Giáo dục Vĩnh Long làm theo lời Bác

02:01, 01/01/2020

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng sự nghiệp giáo dục- đào tạo, Người xem "GD- ĐT là quốc sách hàng đầu". 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, giáo dục Vĩnh Long đã và đang trên đường phát triển, xứng đáng với những kỳ vọng của Người.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng sự nghiệp giáo dục- đào tạo, Người xem “GD- ĐT là quốc sách hàng đầu”. 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, giáo dục Vĩnh Long đã và đang trên đường phát triển, xứng đáng với những kỳ vọng của Người.

Chất lượng giáo dục đào tạo nghề ngày càng được nâng cao.
Chất lượng giáo dục đào tạo nghề ngày càng được nâng cao.

Nhớ lời Di chúc Bác Hồ

Di chúc của Bác có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc. Một trong những nội dung cốt lõi trong Di chúc là lời dặn của Người về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.

Đối với ngành giáo dục Vĩnh Long, thực hiện Di chúc của Người chính là thi đua dạy tốt và học tốt; chăm lo, đào tạo thế hệ trẻ để các em trở thành công dân tốt, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Các thầy cô lâu năm sẽ không thể nào quên được những năm tháng dạy trong lớp học tre lá tạm bợ, mưa là “thầy và trò đều ướt”.

Thầy Nguyễn Anh Dũng- giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên TP Vĩnh Long chia sẻ: “Trước đây, tôi dạy ở THCS- THPT Tam Bình, lớp học tre lá tạm bợ, mỗi lần mưa to, gió lớn thì lại tốc mái… Hết mưa, thầy trò lại cùng nhau xây sửa lại trường, dạy và học tiếp”.

Giờ đây, trường lớp ngày càng khang trang, trang thiết bị được bổ sung ngày càng đầy đủ, đồng bộ và hiện đại.

Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và sự góp sức của toàn xã hội, cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên ngành giáo dục đã phấn đấu giúp giáo dục Vĩnh Long có những bước phát triển mới.

Mạng lưới trường lớp tiếp tục được củng cố và từng bước hoàn thiện, giảm quy mô các trường nhỏ lẻ, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trong tỉnh, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương gắn với nâng cao chất lượng giáo dục.

Sự quan tâm này đã giúp ngành đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng trường chuẩn quốc gia. Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long cho biết: “Tỷ lệ các trường đạt chuẩn quốc gia đến thời điểm này đạt có 55,76%, so với cùng kỳ tăng 4,82%, vượt trước 1 năm chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long là đến năm 2020 đạt 55%”.

Chất lượng giáo dục được nâng cao và ngày càng toàn diện, trong đó giáo dục mầm non thực hiện công tác huy động trẻ vượt kế hoạch đề ra.

Các hoạt động chăm sóc, giáo dục theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm được quan tâm đổi mới. Giáo dục phổ thông tổ chức đa dạng các hoạt động hướng đến mục tiêu hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. 

Chất lượng giáo dục được khẳng định qua những con số biết nói, kết quả tốt nghiệp THPT của Vĩnh Long đạt 97,22%, điểm trung bình xếp thứ 15 trên toàn quốc trong đó có 10/31 trường THPT đạt tỷ lệ 100%.

Không những thế, “ngành giáo dục đã chuẩn bị tốt cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Chất lượng giáo dục các năm qua được nâng lên và ổn định”- bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết thêm.

Chất lượng giáo dục đi vào chiều sâu

Chất lượng giáo dục mầm non ngày càng được nâng cao, tạo nền tảng vững chắc giúp các cháu cao, khỏe và thông minh hơn.
Chất lượng giáo dục mầm non ngày càng được nâng cao, tạo nền tảng vững chắc giúp các cháu cao, khỏe và thông minh hơn.

Từ một tỉnh có trình độ dân trí thấp, đến nay Vĩnh Long là tỉnh nằm trong top đầu các tỉnh ở ĐBSCL về tỷ lệ dân số trong độ tuổi đến trường. Xét về khía cạnh giáo dục chuyên nghiệp, đến nay, Vĩnh Long có 3 trường ĐH, 1 phân hiệu ĐH và 4 trường CĐ.

Các trường ĐH, CĐ ngày càng đẩy mạnh quy mô và chất lượng đào tạo, tăng cường hợp tác quốc tế. PGS.TS. Lương Minh Cừ- Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long- cho biết: “Ngoài nhà máy năng lượng mặt trời do nhà trường phối hợp với đối tác Hàn Quốc xây dựng đã đi vào hoạt động, nhà trường đang phối hợp chuẩn bị xây dựng nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời”.

Thực hiện lời dạy Bác Hồ, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được quan tâm bố trí, đào tạo, bồi dưỡng về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ nên số lượng và cơ cấu ngày càng ổn định, chất lượng ngày càng được nâng cao.

Không chỉ quan tâm đến giáo dục phổ thông, đội ngũ giáo viên mầm non được quan tâm phân bổ biên chế để tuyển dụng theo nhu cầu thực tế nên cơ cấu ngày càng ổn định. Bởi vì, chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ, tạo tiền đề tốt cho trẻ phát triển ở bậc phổ thông.

Đánh giá về những kết quả đã đạt được, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng: “Giáo dục Vĩnh Long đã có được những kết quả rất đáng khích lệ, điều đó đã chứng minh cho tinh thần đoàn kết, quyết tâm của toàn ngành hướng đến mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”.

Đề án sữa học đường đã được triển khai thực hiện với mục đích cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ mẫu giáo, tiểu học nhằm để giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ.

Bà Trương Thanh Nhuận- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Vĩnh Long- phấn khởi cho biết: “Trong học kỳ 2 này, đã có gần 70% học sinh mầm non và hơn 55,6% học sinh tiểu học trong độ tuổi đăng ký tham gia. Đây là chương trình phù hợp với điều kiện địa phương, thể hiện tính nhân văn sâu sắc giúp các em trong độ tuổi được bổ sung vi chất để phát triển thông minh, khỏe mạnh hơn”.

Theo lãnh đạo Sở GD- ĐT Vĩnh Long thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương để triển khai thực hiện các đề án của ngành đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ của từng đề án trong năm học 2019- 2020 nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, tạo nền tảng vững chắc, giúp các cháu bước vào bậc học phổ thông có đủ phẩm chất, kỹ năng, kiến thức để trở thành những công dân vừa “hồng” vừa “chuyên” như Di chúc của Bác, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới và hội nhập.

Tròn nửa thế kỷ Bác Hồ kính yêu đi xa, thực hiện ước nguyện thiêng liêng của Người, cùng với cả nước, ngành giáo dục Vĩnh Long luôn phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

 

Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, tiếp tục thực hiện Di chúc của Người, trong thời gian tới ngành GD-ĐT tập trung, nâng cao nhận thức trong toàn ngành nhất là người đứng đầu các đơn vị về quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với giáo dục nhất là việc chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau một cách toàn diện. Quan tâm tổ chức các hoạt động giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cho học sinh; kết hợp có hiệu quả giữa dạy chữ và dạy người.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua và cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” gắn chặt với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao bản lĩnh và uy tín để mỗi thầy cô thật sự là những tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh