Đầu năm đi lễ Lăng ông

04:02, 01/02/2020

Câu ca dao vừa nhắc nhở thế hệ sau không quên công lao của các bậc tiền nhân đối với đất nước, vừa là lời mời du khách thập phương về dự Lễ hội Lăng ông Tiền quân Thống chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn (tại ấp Giồng Thanh Bạch, xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) vào ngày mùng 3, mùng 4 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

 

“Nhớ về thăm lại Trà Ôn

Tháng Giêng, mùng bốn, giỗ ông Ngọc Hầu”.

Câu ca dao vừa nhắc nhở thế hệ sau không quên công lao của các bậc tiền nhân đối với đất nước, vừa là lời mời du khách thập phương về dự Lễ hội Lăng ông Tiền quân Thống chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn (tại ấp Giồng Thanh Bạch, xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) vào ngày mùng 3, mùng 4 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời trao quyết định di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Lăng ông Trà Ôn.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời trao quyết định di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Lăng ông Trà Ôn.

Năm nay là lễ giỗ lần thứ 200, đồng thời đón nhận quyết định lễ hội Lăng ông là di tích văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Hàng vạn người đến chiêm bái

Ông Lê Hoàng Hậu- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn cho biết toàn huyện có 122 di tích phổ thông như đình, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, bia, tượng, trong đó có 9 di tích lịch sử văn hóa cách mạng cấp tỉnh, 1 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là Lăng ông được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận vào ngày 13/02/1996.

Mùng 3, mùng 4 tháng Giêng, tại Trà Ôn diễn ra lễ hội Lăng ông.
Mùng 3, mùng 4 tháng Giêng, tại Trà Ôn diễn ra lễ hội Lăng ông.

Trãi qua 200 năm, lễ hội được chính quyền và nhân dân Trà Ôn bảo tồn khá nguyên vẹn, với những nghi lễ như lễ túc yết, chánh tế, tế tiền hiền, hậu hiền và những diễn xướng dân gian đặc sắc.

Lễ hội là sự tổng hợp thống nhất trong đa dạng về loại hình nghệ thuật dân gian, mang lại những nét độc đáo riêng biệt của từng dân tộc Kinh- Hoa- Khmer như đờn ca tài tử, nhạc ngũ âm, múa trống sa dăm, nhạc tùa lầu cấu, hát bội,…

Ông Từ Hoàng Đương- Phó Ban Quản lý Di tích Lăng ông Tiền quân Thống chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn- cho biết: “Năm nay kỷ niệm 200 năm, nơi đây còn vinh dự đón nhận quyết định di tích văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nên được tổ chức long trọng, nhiều hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian hơn so các năm”.

Theo thống kê hằng năm, từ 29 đến hết mùng 4 tết, nơi đây đón trên 12.000 lượt khách về dự và tăng qua các năm.

Vừa thắp hương xong, cô Nguyễn Thị Mãnh (khu 2, thị trấn Trà Ôn) nói: “Tôi rất tự hào khi quê hương có được một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận. Tôi sẽ giới thiệu với người thân, bạn bè về di sản văn hóa Lăng ông”.

Sáng mùng 3, em Trần Thị Nhung (ấp Ông Tín, xã Trà Côn- Trà Ôn) cùng gia đình cúng bái, tham quan. Nhờ chúng tôi chụp hình kỷ niệm, em vui vẻ nói: “Hầu như năm nào em và gia đình cũng đi cúng ông.  Em cầu sức khỏe, bình an cho mình và gia đình”.

Người dân nguyện cầu đầu xuân.
Người dân nguyện cầu đầu xuân.

Anh Thạch Chi Quanh (ấp Mỹ Thuận, xã Tân Mỹ- Trà Ôn) vui vẻ: “Năm ngoái đánh bóng chuyền hạng 3, năm nay mai mắn vô địch”.

Anh Quanh cho biết, không nhớ bao nhiêu lần đã đi đến đây cũng như tham gia các trò chơi dân gian, thể thao mà chỉ biết là “tuổi thơ đã gắn bó ở đây nhiều. Tết năm nào ba mẹ cũng dắt lại đây cúng ông, vui xuân, tham gia chơi thể thao, giải trí, tối còn được xem tuồng”.

“Điểm đến du lịch tiêu biểu của tỉnh”

Ghi nhận trong 2 ngày diễn ra lễ hội, với tinh thần vui tươi phấn khởi ngày đầu năm, người dân các nơi tề tựu về đây cúng ông, chiêm bái và ước nguyện, xem các phần nghi lễ đặc sắc, trang nghiêm. Bên cạnh, họ cùng nhau xem hoặc tham gia chơi các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao, xem hội múa lân, chương trình văn nghệ cải lương, hát bội, hội sách báo xuân,...

Ông Lê Hoàng Hậu- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn- cho biết, trong thời gian tới UBND huyện sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để giữ gìn và phát triển tốt hơn nữa giá trị của lễ hội, đồng thời tăng cường tuyên truyền, quảng bá các hoạt động của lễ hội gắn với các sản phẩm du lịch của địa phương, tạo cơ sở vững chắc, thúc đẩy du lịch cộng đồng, để lễ hội thật sự điểm đến của du khách gần xa.

Múa trống sadăm của đồng bào Khmer.
Múa trống sadăm của đồng bào Khmer.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cho biết, đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm nhằm tưởng nhớ, tri ân những công lao to lớn của Tiền quân Thống chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn trong công cuộc khai phá, xây dựng và giữ gìn bờ cõi đất nước; đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc; tăng cường tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của ba dân tộc Kinh- Hoa- Khmer cùng sinh sống trên địa bàn.

Ông Lữ Quang Ngời cũng ghi nhận sự đóng góp của nhân dân trong việc tu bổ, giữ gìn di tích, góp phần đưa lễ hội Lăng ông được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận vào ngày 22/01/2020.

Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích Lăng ông, thay mặt Tỉnh ủy- HĐND- UBND- UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi toàn thể nhân dân cùng chung tay với chính quyền địa phương tiếp tục đóng góp, quan tâm tu bổ, tôn tạo, đưa di tích Lăng ông trở thành một trong những điểm đến du lịch tiêu biểu của tỉnh trong thời gian tới.

Bài, ảnh: TẤN ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh