Dịch bệnh COVID-19 diễn biến không ngừng phức tạp, đã và đang gây e ngại cho mọi người dân trong việc phòng tránh lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2, hạn chế sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, đến chỗ đồng người, làm thay đổi thói quen tham gia giao thông. Đi lại ra sao cho an toàn trong mùa dịch là vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến không ngừng phức tạp, đã và đang gây e ngại cho mọi người dân trong việc phòng tránh lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2, hạn chế sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng, đến chỗ đồng người, làm thay đổi thói quen tham gia giao thông. Đi lại ra sao cho an toàn trong mùa dịch là vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Theo số liệu của Bộ Y tế, dịch bệnh COVID-19 hiện đã xảy ra tại 162 quốc gia và vùng lãnh thổ, bùng phát ở Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc và gần đây lây lan quá nhanh trên thế giới, gồm châu Âu, châu Mỹ, khu vực Đông Nam Á, gần nhất là Malaysia. Tổng số người mắc bệnh trên thế giới hiện là 182.330 người, đã tử vong 7.142 người.
Tại Việt Nam, đến thời điểm này đã ghi nhận tổng số 61 ca mắc COVID-19, trong đó 16 bệnh nhân đã được chữa khỏi hoàn toàn. Trong số các trường hợp đang điều trị, có 27 bệnh nhân người Việt Nam, 18 bệnh nhân là người nước ngoài. Hầu hết các trường hợp này đều đang được điều trị cách ly tại các cơ sở y tế và có sức khoẻ tiến triển tốt.
Hành khách đi máy bay cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy đinh phòng tránh của ngành Y tế và Hàng không. |
Để kiểm soát và từng bước hạn chế vi rút gây bệnh lây lan, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, theo bà Nguyễn Thị Hồng Dung, Phó Cục trưởng Cục Y tế Giao thông vận tải (Bộ GTVT), kể từ khi có dịch, Bộ đã bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, coi nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách. Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh Bộ GTVT đã có nhiều chỉ đạo với ngành Hàng không trong việc hạn chế các chuyến bay tới vùng có dịch; hạn chế người về từ vùng dịch; tạm dừng việc cấp thị thực tại cửa khẩu....
Đến thời điểm này, các Cục Hàng không Việt Nam, Đường sắt, Tổng Cục đường bộ... đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm kiểm dịch y tế Quốc tế, Biên phòng và các địa phương có cửa khẩu, bố trí đồng loạt các máy đo thân nhiệt hành khách, phòng cách ly khách nghi nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tại chỗ và lên phướng án xử lý kịp thời.
Đặc biệt, tại các nhà ga hành khách quốc tế, ngành GTVT phối hợp với các Trung tâm kiểm soát bệnh tật đã xây dựng quy chế phối hợp, xử lý tình huống hành khách có dấu hiệu bị sốt trên máy bay, từ khâu đón khách, kiểm tra và cách ly; thu thập thông tin, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc và phun thuốc khử trùng máy bay; đồng thời phun thuốc khử trùng tại tất cả các ga hàng không, bến tàu, bến xe, bến cảng; trang bị xà phòng và nước sát khuẩn phục vụ 100% nhân viên phục vụ và hành khách.
Từ ngày 16/3, các càng hàng không nội địa đều niêm yết thông báo yêu cầu mọi hành khách thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại tất cả các nơi tập trung đông người và trên các phương tiện giao thông công cộng; các hãng hàng không phát miễn phí khẩu trang cho hành khách chưa có khẩu trang kể cả hành khách nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, yêu cầu hành khách đeo khẩu trang trong suốt chuyến bay và khi vào nhà ga...
Theo đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, những ngày qua, lượng hành khách từ các vùng dịch như Hàn Quốc, châu Âu, Đông Nam Á... đổ về các cảng hàng không quốc tế đông, vì vậy, Cảng đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch của thành phố tổ chức sàng lọc và cách ly khách từ vùng dịch. Quy trình tại Nội Bài thực hiện theo hướng phân loại khách thông qua tờ khai y tế, từ vùng dịch, tầm soát trên hộ chiếu, 100% khách đi qua cảng phải kiểm tra thân nhiệt, hành khách được đưa đi cách ly sẽ đi theo luồng riêng... Nhờ vậy, đến nay, Cảng đã khống chế, kiểm soát tương đối tốt với khách về từ vùng dịch.
Trên lĩnh vực đường bộ, ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Trung tâm Điều hành (Tổng công ty Vận tải Hà Nội - Transerco) cho biết, Tổng công ty đã chỉ đạo các doanh nghiệp xe buýt, taxi thực hiện theo đúng các nguyên tắc phòng chống dịch do Bộ Y tế hướng dẫn.
Cụ thể, tất cả xe buýt của Công ty được hướng dẫn chủ động tắt điều hoà, chỉ sử dụng hệ thống quạt gió, cố gắng mở các cửa thoáng để lưu thông không khí trong xe hoặc sử dụng điều hoà trên 26 độ C. Ngoài ra, Transerco đã triển khai các biện pháp khử trùng phương tiện, cung cấp nước sát khuẩn, các khẩu trang phát cho lái phụ xe vận hành trên các tuyến.
Trao đổi với phóng viên, đại diện các doanh nghiệp vận tải xe khách đều đồng tình, an toàn cho hành khách trong mùa dịch phải đặt lên hàng đầu. Tất cả hành khách có biểu hiện ho, sốt... đều được báo cáo cho các cơ quan y tế dự phòng; đồng thời, khuyến cáo hành khách cần chủ động phòng tránh cho chính mình và mọi người khi đến bến xe. Khi thấy hành khách có dấu hiệu nhiễm bệnh, các nhà xe phải tổ chức cách ly cho toàn bộ người trên phương tiện vận tải đó, bố trí việc khử khuẩn cho phương tiện để không lây nhiễm cho hành khách những chuyến sau...
Về vấn đề người tham gia giao thông tự nâng cao ý thức phòng tránh dịch bệnh, bà Nguyễn Thị Hồng Dung khuyến cáo, trường hợp bắt buộc tham gia phương tiện công cộng thì phải hạn chế, nếu không bắt buộc thì không nên. Khi tham gia giao thông, người dân cần thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế về đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, hạn chế đến nơi tập trung đông người, hạn chế tiếp xúc gần với người ốm (người đang bị sốt, ho, hắt hơi...), khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh (sốt, ho...) cần minh bạch, khai báo ngay với nhân viên phục vụ trên phương tiện vận tải (máy bay, tàu hỏa, ô tô khách...) để có biện pháp xử lý kịp thời.
Đối với hành khách khi đi máy bay, nên sử dụng các hình thức tự làm thủ tục trực tuyến qua website, ứng dụng di động hoặc kiosk tại sân bay hoặc làm thủ tục trước qua tổng đài để không phải lên sân bay từ sớm, hạn chế tiếp xúc, giảm nguy cơ lây nhiễm; đeo khẩu trang trong suốt hành trình di chuyển tại sân bay và trên máy bay; thường xuyên rửa tay bằng dung dịch có tính sát khuẩn hoặc đeo găng tay theo chỉ dẫn của Bộ Y tế; trong quá trình diễn ra chuyến bay, hành khách nên ổn định chỗ ngồi, hạn chế di chuyển và giao tiếp...
Trên thực tế, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phòng chống dịch thật tốt, nhưng không phải là đóng băng mọi hoạt động. Việc giao thông đi lại vẫn phải thực hiện. Khi tham gia giao thông, mọi người phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn về y tế. Quan trọng nhất là mọi người phải bảo vệ sức khoẻ của bản thân và của cộng đồng, phải đeo khẩu trang và thường xuyên sát khuẩn tay.
Theo Vân Sơn/Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin