Ăn trái cây có nồng độ cồn: Bộ Y tế nói gì?

04:01, 04/01/2020

Trước thắc mắc và lo ngại của người dân về thông tin "ăn trái cây, ăn thực phẩm khiến hơi thở có nồng độ cồn khi tham gia giao thông vẫn sẽ bị xử phạt", bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - đại diện cơ quan soạn thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia đã lên tiếng.

Trước thắc mắc và lo ngại của người dân về thông tin “ăn trái cây, ăn thực phẩm khiến hơi thở có nồng độ cồn khi tham gia giao thông vẫn sẽ bị xử phạt”, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - đại diện cơ quan soạn thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia đã lên tiếng.

Bà Trần Thị Trang, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
Bà Trần Thị Trang, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Trang cho biết, có nhiều thông tin đang lo ngại rằng, việc sử dụng một số loại trái cây cũng dẫn tới kết quả có nồng độ cồn trong hơi thở, điều này có thể gây nhầm lẫn trong việc xử phạt người tham gia giao thông.

Tuy nhiên, bà Trang nhấn mạnh, trong các sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có đường như nho, sầu riêng, chuối... dễ để lại nồng độ cồn trong cơ thể nhưng rất nhỏ, không đáng kể.

Cũng theo bà Trang, trong quá trình thông tin, giáo dục, tuyên truyền thực hiện Luật, Bộ y tế sẽ phổ biến những vấn đề về mặt khoa học để lực lượng chức năng nắm được với những trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở rất nhỏ, gần như không đáng kể thì đó không phải là đối tượng để xử phạt.

Liên quan đến vấn đề này, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, việc uống các siro có cồn, hoa quả lên men hay ăn rượu nếp, tức là cũng hấp thu một lượng rượu nhất định.

Nếu vừa uống hay vừa ăn xong thì có thể có nồng độ rượu trong máu và hơi thở ở mức độ nào đó nhưng do lượng rượu này rất thấp nên cơ thể sẽ chuyển hóa hết rất nhanh.

Về lo ngại uống bia rượu sau bao lâu mới được lái xe, bà Trần Thị Trang phân tích, không có con số chính xác tuyệt đối cho mọi cá nhân là uống rượu bia sau bao lâu mới được lái xe, hay sau bao lâu uống rượu bia thì hết nồng độ cồn trong cơ thể mà nó phụ thuộc vào lượng bia rượu uống và đặc điểm sinh học, thể trạng của từng cá nhân. Từ đó mới có chỉ số nhất định sau bao lâu mới hết nồng độ cồn trong máu.

Thông thường đối với người có cơ chế chuyển hóa bình thường thì sau 1 giờ, gan sẽ dung nạp và chuyển hóa hết 1 đơn vị cồn (1 đơn vị cồn khoảng 10 gam cồn nguyên chất, tương đương với 2/3 lon bia 330ml nồng độ 5%, 100ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%). Tuy nhiên, để chuyển hóa hết hoàn toàn 1 đơn vị cồn, cơ thể phải mất từ 1-2 giờ nữa.

Vì vậy, nếu uống 1 đơn vị cồn tương đương với 2/3 lon bia 330ml, 100ml rượu vang nồng độ cồn 13,5%, 30ml rượu mạnh nồng độ cồn 40%, đối với người khỏe mạnh, bình thường, không mắc bệnh gì thì phải mất từ 2-3 giờ mới chuyển hóa hết nồng độ cồn trong cơ thể, lúc đó mới có thể lái xe.

Đối với những người có chức năng gan suy yếu hoặc những người có cơ thể chuyển hóa chậm hơn thì nồng độ cồn chuyển hóa sẽ lâu hơn nhiều.

Vì vậy, Vụ phó Vụ Pháp chế khuyến cáo, nam giới khỏe mạnh không nên uống quá hai đơn vị cồn, nữ giới khỏe mạnh không uống quá một đơn vị cồn mỗi ngày và uống dưới 5 ngày/tuần.

Theo Hiền Minh/Chinhphu

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh