riêng cho những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ.

Để kịp thời phát hiện ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ra cộng đồng, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long triển khai thực hiện nhiều giải pháp phân luồng kiểm soát dịch COVID-19 đối với tất cả những người đến khám điều trị tại các cơ sở y tế.

Tại BV Lao và Bệnh phổi tỉnh, từ ngày 19/3, tất cả những người đến khám điều trị bệnh, thân nhân bệnh nhân và kể cả khách đến liên hệ công tác đều được kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay và khai báo thông tin đi lại trong 14 ngày gần nhất.

Hoạt động này nhằm kịp thời phát hiện cách ly, tránh lây lan dịch COVID- 19 cho nhân viên y tế, người bệnh và cộng đồng.

Anh Ngô Văn Sậm (xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm) cho biết: “Tui đưa cha đi tái khám thì 2 cha con được bác sĩ kiểm tra coi có nóng không, rồi xịt tay sát khuẩn, nhắc đeo khẩu trang đúng cách. Thấy BV làm kỹ vậy tui cũng yên tâm lắm, chớ lúc đầu cũng sợ vô bệnh viện lỡ bị dính con corona thì mệt”.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Truyền- Giám đốc BV Lao và Bệnh phổi tỉnh, sau khi đo thân nhiệt, thu thập thông tin, những trường hợp có biểu hiện sốt, ho hay có tiền sử dịch tễ liên quan đến COVID-19 sẽ được khám sàng lọc và được đưa đến khu khám có lối đi riêng. 

Hoạt động này nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người có biểu hiện bệnh với những người bệnh khác đến BV khám điều trị. BV chuẩn bị sẵn khu cách ly đảm bảo 20 giường bệnh với đầy đủ trang thiết bị, sẵn sàng điều trị khi có trường hợp mắc COVID-19.

Các BV, trung tâm y tế trong tỉnh cũng bố trí nhiều bồn rửa tay cho người bệnh sử dụng và đặt phòng khám hô hấp riêng để thuận tiện quản lý, sàng lọc, phát hiện kịp thời những trường hợp có yếu tố nghi ngờ mắc COVID- 19 để cách ly, điều trị, hạn chế lây lan.

Bác sĩ Trần Thanh Tuấn- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TX Bình Minh: “Trung tâm thành lập khu điều trị cách ly trong đó thành lập khoa khám riêng về đường hô hấp tách biệt ra khu điều trị chung của khoa khám bệnh.

Ở đây cũng lập được hồ sơ cho các khoa điều trị từ khoa cấp cứu, khoa nội, các khoa lâm sàng nội trú, khoa khám bệnh khi có ca nghi ngờ sẽ phân luồng đưa vào điều trị cách ly”.

Thực hiện tốt việc phân luồng, giám sát sức khỏe tất cả những trường hợp đến khám điều trị tại các cơ sở y tế cũng như việc khai báo trung thực chính xác tình trạng sức khỏe của mọi người khi đến khám chữa bệnh sẽ giúp ngành y tế kịp thời phát hiện, quản lý, theo dõi các trường hợp nghi ngờ và mắc COVID-19, góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh cho nhân viên y tế và cả cộng đồng.

Tới tối 30/3, Việt Nam ghi nhận 203 ca COVID-19, trong đó 55 người khỏi bệnh. Đa số bệnh nhân mắc chủ yếu là người từ nước ngoài về, một số bị lây nhiễm nội địa. 35 bệnh nhân đang điều trị tại nhiều cơ sở y tế có kết quả xét nghiệm âm tính 1-4 lần. Những bệnh nhân nặng và rất nặng cũng có những tín hiệu tích cực.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh