Bất cứ ngành nghề nào cũng có những vất vả và vinh quang. Đối với nghề y, mang trọng trách khi đứng giữa mong manh sự sống và cái chết, áp lực và khó khăn vô cùng nhưng các bác sĩ vẫn trọn vẹn với nghề vì thấy "Thật kỳ diệu khi mình cứu sống một ai đó!"
Bất cứ ngành nghề nào cũng có những vất vả và vinh quang. Đối với nghề y, mang trọng trách khi đứng giữa mong manh sự sống và cái chết, áp lực và khó khăn vô cùng nhưng các bác sĩ vẫn trọn vẹn với nghề vì thấy “Thật kỳ diệu khi mình cứu sống một ai đó!” Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2), chúng tôi cùng lắng nghe chuyện nghề của những người khoác áo “blouse trắng” đều đọng lại ở một chữ tâm giản dị.
Dù được cố định tay, tay trái của bà Khánh giơ lên nắm chặt tay bác sĩ Hạnh Phúc thều thào những tiếng chưa tròn, đôi mắt rơm rớm nước đầy hy vọng. |
Hạnh phúc ở nơi “giành giật” sự sống
Khoa Hồi sức tích cực chống độc của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long là một phòng cách ly, yên ắng lạ thường. Với “khách lạ” như chúng tôi, đó là một không khí hết sức căng thẳng bởi rất nhiều âm thanh lúc đều đều, lúc thúc giục của các thiết bị y tế đủ loại.
“Nhà báo vô riết là quen, bớt sợ hà. Toàn bộ mọi hoạt động theo dõi, chăm sóc bệnh nhân (BN) đều do bác sĩ, điều dưỡng luôn trong tình trạng trực chiến để giành giật sự sống cho họ”- bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Văn Hạnh Phúc- Phó trưởng khoa- cho biết.
Cuộc chiến ấy không chỉ là của các y- bác sĩ. Đó còn là cuộc chiến giành lại sự sống của các BN nguy kịch, nơi nhận về tất cả những BN nặng nhất của tất cả chuyên khoa, cách ly người nhà để bác sĩ theo dõi.
Khi người nhà chờ đợi mệt mỏi bên ngoài, thì bên trong phòng này, tập thể nhân viên y tế trong kíp trực ngoài công việc của người điều trị, còn kiêm luôn việc làm vệ sinh cho BN.
Họ không chỉ có nhiệm vụ cứu người, mà bên trong là một áp lực khủng khiếp về tinh thần. Tất cả không một ai được phép lơ là mà phải hợp thành một đội quân năng động, nhanh trí, tận tình và chính xác, không phải là từng giờ, mà phải là từng giây chiến đấu bởi ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh.
Bà Nguyễn Thị Khánh (85 tuổi)- là một trong ít BN còn tỉnh táo hiếm hoi trong khoa. Miệng, cổ bà đầy dây nhợ, dịch truyền, tiếng máy trợ thở tích tắc để giúp bà thở bớt khó do bệnh suy hô hấp, viêm phổi nặng.
Bằng đôi mắt, bà như cố giao tiếp với bác sĩ Phúc đang khám cho mình. Bà khẽ há miệng, làm theo tiếng bác sĩ động viên: “Bà ráng nha, tụi con đang cố gắng giúp bà mau khỏe”.
Bên hành lang của khoa, anh Mai Thanh Bảnh chia sẻ về tấm lòng của thầy thuốc khi hơn 3 tháng, anh ở bệnh viện túc trực nuôi mẹ- bà Nguyễn Thị Dung (69 tuổi) bị đột quỵ, viêm phổi nặng.
“Tưởng má không qua khỏi rồi đó. Vô viện là hôn mê rồi. Ai dè các y- bác sĩ ở đây tận tâm cứu chữa, sức khỏe má tiên lượng khá, có hy vọng rồi. Lo, người nhà tui gặp y- bác sĩ là hỏi miết và được giải thích tình trạng bệnh của má cặn kẽ nên tui cũng yên tâm. Nuôi bệnh chỉ đưa tã, sữa cho má, vô thăm má xíu, còn lại là các y- bác sĩ lo cho má hết hà”.
Công việc ở Khoa Hồi sức tích cực và chống độc đòi hỏi các bác sĩ phải luôn học tập nâng cao chuyên môn, liên tục cập nhật kiến thức mới, tích lũy kinh nghiệm...
Bác sĩ Hạnh Phúc kể: “Những kiến thức mới được cập nhật, áp dụng kịp thời. Chẳng hạn, nhờ nhanh chóng ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu nên nhiều BN nặng được
cứu sống”.
Một người lạc quan, vui vẻ, rộn ràng tiếng cười như cái tên của anh- bác sĩ Hạnh Phúc đã có thâm niên 26 năm gắn bó với Khoa Hồi sức tích cực chống độc từ khi mới ra trường (năm 1994). Anh trân quý và yêu nghề y biết bao. Anh sống trọn và toàn tâm với nghề.
Anh hạnh phúc với công việc hàng ngày, hàng giờ thậm chí tính bằng giây khi căng mình cùng đồng nghiệp chiến đấu giành giật sự sống cho BN.
Đưa điện thoại cho chúng tôi xem những hình ảnh ca bệnh được cứu sống, bác sĩ Hạnh Phúc tâm sự, cứ mỗi ca được cứu sống anh chụp lại bệnh án, quay clip lại và xem đó là kỷ niệm, hạnh phúc với nghề.
Và, khi được lãnh đạo bệnh viện giao thêm nhiệm vụ hướng dẫn giảng dạy cho sinh viên y khoa thực tập, đó trở thành hình ảnh, bài giảng trực quan sinh động, quý giá trong công tác cấp cứu, điều trị BN nguy kịch được anh tận tình chia sẻ.
Trong mắt đồng nghiệp, bác sĩ Hạnh Phúc là người vui, hài hước, hát vọng cổ rất hay, luôn đem lại tiếng cười, làm xua tan áp lực bên ngoài căn phòng cấp cứu.
Các bác sĩ trẻ, trân quý gọi anh là “sư phụ”; các sinh viên trân quý gọi anh là “thầy”, xưng con rất ấm áp bởi bác sĩ Hạnh Phúc ngoài việc tận tâm với công việc, anh không giấu nghề, luôn suy nghĩ, sáng tạo, chia sẻ để việc chữa trị cho bệnh nhân đạt hiệu quả cao nhất.
Tâm tình của nữ bác sĩ tuyến xã
Bác sĩ Kim Yến mong việc phổ cập y tế “xuống tới tận ấp, xã” để người dân, đặc biệt là dân nghèo được hưởng dịch vụ y tế cơ sở tốt. |
Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Kim Yến- Trưởng Trạm Y tế xã Mỹ Lộc (Tam Bình) đã 32 năm sống với nghề y, bắt đầu công việc từ Trạm Y tế xã Long Phú và chuyển về xã Mỹ Lộc đã 8 năm nay.
“Khoác áo blouse trắng, giúp người bệnh khỏe” là hạnh phúc, là lý do mà bác sĩ Bùi Kim Yến chọn nghề. Sinh năm 1967, trải qua những thăng trầm của đất nước khi thống nhất hoàn toàn và bước vào giai đoạn đổi mới, lúc “người ta lấy táo đong lúa, chứ không ai lấy táo đong chữ” thì gia đình vẫn ủng hộ để bác sĩ Bùi Kim Yến học y.
Trạm y tế là tuyến cơ sở gần dân nhất, nhưng áp lực công việc ở đây nặng nề không thua kém một bệnh viện tuyến trên. Một bác sĩ như chị phải khám đủ thứ bệnh, từ chấn thương chỉnh hình, mắt, tai, mũi, họng đến đỡ sinh.
Rồi, vừa khám chữa bệnh vừa tổ chức vào những ấp để tuyên truyền phòng bệnh, đi tiêm chủng mở rộng. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các y- bác sĩ ở trạm kiêm luôn tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chống bệnh hiệu quả.
Chú Nguyễn Văn Tài (Ấp 8, xã Mỹ Lộc) cho biết: “Bữa mưa đầu mùa, tui bị sụt sịt cảm, ho khiến tui lo lắm.
Đi khám, cô Yến giải thích tui chỉ bệnh cảm thông thường, đi khám là tốt, còn bệnh do corona phải có tiếp xúc với người về từ vùng dịch, bị ho, khó thở, nặng đầu. Cô khuyên tui đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ để phòng bệnh”.
Bác sĩ Kim Yến cho biết: “Công tác ở địa phương thì khó khăn, thiếu thốn nhưng vui nhất là vô cùng gần gũi với người dân, đến nhà thì được dân tiếp đãi như người thân, có nắm rau, có trái cà người dân cũng xách lên cho”.
Kỷ niệm đáng nhớ với cô là có một em bé trong xã chạy xe đạp bị xe máy đụng trúng, bị thương nặng ở đầu, sự sống như “ngàn cân treo sợi tóc”.
“Anh em ở trạm y tế tiến hành sơ cứu và nhanh chóng chở bé qua Cần Thơ. Thật kỳ diệu khi bé được cứu sống và gia đình bé rối rít cảm ơn”- bác sĩ Kim Yến kể.
Ông Phạm Thành Tín (ấp Mỹ Tân, xã Mỹ Lộc) năm nay 75 tuổi. Vợ chồng ông là một trong những người thường xuyên có mặt ở trạm y tế lấy thuốc huyết áp và cảm sốt mỗi khi “trái gió trở trời”.
Ông cho biết: “Tôi rất tin tưởng, cán bộ, nhân viên ở trạm vì họ lịch thiệp, mỗi lần cho thuốc là ghi chú dặn dò kỹ càng dữ lắm. Cái hay nhất là trạm rất nhanh chóng, chủ động gọi xe, luôn có mặt khi bà con đau ốm.
Hồi năm rồi tui sửa máy bị điện giật bất tỉnh, không nhờ anh em trạm gọi điện cấp cứu nhanh thì tui tiêu rồi. Điện giật mấy đầu ngón tay bị thương tới xương, phải lên trạm thay băng hơn tháng trời, mang ơn anh em ở đây dữ lắm”.
Còn những câu chuyện muốn “dở khóc dở cười” của những sản phụ “sắp đẻ rớt”, tâm sự chuyện gia đình, làng xóm của những cụ cao tuổi đến trạm y tế thường xuyên khiến hơn 30 năm làm nghề của bác sĩ Kim Yến nhiều lần rơi nước mắt và không thiếu những nụ cười.
Nhiều năm sống cạnh và chăm lo sức khỏe cho những người dân quê mình, bác sĩ Kim Yến mong việc phổ cập y tế “xuống tới tận ấp, xã” để người dân, đặc biệt là dân nghèo được hưởng dịch vụ y tế cơ sở tốt.
Chị tâm sự: “Trạm y tế như ngôi nhà thứ 2 của anh em ở đây, đa số bà con làm nông, giờ rảnh không ra đồng thì giữa trưa hoặc chiều tối mới chạy lên khám bệnh.
Mong muốn lớn nhất của tôi sau khi về hưu vẫn là tiếp tục làm nghề khám chữa bệnh, phục vụ cùng các đoàn từ thiện bởi mình có chứng chỉ làm nghề, vẫn còn sức khỏe mà không làm nữa thì tiếc và buồn lắm”.
Niềm vui và là động lực để đội ngũ cán bộ nhân viên y tế phấn đấu còn là trong các cuộc họp hội đồng người bệnh cấp khoa, cấp bệnh viện, đa số BN và người nhà có lời khen về chuyên môn, kỹ năng và tinh thần thái độ phục vụ của y- bác sĩ, điều dưỡng trong điều trị, chăm sóc, hướng dẫn BN. Còn trăn trở là khi đứng trước BN, đội ngũ y tế cố gắng hết khả năng để cứu chữa nhưng không qua khỏi, dẫn đến gia đình nào đó mất một người thân... những lúc ấy tấm lòng người thầy thuốc rất sẻ chia, đồng cảm với gia đình. “Từ đó đã đặt yêu cầu cao hơn, cố gắng nhiều hơn để y- bác sĩ có giải pháp cứu chữa BN tốt hơn”- bác sĩ Hạnh Phúc suy ngẫm. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin