Hạn chế ra ngoài, cùng chống dịch COVID-19

08:03, 21/03/2020

Tính đến 16 giờ ngày 20/3/2020, COVID-19 đã xuất hiện ở 182 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 246.000 người nhiễm, trong đó trên 10.000 người tử vong. Nhiều nước trên thế giới khuyến cáo người dân hãy ở yên trong nhà nhằm hạn chế tốc độ lây lan SARS-CoV-2 quá nhanh trên toàn cầu hiện nay.

 

Sau 3 tháng tính từ thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc- Trung Quốc), đến nay, dịch viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 đã trở thành đại dịch toàn cầu.

Tính đến 16 giờ ngày 20/3/2020, COVID-19 đã xuất hiện ở 182 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 246.000 người nhiễm, trong đó trên 10.000 người tử vong. Nhiều nước trên thế giới khuyến cáo người dân hãy ở yên trong nhà nhằm hạn chế tốc độ lây lan SARS-CoV-2 quá nhanh trên toàn cầu hiện nay.

Thông điệp của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh giữa mùa dịch COVID-19.
Thông điệp của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh giữa mùa dịch COVID-19.

Người Việt Nam ở nước ngoài cân nhắc việc trở về

Tại cuộc họp BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra vào sáng 18/3, các thành viên BCĐ khuyến cáo: Người Việt Nam ở nước ngoài nên cân nhắc việc trở về nước do tình hình di chuyển bằng đường hàng không giữa các nước hiện rất khó khăn và nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao.

Châu Âu được coi là tâm dịch COVID-19 mới. Phần lớn các nước này có đông du học sinh Việt Nam, trong khi nhiều em nhanh chóng quay về Việt Nam tránh dịch thì không ít em đã quyết định ở lại Châu Âu vào lúc này.

“Em và nhiều du học sinh vẫn lựa chọn ở lại thay vì về nước, bởi tụi em sợ sẽ có khả năng lây nhiễm bệnh trong quá trình di chuyển từ Đức về Việt Nam và lo ngại khó có khả năng quay lại Đức để hoàn thành chương trình học. Ở lại thì tụi em phòng bệnh tại nhà, tuân thủ quy tắc không di chuyển.”- Em Bùi Duy Khanh (du học sinh ở Đức) cho biết.

Khanh cho rằng, em và các bạn đang trong độ tuổi thanh niên nên sức đề kháng tốt, biết chăm sóc mình bằng việc ăn đủ chất, ngủ đủ giờ, giữ vệ sinh như chuyên gia hướng dẫn, tránh tiếp xúc đông người để hạn chế các nguy cơ lây nhiễm.

Cũng có con đang là du học sinh tại Đức, cô Nguyễn Thị Ánh (Phường 3-TP Vĩnh Long) lo lắng khi con trai chọn ở lại Đức, thay vì về Việt Nam. “Công ty thực tập cho làm việc qua mạng tại nhà nên con nói ở lại Đức không về nhà, bởi khả năng lây nhiễm trên máy bay cũng rất cao. Trong tủ lạnh có dự trữ sẵn đồ hộp; cá thịt đông lạnh. Con sẽ nấu ăn, hạn chế thấp nhất ra ngoài”- cô Ánh nói.

Xa con 5 năm, cô chú cũng nhớ con lắm, tính chuyến này con về nhưng con quyết định vậy nên: “Vợ chồng tôi tôn trọng quyết định của con. Con tự lập, sống vui khỏe bên đó nên tôi cũng yên tâm”- cô Ánh cho biết.

Á hậu Nguyễn Lâm Diễm Trang và con gái bay sang Ba Lan thăm chồng trước khi dịch COVID-19 lan nhanh ở Châu Âu. Với các ca bệnh tăng, Châu Âu đóng cửa biên giới trong 30 ngày và Ba Lan ra quyết định đóng cửa đất nước trong khi Trang chuẩn bị bay về Việt Nam. Mặc dù ông xã ủng hộ 2 mẹ con trở về Việt Nam nhưng Diễm Trang vẫn lưỡng lự và lo lắng trước tình hình diễn biến phức tạp tại Châu Âu cũng như Việt Nam.

Diễm Trang chia sẻ: “Chồng ủng hộ về, một mình ở lại, vì muốn mẹ con an toàn khi về nước. Còn mình thì đau đầu vì một mình đi cùng Julia, hầu như các ca lây nhiễm gần đây đều do đi từ sân bay về hoặc ngồi chung chuyến bay dài, còn ở lại cũng sẽ là đang ở tâm dịch”.

Cuối cùng, Trang quyết định ở lại vì nguy cơ mắc bệnh khi dịch chuyển là rất cao. “Không biết đây có phải quyết định đúng hay không khi ở lại Ba Lan nhưng dù gì gia đình mình được ở bên nhau trong mùa dịch bệnh và chọn cách ở nhà, hạn chế di chuyển để tránh lây nhiễm. Sau khi tình hình ổn định, Diễm Trang sẽ bay về Việt Nam và chấp nhận cách ly 14 ngày. Thật sự mong mọi sự bình yên và vượt qua đại dịch này”- Diễm Trang chia sẻ.

“Chúng tôi đi làm vì các bạn. Các bạn ở nhà vì chúng tôi”

Trong giai đoạn 2 chống dịch COVID-19, Việt Nam có gần 70 ca nhiễm mới là từ nước ngoài về và đã có ca lây ra cộng đồng, kéo theo hàng ngàn người phải cách ly... Bộ Y tế phải liên tục ra thông báo khẩn để truy tìm người đã đi chung trên những chuyến bay có người dương tính với SARS-CoV-2.

Ngày 19/3, nhiều người cảm thấy nhẹ lo khi không có thông tin ca nhiễm mới nào ở Việt Nam thì đến khuya 23 giờ, Bộ Y tế thông tin Việt Nam ghi nhận thêm 9 ca nhiễm mới (từ 77 đến 85), đều từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Áp lực kiểm soát dịch đặt lên vai các cơ quan chức năng khi số lượng người Việt Nam ở nước ngoài về vẫn đang rất lớn.

Nhận định tình hình dịch bệnh tới đây có thể diễn biến rất phức tạp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội- Nguyễn Đức Chung khuyến cáo người dân nên ở nhà, hạn chế ra đường và đi xe buýt từ nay đến 31/3.

“Nếu nay mai, số ca nhiễm tăng lên 6-8 ca thì người dân có thể dao động, nhưng cần bình tĩnh, chủ động thực hiện các biện pháp ăn uống, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình. Không chủ quan, lơ là, cố gắng ở trong nhà càng nhiều càng tốt”- Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh- Nguyễn Tấn Bỉnh nhận định: “2 tuần sắp tới là 2 tuần có ý nghĩa quyết định đối với Việt Nam”. Chính phủ và các địa phương đã phát đi thông điệp: người dân nếu không có việc gì tối cần thiết thì không nên ra ngoài. Chúng ta đã kịp thời nhưng phải quyết liệt hơn, chạy nhanh trước khi dịch lan rộng ra cộng đồng.

Chúng ta đã chứng kiến sinh hoạt tôn giáo ở Hàn Quốc, Malaysia đã trở thành ổ dịch COVID-19. Việc bệnh nhân số 34 “siêu lây nhiễm” (Bình Thuận) khai gian dối, di chuyển nhiều nơi khiến thêm 10 người cùng bị dương tính SARS-CoV-2 đến thời điểm này. Rồi 72 người cách ly do liên quan đến bệnh nhân số 73 (11 tuổi, Hải Dương) nhiễm SARS-CoV-2 khi trở về từ Anh được ba mẹ mời cơm họ hàng;…

“Chúng tôi đi làm vì các bạn. Các bạn hãy ở nhà vì chúng tôi”… Đó là thông điệp của các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh giữa lúc dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Thông điệp trên cũng được lan truyền trên mạng xã hội vào những ngày qua. Một thông điệp hết sức rõ ràng và cần thực thi một cách nghiêm túc, theo đó nếu không có việc gì tối cần thiết thì nên hạn chế ra ngoài để giảm nguy cơ lây nhiễm, bởi lúc này vẫn chưa ngăn chặn triệt để nguồn lây trong cộng đồng.

Trong bối cảnh hiện tại, ý thức mỗi cá nhân sẽ vô cùng giúp ích cho cộng đồng. Hơn 3 tháng qua, chúng ta đã quen với đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách, vệ sinh nhà cửa, ăn uống hợp lý để tăng sức đề kháng... để chống dịch. Thì giờ đây, chúng ta cần thêm tập quen dần với cuộc sống bớt đi lại, giảm tụ tập để bình an trong mùa dịch và sẽ là thành phần tích cực, quan trọng trong việc chung tay đẩy lùi dịch COVID-19.

Bộ Y tế đề nghị người già ở nhà

 

Người cao tuổi, người có các bệnh lý nền, hạn chế tối đa việc ra ngoài, đến khu vực công cộng, tiếp xúc với người khác. Khuyến cáo được BCĐ quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đưa ra ngày 19/3. Những người này khi có vấn đề về sức khỏe phải liên hệ ngay với y tế xã- phường hay bác sĩ gia đình. Trong trường hợp thực sự cần thiết, diện cấp cứu mới đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh (như hết thuốc, cần chỉnh liều...).

Luôn sử dụng khẩu trang và sát khuẩn tay nếu ra ngoài. Các địa phương thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc hồ sơ đầy đủ, ưu tiên khai cho người từ 60 tuổi trở lên và người có bệnh lý nền, bệnh không lây nhiễm hoặc các bệnh lý khác. Các cơ sở y tế cấp phát thuốc điều trị cho bệnh mạn tính cho nhóm người này với thời gian dài hơn so người khác, tối thiểu 2 tháng.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh