Nếu những năm đầu sau thống nhất đất nước, hệ thống đô thị (ĐT) của tỉnh chưa được định hướng phát triển rõ nét thì đến nay, đã quy hoạch và hình thành hệ thống ĐT toàn tỉnh gồm 8 ĐT. Các ĐT dần khẳng định và phát huy vai trò là động lực phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Nếu những năm đầu sau thống nhất đất nước, hệ thống đô thị (ĐT) của tỉnh chưa được định hướng phát triển rõ nét thì đến nay, đã quy hoạch và hình thành hệ thống ĐT toàn tỉnh gồm 8 ĐT. Các ĐT dần khẳng định và phát huy vai trò là động lực phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Đô thị Vĩnh Long đã và đang khẳng định vai trò đầu tàu cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. |
Khẳng định vai trò đầu tàu
Theo Cục Phát triển ĐT (thuộc Bộ Xây dựng), số liệu tổng kết, đánh giá ở các địa phương sau chặng đường phát triển 20 năm gần đây cho thấy, phát triển ĐT có liên hệ mật thiết với tốc độ phát triển kinh tế- xã hội.
Tăng trưởng kinh tế ở khu vực ĐT đạt từ 12- 15%, cao hơn từ 2- 2,5 lần so với mặt bằng chung trong cả nước. Khu vực ĐT tiếp tục khẳng định vai trò tạo động lực phát triển kinh tế của cả nước, tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và phát triển chung của xã hội.
Tại Vĩnh Long, theo Sở Xây dựng, sau năm 1975, tỉnh Vĩnh Long (lúc đó còn là tỉnh Cửu Long) tập trung ổn định chính trị, kinh tế- xã hội. Do còn nhiều khó khăn nên phát triển ĐT chủ yếu trên nền hiện trạng quy mô nhỏ.
Thời điểm này, toàn tỉnh có 1 thị xã (TX Vĩnh Long) và 5 trung tâm huyện (Long Hồ, Vũng Liêm, Bình Minh, Tam Bình và Trà Ôn). Lúc bấy giờ, không gian kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng ĐT chưa có định hướng, quy hoạch. Diện mạo ĐT còn nhiều bề bộn; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, môi trường yếu kém…
Đến nay, tỉnh đã quy hoạch và hình thành hệ thống 8 ĐT gồm: ĐT trung tâm vùng tỉnh là TP Vĩnh Long (loại III), ĐT trung tâm tiểu vùng phía Nam là TX Bình Minh (loại IV), ĐT trung tâm tiểu vùng phía Đông là ĐT Vũng Liêm (loại V) và 5 ĐT là trung tâm hành chính của 5 huyện còn lại (loại V). Các ĐT trong tỉnh đã được tập trung đầu tư hạ tầng, quản lý kiến trúc, quy hoạch đi trước một bước và quản lý thực hiện quy hoạch được chú trọng, phân khu chức năng hợp lý…
Qua đó, tạo cơ sở thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế- xã hội. Theo ông Đoàn Thanh Bình- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng, trong phát triển hệ thống ĐT của tỉnh, có 2 ĐT lớn gồm TP Vĩnh Long và TX Bình Minh là đột phá và quyết tâm rất lớn của Đảng bộ nhằm tạo đột phá lan tỏa cho cả tỉnh.
Là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, TP Vĩnh Long hội tụ rất nhiều lợi thế để phát triển với vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh. Tận dụng các lợi thế đó, thời gian qua, thành phố huy động các nguồn lực để nâng cấp, phát triển ĐT.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2016- 2018, tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 10.380 tỷ đồng với hàng chục công trình hạ tầng được đầu tư. Hệ thống hạ tầng được tập trung đầu tư không chỉ giúp thay đổi diện mạo ĐT mà còn thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư; góp phần phát triển kinh tế- xã hội của thành phố nhanh hơn, bền vững hơn; đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.
Ông Đoàn Thanh Bình nhận định, các ĐT trong tỉnh đã và đang khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế- xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Tiếp tục đẩy mạnh ĐT hóa
Ông Đoàn Thanh Bình lý giải, tỉnh Vĩnh Long có xuất phát điểm từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy. Từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986) thì các thành phần kinh tế trên địa bàn phát triển rất mạnh mẽ. Từ đó, tác động tích cực đến xây dựng và phát triển ĐT. Khi kinh tế có tích lũy, Nhà nước đầu tư các đường trục chính, những công trình động lực phát triển ĐT (giao thông, cấp nước…).
Vậy thì, mới thu hút dân cư về, mới tiếp tục phát triển thương mại- dịch vụ. Đây là quy luật khách quan. Ngược lại, ĐT- với vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội sẽ tác động lên những lĩnh vực khác. Theo đó, ĐT với hạ tầng đầy đủ, thương mại- dịch vụ phát triển sẽ thu hút đầu tư, thu hút lao động…
Chuyển dịch từ môi trường kinh tế- xã hội mang tính nông nghiệp là cơ bản sang môi trường ĐT công nghiệp- dịch vụ, nghĩa là ĐT hóa giúp chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp. Từ đó, góp phần lớn vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội.
Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đang tăng từng năm và tiếp tục được đẩy mạnh. |
Theo Sở Xây dựng, tỷ lệ ĐT hóa của tỉnh đang tăng dần theo từng năm. Cụ thể, nếu tỷ lệ ĐT hóa của tỉnh năm 2010 là 15,4% thì đến cuối năm 2019, tỷ lệ ĐT hóa của tỉnh khoảng 22,1%.
Quá trình ĐT hóa đã cung cấp một lực lượng lao động có trình độ, chuyên môn nhất định, góp phần tăng trưởng kinh tế liên tục theo các giai đoạn phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Định hướng năm 2020, tỉnh tập trung các nguồn lực nâng cấp, phát triển TP Vĩnh Long đạt ĐT loại II và TX Bình Minh đạt ĐT loại III; thành lập thị trấn Tân Quới (Bình Tân); nâng cấp 4 xã còn lại của thành phố lên phường…
Từ định hướng trên, tỉnh tiếp tục tăng tỷ lệ ĐT hóa, nghĩa là phải xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để thu hút đầu tư, giải quyết lao động, đồng thời, đầu tư hạ tầng xã hội (nhà ở, công trình phục vụ…) để giữ chân những người đến làm việc và định cư lâu dài.
Theo ông Đoàn Thành Bình, tăng tỷ lệ ĐT hóa, nghĩa là chúng ta đang làm nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu các thành phần kinh tế, chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực dịch vụ và công nghiệp xây dựng. Vì thế, đẩy mạnh tốc độ ĐT hóa của tỉnh trong thời gian tới là việc làm tất yếu trong quá trình phát triển ĐT.
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin