
Hạn, mặn năm nay ngày một gay gắt và được cho là "chưa từng có trong lịch sử" ở nhiều tỉnh- thành vùng ĐBSCL. Riêng ở Vĩnh Long, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, với độ mặn có nơi cao gấp đôi so với năm ngoái.
![]() |
Vườn sầu riêng của anh Trần Văn Phương (ấp Phú An 2) hầu như không thể phục hồi do hạn, mặn xâm nhập. |
Hạn, mặn năm nay ngày một gay gắt và được cho là “chưa từng có trong lịch sử” ở nhiều tỉnh- thành vùng ĐBSCL. Riêng ở Vĩnh Long, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, với độ mặn có nơi cao gấp đôi so với năm ngoái.
Tại các xã cù lao thuộc huyện Long Hồ- nơi mà trước nay con sông Tiền hiền hòa cung cấp nước ngọt quanh năm nay cũng bất ngờ nhiễm mặn. Trong đó, xã Bình Hòa Phước bị mặn xâm nhập nhiều, kéo dài, độ mặn có thời điểm lên đến 4,2‰ khiến cho người dân nơi đây… không kịp trở tay.
Mặn xâm nhập bất ngờ...
Chúng tôi đến vườn sầu riêng của anh Lê Ngô Kỹ (ấp Phú An 2, xã Bình Hòa Phước) đang lúc anh lấy nước từ dưới ghe lên để tưới cho hơn 3 công sầu riêng đang cho trái. Do mặn đến bất ngờ và kéo dài hơn nửa tháng nay nên hàng ngày anh phải thuê ghe “chở nước ngọt” về tưới cây.
Anh không giấu sự lo lắng: “Từ lúc xâm nhập mặn đến giờ, vườn sầu riêng của tui bị cháy lá, trái rụng rất nhiều, thiệt hại ước tính khoảng 100 triệu đồng. Hàng ngày, tui chở 3- 4 chuyến ghe nước ngọt, tốn gần 200.000đ tiền xăng về tưới “chữa cháy”, chứ giờ không biết tính làm sao, “phải đeo” hoài tới đâu hay tới đó”.
Anh Trần Văn Phương (ấp Phú An 2) cũng cùng “cảnh ngộ” với anh Lê Ngô Kỹ. 2 công vườn sầu riêng được 10 năm tuổi đã cho trái 5 năm giờ đã trút hết lá mà không có cách nào hồi phục, thiệt hại hơn 100 triệu đồng. “Biết sao bây giờ, chỉ biết chờ cho qua hạn, mặn rồi trồng lại cây mới”- anh Phương bộc bạch.
Không riêng gì sầu riêng, các vườn chôm chôm ở các ấp Phú An 2, Bình Hòa 1, Bình Hòa 2 đã xuất hiện hiện tượng cây thiếu nước, cháy lá và có một số cây khô cả cành. Chú Võ Văn Vũ (ấp Phú An 2) chỉ biết nhìn 8 công chôm chôm Thái 20 năm tuổi bị cháy lá mà không có cách nào cứu được. Chú buồn rầu: “Giờ khu vườn của tui chỉ còn 60% là tươi, 40% khô, thiệt hại gần 180 triệu, giờ cũng không biết làm sao nữa”.
![]() |
Vườn chôm chôm Thái tại ấp Bình Hòa 2 bị cháy lá, khô nhánh. |
Oằn mình chống mặn
Theo số liệu thống kê của UBND xã Bình Hòa Phước, toàn xã có 6 ấp thì có đến 4 ấp bị hạn, mặn xâm nhập là: Bình Hòa 1, Bình Hòa 2, Phú An 1 và Phú An 2 với khoảng trên 200ha vườn cây ăn trái có dấu hiệu bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
![]() |
Trái sầu riêng non rụng đầy trong vườn sầu riêng do đang bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. |
Trước tình hình trên, UBND xã Bình Hòa Phước được UBND huyện Long Hồ vận động mạnh thường quân hỗ trợ 50 bồn chứa nước 500 lít cho những hộ khó khăn của 4 ấp bị nhiễm mặn nhằm trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu.
UBND xã Bình Hòa Phước ngoài phát tài liệu về quy trình trữ nước ngọt sinh hoạt, vệ sinh môi trường nông thôn và các giải pháp kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi trong điều kiện hạn, mặn xâm nhập, còn cử cán bộ đo độ mặn nước sông hàng ngày để thông báo đến người dân rằng khu vực nào được tưới tiêu, với độ mặn đó thì loại cây nào được tưới để bà con trong xã biết và thực hiện.
Xem video Người dân xã Bình Hòa Phước oằn mình chống hạn, mặn |
Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ, hiện có 3 xã bị ảnh hưởng hạn, mặn là một phần ấp Bình Thuận 1 (xã Hòa Ninh); ấp Phú Thạnh 1, Phú Thạnh 2, Phú Thạnh 3, Phú Thanh 4, Phú Hòa 1, Phú Hòa 2, Thuận Long, Phú Mỹ, Phú Mỹ 2 (xã Đồng Phú); ấp Bình Hòa 1, Bình Hòa 2, Phú An 1, Phú An 2 (xã Bình Hòa Phước), trong đó xã Bình Hòa Phước là thiệt hại nhiều nhất.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Phước- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Long Hồ, chúng tôi được biết: Trước tình hình mặn xâm nhập, Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật huyện tuyên truyền cho người dân về hạn, mặn, xử lý đất mặn, thời điểm nào được tưới tiêu;
chỉ đạo các xã thống kê các cống, bộng chưa đảm bảo đề xuất huyện hỗ trợ sửa chữa; cấp mỗi xã 1 máy đo độ mặn cảnh báo cho người dân. Khi hạn, mặn xảy ra “ngoài sức tưởng tượng”, Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện đã yêu cầu cán bộ nông nghiệp 3 xã bị ảnh hưởng xâm nhập mặn rà soát thống kê lại vườn có nguy cơ nhiễm mặn hoặc đang bị thiệt hại báo cáo lên để huyện thành lập đoàn thẩm định, đề xuất hỗ trợ cho nông dân.
Đồng thời, nhờ Trường ĐH Cần Thơ hỗ trợ nông dân khắc phục vườn cây bị nhiễm mặn. Hiện Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện đề nghị tỉnh hỗ trợ xây dựng 2 trạm quan trắc tự động tại vàm Cái Muối (Bình Hòa 2), Đồng Phú (Phú Thạnh 4) để theo dõi tình hình và có hướng chỉ đạo thực tế.
Hệ thống tưới nhỏ giọt tự chế
Anh Trần Hoàng An (ấp Bình Hòa 1, xã Bình Hòa Phước) cho biết: “Cách đây 1 tháng, tui có nghe đài nói sẽ có mặn xâm nhập, nên tôi có dùng vải mủ trắng lót ở dưới mương trữ nước ngọt để tưới.
Khi không còn nước ngọt ở sông tưới, tôi cho nước ngọt đã trữ vô bọc ny lông khoảng 20kg, sau đó lấy kim chích lên bọc để nước nhỏ giọt cho cây sầu riêng mát nhằm giải quyết cấp bách thời điểm hiện tại thôi. Nhờ những giải pháp trên nên hiện tại cây của tui đạt độ xanh tốt khoảng 80%”. |
Bài, ảnh: TẤN TÂN- NGUYÊN KHÁNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin